Giành sự sống cho bé gái bằng 'y lệnh' xuất phát từ trái tim người thầy thuốc

(PLVN) - Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới tiếp nhận bệnh nhi cân nặng hơn 1kg sinh non, suy dinh dưỡng, tím tái. Sau 2 ngày điều trị, người thân không tin bé được cứu nên xin bé về. Tuy nhiên, các thầy thuốc đã không chấp nhận “bó tay”.
Với các y, bác sĩ, mỗi y lệnh còn xuất phát từ trái tim, coi người bệnh như người thân để giành lấy sự sống trước làn ranh “cửa tử”.

Bé có tên là Y B.N (người Bru - Vân Kiều con gái họ Y, con trai họ Đinh), được các y, bác sĩ, điều dưỡng Khoa Nhi, BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới đặt cho bé sau khi được các bác sĩ giành lại sự sống trước làn ranh “cửa tử”.

Ngày 21/6, bé được chuyển lên từ BV Đa khoa Bố Trạch trong tình trạng tím tái, lạnh ngắt, cân nặng chỉ gần 1.100gram. Người thân khai bé sinh non tại nhà lúc thai mới 28 tuần tuổi và tự cắt rốn.

Sau khi nhập viện, bé được đưa ngay vào phòng hồi sức nhi để theo dõi điều trị. Sau 2 ngày, người thân không tin bé được cứu sống nên xin đưa bé về, do nhà nghèo không có tiền để ở lại chăm bé.

Hằng ngày, bé Y.N được các y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới nâng niu, chăm sóc như con đẻ.

“Với tình trạng của bé gái lúc đó, rất khó cho các bác sĩ điều trị, vì giải quyết cho về thì đồng nghĩa bé không còn hy vọng sống, mà ở lại thì cả Khoa sẽ khó thêm bội phần. Sau khi thảo luận, cả Khoa đi đến quyết định, trước hết phải động viên ba mẹ bé, để con lại cho các bác, các dì nuôi đến khi khỏe mạnh sẽ cho bé về, rồi sau đó tìm phương án khác”, bác sĩ Trưởng khoa Phạm Thị Ngọc Hân nhớ lại.

Vì người thân của bé đã về quê, nên các y, bác sĩ Khoa Nhi thay nhau vừa làm thầy thuốc, lại làm tất cả công việc của người mẹ hiền chăm con. Bé nằm điều trị ở phòng hồi sức tích cực 1 tháng, khi thể trạng đã ổn hơn thì được chuyển lên phòng sơ sinh đặc biệt tiếp tục điều trị. Tuy bé còn nhỏ chưa hiểu chuyện, nhưng rất ngoan, ít quấy khóc…

Đến thời điểm này, sau 2 tháng chăm sóc, điều trị, bé Y B.N đã thành một cô bé kháu khỉnh, cân nặng gần 2,6kg, đôi mắt to tròn tràn đầy sự sống. Nhìn bé ai cũng thương. Như có thêm nguồn động lực, không ai bảo ai, những người trong Khoa thay nhau mỗi ngày đi xin sữa và chăm bé không khác gì con ruột của mình.

Tháng đầu tiên nuôi dưỡng, Khoa vẫn liên lạc qua điện thoại để thông báo tình hình sức khỏe của bé cho người thân được biết. Nhưng tháng trở lại đây, Khoa mất liên lạc với người thân của bé hoàn toàn.

Sau 2 tháng ở bệnh viện, bé Y B.N trở nên kháu khỉnh, cân nặng gần 2,6kg.

Quá trình chăm sóc điều trị, bé không có người thân nên không thể hoàn thiện các thủ tục để làm giấy chứng sinh, giúp bé hưởng các chính sách bảo hiểm y tế. Vì thế, Khoa phải làm tờ trình báo cáo Ban Giám đốc BV về trường hợp của bé Y.B.N để nhờ hỗ trợ.

Nhận tờ trình với thông tin không thể ngắn gọn hơn: Mẹ tên Y.B (SN 1995) ở xã Thượng Trạch. Bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc BV đã trực tiếp gọi cho Giám đốc Trung tâm Y tế Bố Trạch và Bộ đội Biên phòng tỉnh nhờ tìm kiếm.

Đến thời điểm này, theo thông tin từ Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch, đã xác định được bố đẻ của bé tên là Đ.K.X, còn mẹ bé đi rừng chưa về nên chưa thể liên lạc được. “Hiện chính quyền xã và các cơ quan chức năng đang làm các thủ tục liên quan, phát thông báo tìm cha mẹ đẻ của cháu bé. Trong thời hạn 7 ngày nếu cha mẹ không đến nhận con, xã sẽ làm các thủ tục pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho cháu bé theo quy định”, Bí thư Đảng ủy xã thông tin.

Theo bác sĩ Hân, trường hợp sinh non như Y.B.N ở Khoa không hiếm. Mỗi năm Khoa phải tự chăm sóc, nuôi dưỡng từ 2 - 3 trường hợp, hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số, do hạn chế về nhận thức nên tư tưởng “mất đứa này, đẻ đứa khác”. Số khác vì nhiều lý do, không để con được điều trị mà kiên quyết đưa về do không có điều kiện ở lại chăm sóc dài ngày. Các y, bác sĩ trong Khoa phải thuyết phục bằng nhiều cách, với hy vọng “còn nước còn tát”. Thậm chí có trường hợp phải đưa ra phương án “báo công an”, bà con mới để các cháu ở lại cho Khoa nuôi dưỡng.

“Bé Y.B.N là trường hợp đặc biệt được Khoa chăm sóc lâu nhất. Do ba mẹ là người dân tộc, nên thiếu kiến thức về sinh sản, điều kiện sống khó khăn, cháu bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai, lại sinh rớt tại nhà lúc thai mới 28 tuần tuổi và tự cắt rốn… nên việc điều trị và nuôi dưỡng tốn kém, phức tạp hơn các trường hợp khác”, bác sĩ Hân nói.

Tuy nhiên, bằng tình yêu thương, trách nhiệm người thầy thuốc, các y, bác sĩ luôn dành cho bé sự quan tâm đặc biệt. Thậm chí, có những lọ thuốc giá 15 triệu đồng/lọ nhưng các bác sĩ vẫn chỉ định để tiêm cho Y.B.N để giành lại sự sống cho bé.

Để nuôi dưỡng, chăm sóc những cháu bé như trên, bác sĩ Hân phải tranh thủ kêu gọi đồng nghiệp từ TP HCM và một số nhà hảo tâm cùng các đồng nghiệp chắt chiu dành dụm thành “Quỹ Tình thương Khoa Nhi” để có nguồn kinh phí. Trong nhiều tình huống, ngoài trình độ chuyên môn, trách nhiệm của người thầy thuốc, với các y, bác sĩ, mỗi “y lệnh” còn xuất phát từ trái tim, coi người bệnh như nguời thân để giành lấy sự sống trước làn ranh “cửa tử”.

Đọc thêm