Giải quyết thấu đáo bất cập trong cơ chế quản lý khi sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh

(PLVN) - Đây là ý kiến được đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên họp Quốc hội sáng nay, 24/10, thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) (sửa đổi).
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên họp.

Cơ chế quản lý đang “trói buộc” tiềm năng, lợi thế của các bệnh viện?

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đánh giá, dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 4 này đã có sự thay đổi tích cực, thể chế về cơ bản các chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực KCB. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý tăng hơn 15 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 3, nhiều nội dung lớn đã được quy định cụ thể, rõ ràng hơn.

Đại biểu bày tỏ thống nhất với sự cần thiết, tên gọi, bố cục và cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo.

Nhấn mạnh, cơ chế tài chính là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động KCB, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, đây cũng là vấn đề pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ, dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.

“Thực tế hiện nay, các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Dự thảo Luật đã có một mục về tài chính trong hoạt động KCB nhưng lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập”, đại biểu nói và đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập.

Có chung băn khoăn, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, nhiều người thấy băn khoăn khi có hàng chục nghìn nhân viên y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn - nơi nhiều y, bác sĩ mong muốn được làm việc.

Nhiều người cũng thấy ngỡ ngàng khi nghe tin Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K là những bệnh viện lớn, có đầy đủ các điều kiện, thế mạnh để thực hiện tự chủ nhưng lại xin thôi thực hiện cơ chế tự chủ để quay về hưởng bao cấp từ ngân sách trong khi rất nhiều các cơ sở y tế lâu nay mong chờ được thực hiện tự chủ.

“Rất nhiều người đã có chung một nhận định rằng, việc cán bộ y tế xin nghỉ việc tại các bệnh viện công, việc các bệnh viện lớn luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ, là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập”, đại biểu nói.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để họ được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất, không bị giới hạn bởi các ràng buộc, khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị.

“Trong điều kiện làm việc như thế, nếu họ được hưởng mức thù lao thỏa đáng, xứng đáng với công sức và đóng góp của họ thì họ sẽ toàn tâm, toàn ý, dành hết năng lực của bản thân cho công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện mà không phải “chân trong, chân ngoài” lo tất bật với phòng khám tư”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Trong khi đó, đông đảo bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị tốt nhất tại các bệnh viện công lập nhưng vì không được đáp ứng nên phải mang ngoại tệ ra nước ngoài hoặc sang khám, điều trị tại các bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế có thiết bị hiện đại hơn.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, tất cả những vấn đề trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang “trói buộc”, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết được các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.

Đảm bảo mọi bệnh nhân đều được tiếp cận bình đẳng như nhau

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật một số nội dung. Thứ nhất, quy định về tự chủ của bệnh viện công.

Cho rằng tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là xu thế tất yếu, đại biểu đề nghị quy định rõ những điều kiện để bệnh viện được thực hiện cơ chế tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau để xác định quyền năng đi đôi với mức độ tự chủ mà bệnh viện đã đạt được.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Thứ hai, cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với cơ sở KCB tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ trên nguyên tắc giá dịch vụ y tế KCB phải bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật.

Định mức kinh tế kỹ thuật KCB của các bệnh viện phải đảm bảo mọi bệnh nhân đều được tiếp cận bình đẳng như nhau trong tiếp cận phác độ điều trị cũng như đội ngũ y bác sĩ. Mức giá dịch vụ KCB chỉ khác nhau dành cho các đối tượng có sự lựa chọn khác nhau về điều kiện phục vụ đi kèm cũng như khác nhau về việc lựa chọn các thuốc, thiết bị y tế có nguồn gốc xuất xứ khác nhau.

Thứ ba, cần quy định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với bệnh viện tự chủ về tự quyết định sử dụng nguồn thu, tự quyết định mức chi trả tiền lương, tự quyết định đầu tư mua sắm và trích lập các quỹ đầu tư phát triển, quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo.

“Để tránh quan niệm không đúng về tự chủ là khoán trắng cho bệnh viện tự lo, cần quy định rõ trong Luật về nguồn ngân sách nhà nước không cấp chi thường xuyên cho các bệnh viện tự chủ mà phải dành để chi trả cho việc KCB cho những bệnh nhân thuộc đối tượng xã hội phải chi trả, thông qua cơ chế đặt hàng. Đồng thời, ngân sách nhà nước phải đầu tư cho các mục tiêu phát triển được Nhà nước đặt ra”, đại biểu nói.

Thứ tư, cần quy định rõ cơ chế quản lý tài sản để bệnh viện chủ động trong việc lựa chọn phương thức đầu tư hoặc mua sắm, đi thuê, hoặc liên doanh, liên kết các máy móc, trang thiết bị. Việc làm cách nào để lựa chọn cách sử dụng cơ sở vật chất đó hiệu quả nhất là do các bệnh viện tự quyết định.

Thứ năm, cần quy định cơ chế trong quản lý, giám sát hoạt động của các bệnh viện tự chủ như cơ cấu tổ chức, vai trò, chức năng của hội đồng quản lý bệnh viện, giám đốc bệnh viện, cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá người lao động, cơ chế báo cáo, cơ chế quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý đối với các bệnh viện tự chủ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường tin tưởng rằng, nếu bổ sung tất cả các quy định trên đây sẽ không chỉ giải quyết được những bất cập đang diễn ra trong công tác quản lý bệnh viện hiện nay mà còn là hành lang pháp lý để các cơ sở KCB công lập có điều kiện phấn đấu nâng cao chất lượng và điều kiện KCB để ngang tầm với các bệnh viện khu vực và thế giới.

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, về việc tính đúng – tính đủ, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng cần có quy định về mục tiêu tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho người dân.

Về hợp tác công tư, các hình thức cho vay, cho thuê, mua trả chậm, tài trợ liên kết với tổ chức nước ngoài…, đại biểu đề nghị quy định thêm, rõ ràng hơn về hợp tác phi lợi nhuận. Theo đó, nhà đầu tư sẽ bỏ tiền để xây dựng và các cơ sở công lập sẽ sử dụng tiền lãi sẽ không chia mà tiếp tục tái đầu tư cho phục vụ hoạt động nhân đạo.

Đọc thêm