Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất kịp thời là khâu then chốt để hoàn thành các dự án đúng tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 18/1, Hội thảo khoa học Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh do UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh đồng tổ chức bước vào phiên hội thảo 2 với chủ đề Giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất để phát triển đường sắt đô thị và khu vực TOD.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông phát biểu khai mạc hội thảo.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông phát biểu khai mạc hội thảo.

Khâu quan trọng trong quá trình triển khai dự án

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, công tác GPMB, thu hồi đất là khâu quan trọng trong quá trình phát triển và triển khai dự án để phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng.

Thực hiện tốt công tác GPMB sẽ góp phần đẩy nhanh thu hút đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng. Bên cạnh đó, góp phần đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo của người có đất bị thu hồi.

“Đối với các dự án đô thị, việc GPMB, thu hồi đất kịp thời là khâu then chốt để hoàn thành dự án đúng tiến độ, tăng hiệu quả của dự án đầu tư”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ.

Ông Nguyễn Trọng Đông cho biết, trên cơ sở các nội dung thảo luận và ý kiến đề xuất các giải pháp tại hội thảo, Ban Tổ chức sẽ xây dựng báo cáo tổng hợp gửi các cơ quan có liên quan để kịp thời phục vụ cho công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển đường sắt đô thị trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi về các nội dung như các kinh nghiệm thu hồi đất và GPMB trong xây dựng đường sắt đô thị; cơ chế chuyển dịch đất đai để nâng cấp đô thị dựa vào hệ thống giao thông công cộng; đề xuất về cơ chế quy hoạch, đền bù và GPMB cho đề án phát triển đường sắt đô thị...

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác giải phòng mặt bằng Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, ông Đỗ Đình Phan - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, với quy mô đầu tư 85.813 tỷ đồng, với tổng chiều dài 113,52km, đi qua 3 tỉnh, TP là Hà Nội (57,52km), Hưng Yên (19,3km), Bắc Ninh (36,7km), đây là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, bao gồm 7 Dự án thành phần do UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh Bắc Ninh là cơ quan chủ quản - cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, 3 dự án đầu tư thực hiện GPMB theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT.

Sau hơn 1 năm 6 tháng kể từ khi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, 3 tỉnh, TP đã huy động tối đa sức mạnh của hệ thống chính trị, triển khai đồng loạt các thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện các công việc. Đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định và bám sát tiến độ đề ra.

Ông Đỗ Đình Phan cho hay, xác định khâu GPMB, tái định cư là khâu “trọng điểm của trọng điểm” phải được triển khai sớm, TP Hà Nội đã đề xuất tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập để triển khai ngay sau khi Chủ trương đầu tư được duyệt.

Từ đó, GPMB không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của công trình, thực hiện GPMB ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt và khi dự án thành phần xây lắp được duyệt hồ sơ cắm mốc GPMB sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung cho phù hợp (đảm bảo việc GPMB đi trước một bước) nhằm đảm bảo có mặt bằng thi công trước khi trao thầu.

Tạo đồng thuận của người dân khi triển khai thực hiện

Nhấn mạnh những ưu điểm của giải pháp tách công tác GPMB thành tiểu dự án riêng để thực hiện ngay sau khi Chủ trương đầu tư được duyệt nhằm đảm bảo có mặt bằng thi công trước khi trao thầu, ông Phan chỉ ra rằng, việc này có thể triển khai song song công tác bồi thường GPMB (theo quy hoạch) đối với công tác lập dự án thành phần GPMB.

Hình ảnh tại hội thảo.

Hình ảnh tại hội thảo.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần GPMB thường sẽ triển khai nhanh hơn so với việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư do không có yếu tố kỹ thuật phức tạp, không phải thỏa thuận với nhiều đơn vị quản lý, khối lượng công việc ít hơn… dẫn đến rút ngắn được thời gian thực hiện, việc ứng vốn từ quỹ đầu tư phát triển TP chi trả cho các phương án GPMB không phụ thuộc vào dự án được duyệt (Điều 53 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định dự án chỉ được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

Bên cạnh đó, việc giao địa phương thực hiện nhiệm vụ GPMB hoặc chủ đầu tư dự án thành phần GPMB trên địa bàn để các địa phương chủ động và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị của địa phương góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB chung của các dự án. Tạo được quỹ đất sạch trước khi trao thầu xây dựng.

Nhược điểm của việc này là việc thực hiện GPMB ngay sau khi có chủ trương đầu tư được duyệt là GPMB theo quy hoạch. Tuy nhiên, đối với một số dự án phạm vi GPMB thực hiện pheo phạm vi xây dựng, việc triển khai song song dự án thành phần GPMB và dự án đầu tư xây dựng phải thực hiện cắm mốc, thu hồi đất thành nhiều lần (nếu phát sinh).

Tham luận tại hội thảo, GS, TSKH Đặng Hùng Võ cho biết, trên thế giới, từ những năm 1960, các nước đã triển khai mô hình TOD. “Ở Đức, người Đức nói rằng tại bất kỳ địa điểm nào ở nước này, chỉ cần 10 phút là xe có động cơ có thể tới 1 đô thị. Phương thức phát triển đô thị theo mô TOD giúp quá trình đô thị hóa trở nên rất hiệu quả. Đây là phương án đô thị hóa, trong đó đường sắt là cầu nối giữa các đô thị. Trên thế giới, các nước đã khước từ phát triển các siêu đô thị dạng trên 10 triệu dân, thay vào đó là phát triển các đô thị nhỏ được nối với nhau bằng các phương tiện giao thông công cộng. Đây là lựa chọn đúng”, ông Đặng Hùng Võ nói.

GS,TSKH Đặng Hùng Võ phát biểu tại hội thảo.

GS,TSKH Đặng Hùng Võ phát biểu tại hội thảo.

Theo GS, TSKH Đặng Hùng Võ, khi thực hiện các tuyến đường sắt trên cao hoặc tuyến ngầm, vận dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất là đúng vì đây là dự án phục vụ công cộng, không vì lợi ích tư nhân. Các nước cũng áp dụng cơ chế thu hồi đất để phát triển hạ tầng.

Tuy nhiên, để triển khai thực hiện, ông Đặng Hùng Võ cho rằng có 2 vấn đề lớn cần tìm cách vượt qua, thứ nhất là nguồn lực tài chính để thực hiện đối với các dự án được tách riêng để thực hiện bồi thường, GPMB, tránh trường hợp đã ký hợp đồng với nhà thầu nhưng sau đó không có mặt bằng để họ thực hiện, dẫn đến phải bồi thường. “Tách bồi thường, GPMB ra thành dự án thì lấy tiền đâu để làm, trừ khi sửa đổi Luật Ngân sách vì Luật không cho phép lấy ngân sách để bồi thường”, ông Võ cho hay.

Vấn đề thứ 2 là làm thế nào để tạo đồng thuận từ các cư dân đô thị để phát triển. Giải pháp là tìm cách chia sẻ lợi ích hợp lý giữa các bên tham gia để phát triển. “Người dân cứ khiếu kiện thì câu chuyện sẽ phức tạp, vì vậy phải tạo dựng được không khí đồng thuận của người dân để có thể lấy đất làm tuyến đường tàu điện đó thuận lợi”, ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Đọc thêm