Giảm trừng phạt thân thể, tinh thần, tăng cường kỷ luật tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông tin này được đưa ra trong Hội nghị tổng kết dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” tại 5 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum giai đoạn 2018-2022, do Bộ Bộ GD-ĐT và Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức mới đây.
Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu triển khai mô hình “Trường học an toàn thân thiện và bình đẳng” trên diện rộng.
Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu triển khai mô hình “Trường học an toàn thân thiện và bình đẳng” trên diện rộng.

Dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ GD-ĐT và Tổ chức Plan International Việt Nam triển khai mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” đến 5 tỉnh miền núi với đối tượng mục là các em học sinh tại các trường dân tộc nội trú và vùng sâu, vùng xa từ năm 2018 – 2022.

Sự hợp tác nhằm hiện thực hóa việc triển khai Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông và chiến lược chương trình “Bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới” của Tổ chức Plan International.

Sau 4 năm triển khai, dự án tại 5 tỉnh miền núi đã cho thấy thành công và hiệu quả rõ rệt trong giải quyết vấn đề bạo lực học đường. Học sinh ở các trường triển khai dự án đã cảm thấy an toàn hơn với môi trường xung quanh trường học và trên đường đi học. Tỷ lệ học sinh bị bạo lực thể chất và tinh thần đã giảm đáng kể so với khi bắt đầu triển khai dự án.

Nhận thức về giới của giáo viên chủ nhiệm tăng lên gần 25% (từ 55% năm 2018), giáo viên cũng báo cáo họ đã giảm các biện pháp trừng phạt thân thể và tinh thần, tăng cường các hình thức kỷ luật tích cực; đồng thời khoảng cách giữa học sinh và giáo viên cũng được thu hẹp.

Gần 100% học sinh đánh giá cao tính phù hợp và cần thiết của các bài giảng của dự án do giáo viên chủ nhiệm tiến hành, hơn 75% các em học sinh đã giúp đỡ bạn bè khi bị bạo lực; hơn 75% đã có những thay đổi tích cực trong thái độ và cách cư xử với bạn bè; tăng 30% số học sinh chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ của cha mẹ và tăng 20% học sinh đã chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ của thầy cô.

Bà Lê Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: “Tìm hiểu và triển khai các mô hình là một trong các nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT nhằm xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện không có bạo lực học đường. Mô hình “Trường học an toàn thân thiện và bình đẳng” đã được Bộ GD-ĐT phối hợp với Plan và 05 địa phương xem xét, cho phép triển khai thử nghiệm trong giai đoạn 2018-2022, kết quả thử nghiệm là căn cứ để xem xét cho việc tiếp tục duy trì và nhân rộng trong thời gian tới. Bộ GD-ĐT sẽ xem xét một cách tổng thể, cho phép nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn triển khai mô hình này trong thời gian tới”.

“Chúng tôi cảm thấy rất tự hào với những thành quả mà dự án đã đạt được. Cụ thể là các trường thực hiện dự án đã cho thấy những kết quả tích cực với phương pháp tiếp cận phù hợp thu hút được sự tham gia của cả hệ thống trường học, không chỉ các em học sinh với tư cách là các tác nhân thay đổi, mà còn có các giáo viên, các bậc cha mẹ, ban giám hiệu... tất cả đã cùng nhau tham gia giải quyết vấn đề này.

Dự án đã rất thành công khi tạo ra được môi trường thuận lợi để trẻ em gái, trẻ em trai và giáo viên cảm thấy an toàn hơn trong ngôi trường của mình. Các Sở GD-ĐT các tỉnh và Bộ GD-ĐT đã có được những bằng chứng từ dự án này để có thể tạo ra một số thay đổi trong chính sách. Chúng tôi tin rằng những kết quả của dự án sẽ được nhân rộng ra khắp Việt Nam và rộng hơn là các nước trong khu vực và trên thế giới” - theo bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Tác động Chương trình và Đối tác, Tổ chức Plan International Việt Nam.

Đại điện Sở GD-ĐT Hà Giang, một trong 5 đơn vị thực hiện thí điểm cho biết:“Trong thời gian tiếp theo, trách nhiệm của ngành Giáo dục tỉnh Hà Giang là sẽ tiếp tục phát huy những thành quả và hiệu quả mà mô hình đã mang lại bước đầu cho các cơ sở giáo dục và địa phương được triển khai, qua đó xem xét nhân rộng những mô hình, những cách làm mà mô hình đã thực hiện và đã chứng minh được hiệu quả”.