Giao đất không qua đấu giá cho cán bộ tại Bù Gia Mập (Bình Phước): Chính sách đúng đắn, nhưng thực hiện chưa như kỳ vọng

(PLVN) - Nói về mức độ khó khăn của huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước), chỉ cần nêu một chi tiết: Có lẽ đây là huyện duy nhất ở Việt Nam chưa có thị trấn nào, chỉ vỏn vẹn có 8 xã. Để động viên cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) yên tâm công tác, tỉnh Bình Phước đã đồng ý chủ trương giao một số đất cho CBCCVC không qua đấu giá. Nhưng thực tế cho thấy quá trình thực hiện chủ trương đúng đắn này còn một số vấn đề chưa được như kỳ vọng.
Khu đất giao không qua đấu giá cho cán bộ, công chức, viên chức huyện Bù Gia Mập phần lớn vẫn bỏ hoang cỏ mọc.

Tạo điều kiện cho CBCCVC yên tâm công tác

Dù cách TP Đồng Xoài không xa, nhưng mãi đến cuối 2009 mới được thành lập, nên thời gian đầu cơ sở vật chất của huyện Bù Gia Mập còn chưa đầy đủ, nhân sự phải điều động, luân chuyển, biệt phái từ sở, ngành, UBND cấp huyện khác thuộc tỉnh về.

Nắm bắt được hoàn cảnh khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của CBCCVC, tỉnh Bình Phước đã đồng ý với đề xuất của huyện, là cấp đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho các CBCCVC về nhận nhiệm vụ tại huyện; nhằm tạo điều kiện cho CBCCVC yên tâm công tác, ổn định cuộc sống.

Chủ trương này của tỉnh Bình Phước là phù hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai 2013. Theo đó, “giao đất ở không qua đấu giá QSDĐ cho CBCCVC chuyển nơi công tác theo quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền”.

Ngày 12/6/2012, tại Thông báo 1282-TB/TU kết luận của Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước tại buổi làm việc với Thường trực Huyện ủy Bù Gia Mập, nêu rõ: “Huyện xin chủ trương bố trí 2 khu dân cư cho cán bộ, công chức ở xa đến công tác tại huyện (…). Đối với nội dung này cơ bản thống nhất, huyện phải có văn bản gửi UBND tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy quyết định”.

Theo Quyết định 2665/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh Bình Phước, phê duyệt phương án giao đất ở có thu tiền SDĐ (không qua đấu giá QSDĐ). Có 217 lô đất tại 2 khu vực tổng diện tích 47,6 ngàn m2 tại xã Phú Nghĩa, sát Trung tâm hành chính huyện (như trên đã nói, huyện Bù Gia Mập đến nay vẫn chưa có thị trấn nào - NV) được giao; tổng giá trị 18,5 tỷ đồng. Như vậy, mỗi lô đất diện tích bình quân 219m2. Nếu được xét được nhận mỗi lô đất, CCVC phải nộp khoảng 85 triệu đồng.

Giá giao đất như trên được UBND tỉnh xác định dựa theo giá bình quân giữa giá đất Nhà nước quy định và giá chuyển nhượng QSDĐ thực tế trên thị trường khi đó.

Sau hàng chục cuộc họp xét tiêu chí, bình chọn, từ 2014 đến 2018, đã có 3 đợt giao đất, với gần 200 người được nhận. Những người được giao đất đều đã được UBND huyện cấp “sổ đỏ”.

Một số trường hợp được cấp sai đối tượng

Đến nay đã gần 10 năm kể từ huyện giao một số lô đất không qua đấu giá cho CBCCVC để mong cán bộ xây nhà ổn định chỗ ăn ở, yên tâm công tác; nhưng hiệu quả của chính sách đúng đắn này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Theo một thống kê rà soát của UBND huyện mới đây, thì mới chưa đầy 50 hộ xây nhà trên đất đã được giao, còn lại khoảng 3/4 vẫn để cỏ mọc hoang. Nhiều hộ sau khi được giao đất, đã chuyển nhượng cho người khác.

Mục đích của tỉnh và huyện khi giao đất ở không qua đấu giá cho CBCCVC còn là mong muốn tạo nên 2 khu dân cư đông đúc sầm uất, góp phần để xã Phú Nghĩa đạt điều kiện trở thành thị trấn, đến nay cũng chưa đạt được.

Một vấn đề khác tạo dư luận trong địa phương, là tình tiết trong giao đất đợt 2 năm 2016, một số người không đủ điều kiện theo luật và chủ trương của tỉnh, nhưng vẫn có tên trong danh sách.

Như trên đã nêu, theo điểm e khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai 2013, muốn được giao đất ở không qua đấu giá QSDĐ, đối tượng được giao phải đạt đủ 3 điều kiện: Thứ nhất, phải là CBCCVC; Thứ hai, được giao nếu thuộc trường hợp chuyển nơi công tác; Thứ ba, việc chuyển nơi công tác phải theo quyết định điều động của cơ quan thẩm quyền.

Tại Quyết định 2665/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 và 1037/QĐ-UBND ngày 5/5/2016 của UBND tỉnh (phê duyệt phương án giao đất đợt 2) cũng đều ghi rõ, đối tượng được giao đất không qua đấu giá là “Thứ nhất, CBCCVC; Thứ hai, được điều chuyển công tác về huyện Bù Gia Mập; Thứ ba, chưa có đất ở”.

Quyết định của UBND tỉnh ghi rõ đối tượng được cấp đất là “cán bộ, viên chức, công chức”.

Thực tế, tại thời điểm đó, số CBCCVC tại huyện Bù Gia Mập đủ điều kiện được giao đất không qua đấu giá, lớn gấp nhiều lần số lô đất có thể bố trí. Thế nên cơ quan chức năng huyện đã đưa ra các tiêu chí xét cấp đất rất chặt chẽ. Tại Thông báo 155-TB/HU ngày 14/10/2016 thông báo Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất chỉ giao đất cho đối tượng là CBCCVC.

Thông báo cũng nêu rõ, về nhóm CBCCVC tham gia bốc thăm giao đất, chỉ có các nhóm ưu tiên như Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2015 - 2020; Trưởng các phòng, ban và tương đương; Phó các phòng, ban và tương đương; Các CBCCVC còn lại.

Thế nhưng trong thực tế, khi giao đất ở không qua đấu giá đợt 2 và cấp sổ đỏ, lại có cả một số người không thuộc các đối tượng nêu trên. Đặc biệt có một số tài xế, nhân viên tạp vụ chỉ làm việc theo hợp đồng lao động.

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng: “Theo quy định tại điểm g Điều 118 Luật Đất đai, thì UBND huyện có thể giao đất ở không qua đấu giá cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở”. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ đây là đợt giao đất theo điểm e Điều 118 Luật Đất đai và chủ trương của tỉnh cho đối tượng là CBCCVC. Còn nhiều CBCCVC khác của huyện Bù Gia Mập chưa được hưởng tiêu chuẩn này; mà lại đưa danh sách một số người dân vào cùng danh sách cấp đất không qua đấu giá cho CBCCVC; là có dấu hiệu sai quy định Luật Đất đai; gây ra tâm lý không tốt cho CBCCVC và nhân dân”.

Luật sư Hiệp đánh giá, trong sự việc như trên, có thể thấy quy định tại điểm g Điều 118 Luật Đất đai 2013 và chủ trương của tỉnh Bình Phước là rất đúng đắn, chính xác; nhưng thực tế thực hiện tại huyện Bù Gia Mập thì đã không được như kỳ vọng. Đây là sự việc cơ quan chức năng cần tham khảo lưu ý khi xem xét sửa đổi Luật Đất đai; địa phương cũng cần rút kinh nghiệm.

Đọc thêm