Giảm mối lo phát thải khí nhà kính từ ngành lúa gạo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lúa gạo là mặt hàng nông nghiệp quan trọng của Việt Nam nhưng chiếm tỷ trọng phát thải khí nhà kính tương đối cao trong ngành nông nghiệp.
Giảm phát thải cho ngành lúa gạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. (Ảnh minh hoạ)
Giảm phát thải cho ngành lúa gạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. (Ảnh minh hoạ)

Bởi vậy, việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến trình Chính phủ Dự thảo Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

Dự thảo Đề án góp phần thể hiện nỗ lực và quyết tâm thực hiện giảm phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26).

Nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trong đó, đối với ngành trồng trọt, canh tác lúa, những tác động rõ thấy là diện tích đất canh tác suy giảm, tình trạng hạn hán và sâu bệnh, vấn nạn xâm nhập mặn,… gây áp lực lớn đến năng suất cây trồng, sinh kế của người nông dân và cơ hội thương mại nông sản. Ở một khía cạnh khác, nông nghiệp chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường, góp phần gia tăng tốc độ biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), lúa gạo là mặt hàng nông nghiệp quan trọng của Việt Nam nhưng lại chiếm tới 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mê tan, tương đương với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm. Có nhiều nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, bao gồm sử dụng nước kém hiệu quả, mật độ gieo sạ cao, tỷ lệ bón phân chưa hiệu quả, thu hoạch rơm rạ chưa đúng cách…

Trong năm 2021, bên cạnh cam kết quan trọng của Thủ tướng Chính phủ về việc việc giảm 30% lượng khí thải mê tan vào năm 2030 và tiến đến đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực thực phẩm của Liên Hợp quốc, Việt Nam cũng đã đưa ra cam kết chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, khát vọng trở thành cường quốc lương thực toàn cầu. Như vậy, ngành nông nghiệp không chỉ cần phải định hình tư duy làm nông nghiệp mới mà còn phải thay đổi theo hướng bền vững, nâng cao trách nhiệm với môi trường và chất lượng cuộc sống người nông dân.

Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL kỳ vọng góp phần chuyển đổi toàn diện ngành hàng lúa gạo của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Đến nay, dự thảo Đề án đã trải qua nhiều hội thảo tham vấn ý kiến từ các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức quốc tế, chuyên gia, các địa phương vùng ĐBSCL…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh, Đề án không chỉ tạo giá trị thu nhập cho người nông dân thông qua bán chứng chỉ carbon phát thải thấp, mà quan trọng là ngành nông nghiệp, các địa phương thay đổi tư duy về nền nông nghiệp thích ứng với xu thế của nền kinh tế xanh, xu thế tiêu dùng xanh, tiêu dùng trách nhiệm.

Theo Bộ NN&PTNN, nếu sớm được Chính phủ phê duyệt, Đề án này sẽ triển khai từ năm 2024 tại 12 tỉnh ĐBSCL, hướng tới mục tiêu hình thành vùng chuyên canh lúa áp dụng các tiêu chuẩn bền vững thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Mục tiêu của Đề án là xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tại ĐBSCL đến năm 2025 đạt hơn 500.000ha và đến 2030 đạt 1 triệu héc-ta. Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35% vào năm 2025 và trên 40% vào năm 2030.

Đáng chú ý, Nhà nước cũng có chính sách đặc thù, ưu tiên về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và khuyến nông, khuyến khích nông dân và doanh nghiệp liên kết. Ngoài ra còn có chính sách chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, bảo vệ quỹ đất chuyên trồng lúa ổn định lâu dài, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương có vùng trồng lúa chuyên canh trọng điểm ở ĐBSCL với các địa phương khác trong cả nước.

Thúc đẩy mô hình nông nghiệp giảm phát thải

Theo WB ước tính, việc cải thiện quản lý nước và tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón và thuốc trừ sâu có thể đem đến giúp người nông dân duy trì hoặc tăng sản lượng từ 5 - 10%; giảm chi phí đầu vào từ 20 - 30%; gia tăng lợi nhuận ở mức khoảng 25%; và quan trọng hơn hết là giúp cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính lên tới 30%. Qua nhiều cuộc khảo sát, WB cho rằng, Việt Nam cần phải đầu tư từ 515 USD đến 3.890 USD cho mỗi héc-ta lúa để lần lượt đạt được mức giảm phát thải ở mức trung bình và bằng “0”. Vì thế, thời gian chuyển đổi sang lúa gạo carbon thấp càng lâu, chi phí sẽ càng cao.

Để thực hiện được các mục tiêu giảm phát thải, những năm qua, vùng ĐBSCL đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có WB, giúp triển khai các mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường. Đáng chú ý, trong khuôn khổ Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững ở Việt Nam (VnSAT) do WB tài trợ, triển khai từ năm 2015 - 2022, nhiều giải pháp kỹ thuật tiên tiến đã được đưa vào thí điểm và thực hiện thành công trên 184.000 héc-ta lúa ở khu vực ĐBSCL.

Trước đó, từ năm 2013, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 935 phê duyệt đề cương thực hiện nhiệm vụ xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính bằng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước. Bộ NN&PTNT đã giao cho Trường Đại học Thủy lợi xây dựng và theo dõi mô hình canh tác tại 2 vùng lựa chọn, trong đó có “cánh đồng mẫu lớn ” tại tỉnh Sóc Trăng. Người nông dân được tập huấn kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính, tiếp cận thị trường carbon, phương pháp quản lý nước tiết kiệm trên đồng ruộng, tập huấn ghi sổ theo dõi chi phí sản xuất…

Cho đến nay, hàng loạt các chương trình, dự án, mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính thí điểm tại Việt Nam đồng loạt được triển khai, với mục tiêu giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, gia tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích sản xuất. Những nỗ lực từ chính quyền và người dân, cùng với sự góp sức của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, đã và đang góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đọc thêm