Giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chất thải rắn được phân loại và tận dụng triệt để giá trị là tài nguyên nguy vô cùng lớn. Nếu khai thác tốt sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Vì chất thải của ngành nghề này có thể trở thành nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác.
Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại và tận dụng triệt để sẽ là tài nguyên vô cùng lớn. Ảnh minh họa: Ngọc Nga
Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại và tận dụng triệt để sẽ là tài nguyên vô cùng lớn. Ảnh minh họa: Ngọc Nga

Ngày 9/6, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã tổ chức diễn đàn môi trường năm 2023 với chủ đề “Giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên”. Đây là sự kiện thường niên hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5/6) và ngày Đại dương thế giới (8/6).

Sự gia tăng chất thải rắn sinh hoạt, gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí TNMT nhấn mạnh: Đất nước ta đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ với tốc độ đô thị hoá ở thành thị và nông thôn ngày càng nhanh; cùng với đó là sự gia tăng dân số, đồng nghĩa kéo theo sự gia tăng về lượng chất thải rắn sinh hoạt, gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường.

Theo số liệu thống kê của Bộ TNMT, hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là khoảng 60.000 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị 3 chiếm 60%; chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày cũng là 1 con số khá lớn, nhưng đáng chú ý hơn cả là tỷ lệ thu gom và tỷ lệ xử lý loại chất thải này vẫn chưa đạt 100%.

Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng từ 10 - 16%/năm. Về vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hiện nay, có trên 70% lượng chất thải được xử lý bằng phương thức chôn lấp và chỉ có 15% trong đó được chôn lấp hợp vệ sinh.

TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí TNMT phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Ngọc Nga

TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí TNMT phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Ngọc Nga

“Vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém. Đặc biệt là công nghệ chôn lấp hiện tại vẫn chưa thu gom được khí mê tan - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng khí nhà kính. Trước những khó khăn, thách thức này, thiết nghĩ, các giải pháp như phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế chất thải rắn sinh hoạt, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải,… cần được tăng cường áp dụng”, TS Đào Xuân Hưng cho hay.

Chia sẻ về thực trạng xử lý rác thải rắn sinh hoạt hiện nay tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, hiện nay, trên cả nước có khoảng 400 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost tập trung, trên 900 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng để phát điện hoặc có kết hợp nhiều phương pháp xử lý khác nhau.

Về tỷ lệ xử lý chất thải theo các phương pháp xử lý, hiện nay khoảng 71% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chưa tính lượng bãi thải từ các cơ sở chế biến phân compost và tro xỉ phát sinh từ các lò đốt); khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác.

Đưa ra giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng cần khuyến khích tái chế và tái sử dụng; phát triển công nghiệp chế biến chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng hệ thống quản lý chất thải hiệu quả; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo; thúc đẩy kinh doanh xanh, khuyến khích sự phát triển các doanh nghiệp và dự án kinh doanh xanh liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt và kinh tế tuần hoàn.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Ngọc Nga

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Ngọc Nga

Nâng cao ý thức cộng đồng về xử lý rác thải

Đề cập đến vai trò của cộng đồng trong xử lý và biến chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường & Phát triển cộng đồng cho hay: “Phải khẳng định rằng Luật bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ 1/1/2022), có một số điểm mới, mà một trong những điểm mới đó là vai trò của cộng đồng dân cư. Điều này vô cùng có ý nghĩa vì trước đây đối tượng này (những người trực tiếp chịu tác động) không có tiếng nói thì nay đã được luật hóa. Trong luật cũng ghi rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của cộng đồng dân cư và đặc biệt là trong xử lý & biến chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên… Tất cả những nội dung trên chỉ thể hiện vai trò của cộng đồng trong bảo về môi trường nói chung, trong xử lý và biến chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên đã có hành lang pháp lý chặt chẽ, vấn đề ở đây là tổ chức thực hiện như thế nào”.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường & Phát triển cộng đồng. Ảnh: Ngọc Nga

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường & Phát triển cộng đồng. Ảnh: Ngọc Nga

Trong khi đó, kiến nghị một số biện pháp về xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ThS Đinh Nam Vinh - Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình trọng điểm cấp quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, trong đó có công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm đánh giá, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với Việt Nam; ban hành, hoàn thiện cơ chế khuyến khích đủ hấp dẫn để doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt gắn liền với các dự án đầu tư, nghiên cứu nhiệm vụ khoa học, công nghệ có quy mô lớn; cần bổ sung đầy đủ chính sách về đơn giá xử lý rác/mua điện từ dự án điện rác cho từng loại hình công nghệ khác nhau, cơ chế miễn giảm thuế, hỗ trợ/giảm lãi suất.

Đồng thời, lựa chọn và áp dụng các công nghệ phù hợp, đảm bảo tính bền vững và tạo ra hiệu quả tốt nhất trong việc xử lý rác thải. Việc xử lý rác thải cần được tiếp cận một cách bài bản và hiệu quả để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

"Việt Nam nên đầu tư vào công nghệ xử lý rác thải hiện đại như nhà máy tái chế, nhà máy chuyển hóa rác thành năng lượng, xử lý rác bằng phương pháp sinh học, và các công nghệ tái chế tiên tiến khác. Điều này sẽ giúp giảm lượng rác thải đến bãi rác và giảm tác động tiêu cực đến môi trường", ThS Đinh Nam Vinh nhận định.

Cùng với đó, nâng cao ý thức cộng đồng về xử lý rác thải, Chính phủ và các tổ chức cần tăng cường công tác giáo dục và tuyên truyền về ý thức xử lý rác thải đúng cách. Người dân cần được hướng dẫn về cách phân loại rác thải, sử dụng túi tái sử dụng và cách giảm lượng rác thải sinh ra trong cuộc sống hàng ngày…

Đọc thêm