Giám sát, phản biện xã hội không được chồng lấn, trùng lặp

(PLO) - Sáng 14/4, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 5, Ủy ban Pháp luật (UBPL) thẩm tra chính thức dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam.
Xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm để không bị chồng lấn. (Ảnh: Tập huấn nghiệp vụ cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và Ban Thanh tra nhân dân của xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm 2016. Nguồn: http://ubmttq.phuyen.gov.vn)
Xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm để không bị chồng lấn. (Ảnh: Tập huấn nghiệp vụ cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và Ban Thanh tra nhân dân của xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm 2016. Nguồn: http://ubmttq.phuyen.gov.vn)

Không làm cản trở hoạt động của đối tượng được giám sát

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm UBPL cho biết, Thường trực UBPL nhất trí với tờ trình của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về việc cần có sự phối hợp để thống nhất về kế hoạch giám sát hàng năm giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội ở T.Ư với kế hoạch giám sát của Quốc hội (QH), UBTƯ MTTQ; giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam ở địa phương với HĐND cùng cấp theo hướng không chồng chéo, không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát; không để một vụ việc lĩnh vực nội dung có đồng thời nhiều cơ quan, tổ chức cùng giám sát ở một thời gian, địa bàn nhất định. 

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, Bộ Tư pháp đã đã gửi văn bản sang UBTƯ MTTQ Việt Nam. Theo dự thảo Nghị quyết liên tịch thì trách nhiệm là của cả 3 bên, trong đó Chính phủ là cơ quan hành pháp, còn Mặt trận và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) là cơ quan giám sát cho nên khi tiến hành giám sát làm sao để không chồng lấn.

Nên “QH đã giám sát rồi thì Mặt trận không giám sát nữa. Còn Chính phủ chỉ phối hợp tạo điều kiện cho giám sát nhưng cũng phải đảm bảo cho hoạt động của cơ quan nhà nước không bị chồng lấn và hiệu quả. Không giám sát vào cùng thời điểm” – bà Thoa nêu quan điểm. 

Cụ thể hơn nữa về đối tượng giám sát

Thảo luận về trách nhiệm trả lời kiến nghị, một số đại biểu cho rằng, kiến nghị, phản biện của MTTQ Việt Nam là kiến nghị, phản biện của nhân dân, đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Do vậy, việc trả lời các kiến nghị này là cần thiết, không thể từ chối. Bên cạnh đó, để hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đảm bảo thể hiện được tính nhân dân, dân chủ, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định về đối tượng giám sát, phản biện xã hội vì cho rằng đây là nội dung gắn liền với hoạt động giám sát, phản biện xã hội. 

Còn Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, dự thảo Nghị quyết cần phân cấp rõ hơn nữa về đối tượng giám sát, bởi các cơ chế thanh tra, kiểm toán vẫn còn nhiều cơ quan. Giám sát của Mặt trận nên tập trung vào cơ quan thanh tra, kiểm toán ở cấp T.Ư, như vậy sẽ hiệu quả hơn và đỡ gây phiền hà cho đối tượng ở cấp dưới, vì thanh tra, kiểm tra tầng tầng lớp lớp sẽ gây lãng phí. 

Dự thảo Nghị quyết sẽ được trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 9.

Đọc thêm