Giải thích thông tin “sáng chế thuốc điều trị ung thư mới”

(PLO) -Cuối tháng 5/2016, nhóm nghiên cứu thuộc bộ môn Bào chế, trường Đại học (ĐH) Dược Hà Nội thông báo đã điều chế thành công thuốc chữa ung thư. Hiệu trưởng trường, PSG.TS Nguyễn Đăng Hòa, cho biết đây mới chỉ là công trình nghiên cứu trong phạm vi phòng thí nghiệm. Để công trình ứng dụng thực tế còn phải mất chặng đường dài.
PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa.
PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa.

Nền móng thuốc điều trị ung thư “made in Việt Nam”

Đề tài nghiên cứu bào chế thuốc nói trên thuộc chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, do Bộ Khoa học Công nghệ triển khai.

Theo PGS Hòa, bộ môn Bào chế của trường được giao thực hiện đề tài, phối hợp với Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Trung tâm Kiểm nghiệm dược Quân đội, Học viện Quân y.

Sau 36 tháng triển khai, nhóm nghiên cứu hoàn thành đề tài theo đúng tiến độ dự kiến với tổng kinh phí 4,1 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Đề tài đã nghiên cứu bào chế thành công dạng thuốc tiêm liposome với hai dược chất chữa ung thư (doxorubicin hydroclorid) và chống nấm hệ thống nhờ chất amphotericin B.

Theo PGS.TS Hòa, doxorubicin là một loại anthracycline hóa trị được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp điều trị ung thư lâu nay. Doxorubicin hoạt động bằng cách làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Thuốc được tiêm vào tĩnh mạch với liều lượng dựa trên tình trạng y tế, kích thước cơ thể và khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh.

Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo không nên để doxorubicin dính vào da, mắt. Những người chăm sóc bệnh nhân ung thư cũng được khuyến cáo tránh tiếp xúc với nước tiểu của bệnh nhân hoặc chất dịch cơ thể khác ít nhất 5 ngày sau khi điều trị. Những điều này khiến công tác điều trị ung thư gặp không ít trở ngại.

Để khắc phục những độc tính của thuốc này đối với người dùng và người chăm sóc, nhóm nghiên cứu trường ĐH Dược Hà Nội bào chế dạng thuốc tiêm liposome với dược phẩm doxorubicin chữa ung thư. 

Theo kết quả thí nghiệm, thuốc chữa ung thư hướng trúng đích liposome doxorubicin đã thử nghiệm thành công trong điều trị trên chuột được gắn tế bào ung thư người. Thuốc chỉ diệt khối u ác tính mà không gây tổn hại đến phần lành, giảm thấp nhất độc tính của thuốc đối với cơ thể.

Trong khi đó, từ trước đến nay bệnh nhân ung thư được điều trị bằng nhiều phương pháp (xạ trị, hóa trị, dùng thuốc). Tuy nhiên cơ chế tác động của những phương pháp này là tiêu diệt cả tế bào ung thư lẫn tế bào lành. Bởi vậy bệnh nhân ung thư thường gặp những tác dụng phụ như: mờ mắt, phù tay, rụng tóc.

Theo báo cáo nghiệm thu, công nghệ bào chế liposome ứng dụng trong dược phẩm là lĩnh vực mới ở Việt Nam. Công nghệ này được ví như hệ vận chuyển lý tưởng với khả năng chứa, bảo vệ, vận chuyển và giải phóng hoạt chất vào những vị trí mong muốn trong cơ thể một cách chính xác và đúng liều lượng nhất. Việc nghiên cứu bào chế hai chế phẩm dưới dạng liposome nhằm tăng hiệu quả điều trị, giảm độc tính.

Việc bào chế gặp không ít khó khăn bởi đặc tính của hai dược chất trong thuốc mới rất khác nhau: doxorubicin hydroclorid dễ tan trong nước, trong khi amphotericin B không tan trong nước.

Các kết quả thí nghiệm cho kết quả chế phẩm bào chế mang các đặc tính tương tự với các chế phẩm đối chiếu có uy tín trên thị trường. Chúng được chứng minh tác dụng cũng như độ an toàn trên mô hình động vật thực nghiệm.

Nhóm nghiên cứu dự kiến từ kết quả thí nghiệm sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tiêm liposome doxorubicin và bột đông khô để pha thuốc tiêm liposome amphotericin B ứng dụng vào điều trị ung thư và bệnh nấm hệ thống.

Lợi ích trong tương lai

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, loại thuốc điều trị ung thư mới nói trên nếu được tiếp tục phát triển và đủ điều kiện sản xuất đại trà sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Trên lý thuyết, mặc dù tá dược để sản xuất thuốc còn phải nhập khẩu tương đối đắt, nhưng so với sản phẩm đang lưu hành trên thị trường, ước tính giá thành thấp hơn một nửa. Ngoài ra, thuốc đảm bảo độ an toàn cao bởi cả bệnh nhân lẫn người điều trị không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc, nguy cơ tiếp xúc (dính vào tay, chân) cũng thấp hơn.

Bên cạnh đó, công nghệ bào chế lipisome còn mới mẻ trong nước, việc phát triển đề tài sẽ góp phần đào tạo đội ngũ nghiên cứu thêm kiến thức và kỹ năng trong bào chế dạng thuốc mới. 

PGS.TS Hòa cũng xác nhận điều này, theo ông, thành công lớn nhất của dự án tới thời điểm hiện tại là đào tạo được đội ngũ nhân lực tham gia dự án bào chế thuốc mới, ứng dụng kĩ thuật mới. Đây là đà phát triển các dự án tương tự trong tương lai, mở ra cơ hội triển khai ứng dụng, công nghệ bào chế mới hiện đại, nhằm đưa thuốc chống ung thư vào cơ thể đến trúng đích (khối u).

Về việc đăng tải thông tin liên quan đến đề tài trên, PSG.TS Hòa nhấn mạnh, các phương tiện truyền thông cần đăng tải chính xác, tránh gây hiểu nhầm, bởi thông tin thuốc điều trị ung thư ảnh hưởng rất lớn đến xã hội.

Theo đó, tất cả những ưu điểm của thuốc điều trị ung thư do nhóm nghiên cứu trường ĐH Dược Hà Nội vừa công bố mới chỉ là đề tài nghiên cứu trong phạm vi phòng thí nghiệm. Để bào chế được thuốc như nghiên cứu, triển khai ứng dụng còn phải trải qua chặng đường dài.

“Đặc biệt thuốc điều trị ung thư thuộc dạng độc tố tế bào và được sản xuất theo quy trình riêng rất nghiêm ngặt, sản xuất trên dây chuyền riêng. Trước đó, thuốc phải được thử lâm sàng, trải qua hàng loạt kiểm nghiệm khắt khe. Còn thuốc điều trị ung thư do nhóm cán bộ nhà trường nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm”, ông Hòa nhấn mạnh. 

Cũng theo TS Hòa, tháng 2/2016, đề tài nói trên được nghiệm thu ở giai đoạn 2011-2015. Hiện nhà trường đã làm đơn đề nghị được tiếp tục tài trợ kinh phí triển khai tiếp đề tài giai đoạn 2016-2020.

Đọc thêm