Giam cả bị can Luật quy định không được tạm giam?

 Để “thuận lợi” cho việc điều tra, CQĐT đã bắt giam cả các bị can mà theo quy định của pháp luật thì không được tạm giam.

Để “thuận lợi” cho việc điều tra, CQĐT đã bắt giam cả các bị can mà theo quy định của pháp luật thì không được tạm giam.

Gần đây nhất là vụ CQĐT Công an TP Hà Nội bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đình Bang, nguyên Giám đốc Cty TNHH Trường Sinh khi ông Bang bị khởi tố về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Việc quy kết ông Bang phạm tội này cũng còn nhiều tranh cãi, phải đợi đến khi tòa án phán quyết mới sáng tỏ “oan hay không”?. Tuy nhiên, việc tạm giam không đủ điều kiện đối với ông Bang cho thấy, trong vụ án này việc thực hiện các hoạt động tố tụng đã không đúng pháp luật.

Tháng 4/2010, ông Bang thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ vốn góp trong Cty Trường Sinh và một phần dự án bất động sản tại An Khánh thuộc sở hữu của ông cho ông Nguyễn Huy Khang, trị giá 19 tỷ đồng. Ông Khang trả đủ tiền thông qua ông Thái Khắc Toàn, Phó GĐ Cty TNHH TM và DV Huy Phát. Ông Khang chịu trách nhiệm hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh còn ông Bang sẽ điều hành Cty cho đến khi Sở Kế hoạch Đầu tư cấp giấy đăng ký kinh doanh mới cho Cty Trường Sinh.

Cũng thời điểm này, ông Khang có thỏa thuận với ông Toàn việc ông Toàn đầu tư vào dự án bất động sản An Khánh của Cty Trường Sinh. Theo đó, Cty của ông Toàn góp 34 tỷ đồng. Ông Toàn đã “góp” 22 tỷ đồng và 17 nghìn USD, trong đó có 19 tỷ chuyển cho ông Bang.

Tuy nhiên, sau khi ký kết các hợp đồng trên, ông Khang đã không thực hiện được nên ông Toàn tố cáo ông Khang “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì lý do ông Khang không phải là đại diện của Cty Trường Sinh mà vẫn đứng tên ký hợp đồng góp vốn với ông Toàn. CQĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội đã thụ lý đơn này.

Khi ông Khang bỏ trốn, CQĐT Công an TP Hà Nội đã triệu tập ông Bang đến và yêu cầu trả lại 19 tỷ đồng cho ông Toàn. Tuy nhiên, ông Bang cho rằng, việc ông chuyển nhượng vốn góp và tài sản tại Cty Trường Sinh là việc làm ngay thẳng, đúng pháp luật nên nếu ông phải trả lại tiền cho ông Toàn thì đề nghị CQĐT thu hồi con dấu và đăng ký kinh doanh trả cho ông. Hơn nữa, số tiền 19 tỷ đồng mà ông chuyển nhượng vốn và dự án đã được ông đem đầu tư, không thể trả lại ngay được. Từ đây, ông Bang đã bị CQĐT Công an Hà Nội khởi tố về tội “chiếm giữ trái phép tài sản” và bị bắt tạm giam. 

Việc chuyển nhượng vốn góp một cách hợp pháp nhưng ông bang bị khởi tố, bắt tạm giam khiến gia đình ông Bang ngỡ ngàng, điêu đứng.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trần Văn Toàn nhận xét, tình trạng bắt giam bị can hiện nay rất tùy tiện. Theo luật định, những bị can bị khởi tố về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì mới bị tạm giam. Đối với bị can phạm tội ít nghiêm trọng, nếu có chứng cứ cho thấy bị can có dấu hiệu bỏ trốn, không có nơi cư trú hoặc cố tình cản trở hoạt động điều tra thì mới bị bắt giam.

Việc ông Bang quản lý số tiền 19 tỷ đồng từ việc bán tài sản là không trái pháp luật, nên việc khởi tố ông về tội chiếm giữ trái phép tài sản rõ ràng khó chấp nhận. Nhưng hiện nay người thương binh hạng 4/4 này vẫn đang bị giam giữ không đúng pháp luật.                                

Luật sư Trần Văn Toàn: Hiện có rất nhiều bị can bị tạm giam không đúng luật. Thực tế, CQĐT thường tạm giam đối với các bị cáo “cứng đầu”, không chịu “khai báo thành khẩn” mà không xem xét các điều kiện để áp dụng biện pháp tạm giam. Việc tạm giam trái pháp luật có thể sinh ra nhiều hệ lụy xấu, trong đó có cả chuyện “mặc cả” để được hủy bỏ tạm giam. Trách nhiệm đối với những việc giam giữ không đúng này thuộc về Viện Kiểm sát các cấp và cơ quan kiểm sát cần phải kiểm tra và hủy bỏ những việc giam giữ trái pháp luật đó.

Bình Minh

Đọc thêm