Trên 68,43 triệu lượt người lao động được hỗ trợ
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) có ý nghĩa rất quan trọng, trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc tổ chức thực hiện của Chính phủ và Tổng LĐLĐVN, nhất là triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề có liên quan, góp phần đưa hoạt động công đoàn ngày càng thực chất, hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân.
Thủ tướng đánh giá, năm 2022, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên tất cả các mặt… Đánh giá về Tết Quý Mão 2023, Ban Bí thư đã khẳng định: Chúng ta đã tổ chức Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Nhìn chung mọi người, mọi nhà đều có Tết.
Thủ tướng nhấn mạnh, đến nay, đã hỗ trợ trên 68,43 triệu lượt người lao động và trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng. Chính sách xã hội dịp Tết được thực hiện “đúng, đủ, kịp thời”, các địa phương trong cả nước đã dành khoảng 9.500 tỷ đồng hỗ trợ trên 25 triệu lượt người. Đã có 6,5 triệu lượt đoàn viên công đoàn, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn với tổng nguồn kinh phí là trên 4.581 tỷ đồng…
Trong tổng số 10 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, có 7 nhiệm vụ đang tiếp tục phối hợp thực hiện như: quyền lợi, chính sách an sinh xã hội của người lao động; cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở công nhân, đất đai, quy hoạch sử dụng đất công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất; bố trí nguồn lực đầu tư công trung hạn trong phát triển nhà ở xã hội… Bên cạnh đó, có 3 nhiệm vụ chưa được triển khai trên thực tế, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục khẩn trương triển khai: về chính sách tín dụng cho người lao động nghèo vay vốn thông qua cơ chế cấp bù lãi suất; về thể chế hóa chủ trương của Đảng thành pháp luật tạo hành lang pháp lý bảo vệ người lao động; về công bố “mức sống tối thiểu của người lao động”.
Tăng cường tạo công ăn việc làm cho công nhân, người lao động
Về định hướng phối hợp công tác thời gian tới, Thủ tướng cơ bản thống nhất với đề xuất của Tổng Liên đoàn và phát biểu của các đại biểu, đồng thời bổ sung thêm một số nội dung.
Theo đó, các cơ quan, bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đồng bộ các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tổng LĐLĐVN tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng Chính phủ, chung sức, đồng lòng triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư, các nhiệm vụ tại Nghị quyết 01 của Chính phủ, Chỉ thị 03 của Thủ tướng, các nội dung đã được thống nhất giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn.
Tại Hội nghị, Thủ tướng lưu ý, nguồn lực, thời gian có hạn, yêu cầu thì cao, phải chọn công việc trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, thực chất, mang lại hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được, đáp ứng những nhu cầu thiết thực của công nhân, người lao động. Vì vậy, năm 2023, Thủ tướng đề nghị tập trung, ưu tiên công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực cho 3 công việc trọng tâm, đột phá.
Thứ nhất là tăng cường tạo công ăn, việc làm cho công nhân, người lao động thông qua đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn liên quan các thị trường, hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn; đồng thời nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng cho công nhân đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước.
Thứ hai là giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân “an cư lạc nghiệp”. Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp thực hiện, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo.
Thứ ba là từng bước giải quyết, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe người lao động.
Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn phối hợp, tham gia chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; chủ động đánh giá những vướng mắc để đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính hiệu quả, khả thi trong thực hiện quy định này, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Đồng thời, các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc chồng chéo, khoảng trống của pháp luật trong thời gian chưa sửa các Luật liên quan.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, tính đến nay, trên cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2, gồm 93.000 căn nhà xã hội và 63.000 căn nhà ở công nhân. Cả nước đang triển khai thêm khoảng 401 dự án với quy mô 454.000 căn hộ, trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
Hiện Bộ Xây dựng đang trình các cấp có thẩm quyền nghị quyết thí điểm, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về nhà ở công nhân. Trong đó, một số nhóm chính sách là dành nhiều quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; miễn tiền sử dụng đất mà không cần thủ tục tính tiền sử dụng đất; lựa chọn nhà đầu tư nhanh nhất và cho phép công đoàn được làm chủ đầu tư các dự án nhà ở công nhân; phát triển đồng bộ các tiện ích trong khu nhà ở; chính sách chi phí, giá bán nhà ở theo hướng thủ tục nhanh nhất…