Ông có thể khái quát hệ thống luật pháp hiện nay của Việt Nam về việc cấm buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD)?
- Việt Nam đã quan tâm xây dựng hệ thống pháp luật về quản lý, bảo vệ ĐVHD từ khá sớm. Năm 1963, Hội đồng Chính phủ đã ban hành điều lệ tạm thời về săn, bắt chim, thú rừng (Nghị định số 39/CP ngày 5/4/1963). Năm 1994, nước ta chính thức trở thành thành viên thứ 121 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Đến nay, chúng ta đã nội luật hóa bằng hơn 60 văn bản QPPL về quản lý ĐVHD, trong đó có 16 văn bản quan trọng thuộc các lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản, tài nguyên môi trường, đầu tư, hành chính và hình sự, gồm 7 luật và bộ luật, 4 nghị định, 1 nghị quyết, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 3 thông tư.
Việt Nam cũng như 183 nước thành viên CITES hiện không cấm hoàn toàn việc buôn bán ĐVHD. Luật quy định cấm hoặc không cấm buôn bán với từng loại ĐVHD nhất định. Năm 2013, Thủ tướng đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu mẫu vật ngà voi, sừng tê giác (Quyết định số 11/QĐ-TTg); Danh sách gồm hơn 200 loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm bị nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích đầu tư kinh doanh cũng được ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2014.
Theo đánh giá của Ban Thư ký CITES, hệ thống luật pháp quản lý ĐVHD của Việt Nam được xếp loại A (loại tốt, có các quy định khá đầy đủ, quản lý theo chuỗi, mức độ xử phạt khá hà khắc).
Tuy nhiên, các quy định quản lý ĐVHD của Việt Nam có tính hệ thống chưa cao, một số quy định chưa đủ chi tiết, trùng lắp, nên cần được tiếp tục hoàn thiện.
Hệ thống luật hiện nay đã đảm bảo tốt việc thực thi lệnh cấm này chưa?
- Hệ thống pháp luật hiện đã cơ bản đảm bảo quản lý ĐVHD, bao trùm nhiều khía cạnh. Về chế độ quản lý, đã quy định đầy đủ các hành vi bị cấm như săn bắt, buôn bán, nuôi, tàng trữ, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu trái luật. ĐVHD được quản lý theo chuỗi từ bảo tồn, khai thác, nuôi, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu và bảo đảm được truy xuất nguồn gốc của mẫu vật. Các quy định được xây dựng chặt chẽ, rõ ràng, phù hợp quy định của CITES và điều kiện Việt Nam. Một số quy định tiên tiến, có sự phối hợp liên ngành trong quản lý, đảm bảo chặt chẽ và minh bạch, đồng thời tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện như quy định về cấp giấy phép CITES xuất nhập khẩu, tái xuất khẩu qua hệ thống Một cửa quốc gia.
Về danh mục loài, đã quy định rõ danh mục hơn 200 loài ĐVHD cấm khai thác, sử dụng, cấm đầu tư, kinh doanh.
Về chế tài xử lý vi phạm, các quy định xử lý hành chính, hình sự của Việt Nam với vi phạm quản lý, bảo vệ ĐVHD và thực thi CITES là rõ ràng nghiêm khắc. Chẳng hạn, về mức độ hà khắc, quy định về chế tài xử lý tội phạm trong lĩnh vực ĐVHD có thể lên đến 15 năm tù (ở Mỹ 5 năm, Malaysia 10 năm, Trung Quốc 12 năm, v.v...).
Về phân công trách nhiệm quản lý ĐVHD, đã làm rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm các cơ quan nhà nước. Hiện 18 cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực thi CITES.
Theo ông, có cần quy định tăng nặng các chế tài xử lý hoặc có biện pháp nào để hạn chế việc buôn bán ĐVHD hiện nay?
- Nhiều tổ chức, cá nhân đã bất chấp hàng rào pháp lý, vi phạm pháp luật vì lợi nhuận lớn từ việc buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Đã có dữ liệu thực tế cho rằng, trên quy mô toàn cầu, tội phạm về ĐVHD chỉ đứng sau tội phạm về buôn bán vũ khí, ma túy và nạn buôn người.
Chế tài xử lý nghiêm khắc là cần thiết, nhưng không phải là giải pháp duy nhất phát huy hiệu quả. Chẳng hạn, Liên Hợp quốc đã thừa nhận, nhiều quốc gia thất bại trong cuộc chiến chống buôn bán ma tuý, dù hình phạt cho hành vi buôn bán ma tuý rất nặng, thậm chí là tử hình, nhưng tội phạm vẫn nhiều.
Để kiểm soát buôn bán ĐVHD có hiệu quả, chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp tổng thể, trong đó thực thi pháp luật là rất quan trọng. Cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các khâu, tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử, kết hợp với tuyên truyền, phổ biến, cải thiện sinh kế và áp dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc ĐVHD; dự báo, ngăn chặn, cắt đứt từ xa các chuỗi hành trình ĐVHD bất hợp pháp từ bất kỳ hướng nào, kể cả từ trong nước hay ngoài nước.
Xin cảm ơn ông!