Liên tiếp phát hiện đổ trộm chất thải
Một vụ việc đổ trộm chất thải gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra tại 3 điểm gần Quốc lộ 10 thuộc địa bàn xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Số chất thải bị đổ trộm này đã khiến bà Lê Thị Lan (50 tuổi, ngụ xã Hưng Nhân) bị bỏng nặng.
Sau khi báo chí đưa tin, chính quyền địa phương đã cắm biển báo nguy hiểm tại khu vực có chất thải nguy hại bị đổ trộm, lấy mẫu mang đi xét nghiệm và thuê đơn vị xử lý số chất thải trên.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố Hải Phòng, số chất thải bị đổ trộm ở xã Hưng Nhân là dầu thải và phenol, loại chất hữu cơ có khả năng gây bỏng. Chính quyền địa phương đã thuê Công ty cổ phần Hòa Anh xử lý số chất thải kể trên. Theo tính toán, đơn vị này sẽ phải thu gom 350 m3 chất thải và 600 m3 nước nhiễm chất thải nguy hại. Kinh phí cho việc này hết khoảng 6,5 tỉ đồng.
Ở Hà Nội, trên tuyến đường Đại lộ Thăng Long đi qua địa bàn các phường Mễ Trì, Phú Đô, Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) gần đây xuất hiện rất nhiều bãi rác tự phát. Điều đáng nói là các bãi rác này ngày một phình to, nhưng không được xử lý triệt để gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và gây bức xúc cho người dân sống xung quanh.
Thậm chí tại khu vực km16 (xã Yên Sơn) và km19 (xã Ngọc Mỹ) Đại lộ Thăng Long thuộc huyện Quốc Oai, xuất hiện hàng chục thùng hóa chất không rõ nguồn gốc được đổ thẳng ra vệ đường gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, khiến người dân khu vực xung quanh lo lắng.
Những thùng phuy bung nắp, biến dạng, không được che chắn, nằm la liệt bên vệ đường, cạnh mương nước tưới tiêu vào đồng ruộng. Chất thải màu đen kết dính, mùi hắc, người đứng gần một lúc lâu sẽ cảm thấy tức ngực, khó thở. Chất bên trong thùng phuy tràn ra ngoài làm cây cỏ xung quanh chết khô.
Còn tại khu vực bãi rác sinh hoạt và dọc triền đê thôn Ngô Xá, xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, không khó để người dân phát hiện ra các loại chất thải công nghiệp. Kính vụn, nhựa, ruột phích, vải vụn, giấy bóng… xuất hiện tràn lan.
Các chất thải này đều đang trong quá trình bị đốt. Mùi hôi thối từ rác thải sinh hoạt hòa cùng khói, bụi đặc quánh khiến ai đi qua cũng phải nín thở từ xa. Ở nhiều địa phương khác trên cả nước tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng, rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại cũng vẫn diễn ra hàng ngày...
Khó khăn trong công tác phòng chống
Tình trạng đổ trộm rác thải ở các địa phương không phải là mới. Tuy nhiên, do lực lượng làm công tác bảo vệ môi trường còn mỏng, các cơ sở sản xuất cố tình xả thải không qua xử lý với thủ đoạn tinh vi, xả trộm về đêm hoặc xây dựng cống ngầm… các đối tượng đổ trộm lợi dụng lúc đêm tối, khu vực ít người dân sinh sống, thậm chí chọn những ngày mưa gió để đổ trộm gây không ít khó khăn cho công tác tuần tra và kiểm tra xử lý của các lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa thực sự hiệu quả, sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa đủ mạnh mẽ nên chưa xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo một địa phương cho biết: “Chúng tôi đã làm hết sức nhưng không thể kiểm soát, xử lý được tình trạng đổ xả trộm rác thải, xà bần, ngay cả bản thân tôi và Bí thư Đảng ủy phường cũng đã nhiều lần đích thân đi “mật phục” để bắt giữ và xử lý các trường hợp đổ trộm rác thải, xà bần ở trên địa bàn”.
Theo chuyên gia luật Phan Tiến Duy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn Luật DLS Việt Nam: “Hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân mà còn là hành vi bất hợp pháp và tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự. Việc kiên quyết xử lý hình sự các đối tượng có hành vi đổ chất thải nguy hại ra môi trường sẽ là một biện pháp phòng chống có hiệu quả cho công tác ngăn ngừa vấn nạn này”.
"Theo đó, tại Điều 235, Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội gây ô nhiễm môi trường đã nâng mức phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng và nâng mức phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm. Đặc biệt, đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này bị phạt tiền từ 1 - 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp phải có biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức; buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính" – ông Duy cho biết.