Giáo dục con trẻ quanh chuyện lì xì

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quanh câu chuyện lì xì cho trẻ ngày Tết đã có không ít tranh luận từ nhiều năm nay. Thực ra, thông qua món tiền mừng tuổi, cha mẹ có thể giáo dục con về cách quản lý đồng tiền, về cách sống, ứng xử, về tình yêu thương.
Phụ huynh có thể giáo dục con nhiều kĩ năng sống thích hợp từ tiền mừng tuổi. (Ảnh minh họa)
Phụ huynh có thể giáo dục con nhiều kĩ năng sống thích hợp từ tiền mừng tuổi. (Ảnh minh họa)

Mừng tuổi con, cha mẹ giữ?

Một bài viết trên mạng xã hội vừa nêu ra một vấn đề nho nhỏ “muôn thuở” dịp Tết, đó là tiền lì xì của trẻ. Tác giả bài viết là một chàng trai 23 tuổi, kể câu chuyện mình suốt cả tuổi thơ, năm nào cũng háo hức với món tiền lì xì ít ỏi và có biết bao dự định vui vẻ với món tiền ấy. Thế nhưng, năm nào cũng bị cha mẹ “dỗ ngọt” giữ hộ tiền mừng tuổi và rồi không bao giờ lấy lại được số tiền.

Trong bài viết, chàng trai cho rằng đó là một kí ức không mấy ngọt ngào của tuổi thơ, rằng các bậc cha mẹ không nên “thất hứa” với con, giữ hết tiền mừng tuổi của con mà hãy để con được hưởng trọn vẹn niềm vui với món tiền lì xì may mắn ngày Tết.

Bài viết lại khơi gợi những tranh luận quanh đề tài “ứng xử sao với tiền mừng tuổi của con”. Không ít người cho rằng, trẻ con không biết gì, thế nên việc cha mẹ giữ tiền mừng tuổi cho con là hợp lý. Bản thân cha mẹ cũng phải chi số tiền không nhỏ để mừng tuổi nhiều trẻ khác, nên tiền mừng tuổi của con cũng phần nào bù đắp khoản chi ngày Tết ấy cho cha mẹ.

Tuy nhiên, một luồng quan điểm khác thì cho rằng, cha mẹ không nên lấy cớ này hay khác để “tịch thu” tiền mừng tuổi của con vì đó là món tiền, món quà mang ý nghĩa mừng tuổi mới, mang lời chúc lành của người lớn đối với trẻ nhỏ. Cạnh đó, nếu các món tiền lì xì dành cho trẻ đều thuộc về người lớn, thì phải chăng, lì xì, một truyền thống tốt đẹp lâu đời của người Việt hóa ra chỉ còn là một cuộc “trao đi, đổi lại” về tiền bạc giữa các bậc người lớn với nhau?

Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì giữ trọn tiền mừng tuổi của con, gây ra những ấm ức và kỉ niệm không vui đối với trẻ nhỏ, cha mẹ nên có những cách thức hợp lý khác, giúp con quản lý và sử dụng hiệu quả số tiền mừng tuổi thuộc về con. Thông qua đó, giúp con có thể phần nào biết cách chi tiêu, học bài học “quản lý tài chính” đầu đời.

Bày tỏ quan điểm của mình, chị Châu Thị Mỹ Ái, giáo viên cấp 3 tại quận 7, TP HCM chia sẻ kinh nghiệm: “Từ khi con tôi lên 5 tuổi, hai cháu đã được tự giữ tiền mừng tuổi của bản thân. Các cháu được vợ chồng tôi hướng dẫn cách tiết kiệm tiền mừng tuổi để sử dụng cho các mục đích hợp lý như tự mua dụng cụ học tập, tự mua quà vặt cho bản thân... Các cháu thấy rất vui và hào hứng vì được tự tay lên kế hoạch dùng số tiền mình có”.

Để mừng tuổi không phải là gánh nặng

Theo các chuyên gia tâm lý, có nhiều cách cha mẹ có thể áp dụng với khoản tiền mừng tuổi của con. Đối với số tiền nhỏ, cha mẹ có thể giúp con lên kế hoạch chi tiêu hợp lý. Nếu tiền mừng tuổi nhiều, hãy để trẻ có tự chủ “một phần” số tiền mừng tuổi của mình, đồng thời quan sát xem trẻ tiêu số tiền ấy vào đâu. Với những trẻ lớn hơn, cha mẹ cũng có thể giúp con gửi vào ngân hàng số tiền lì xì còn lại và để con lên kế hoạch, quyết định những khoản chi trong năm.

Phụ huynh cũng có thể hướng dẫn con sử dụng tiền vào các mục đích như mua dụng cụ học tập, tiêu vặt, tặng quà cho người thân, tập làm quản gia “đi chợ” cho gia đình. Thêm một hoạt động phụ huynh có thể hướng con tham gia là dùng một phần tiền mừng tuổi đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện như giúp các em nhỏ gia đình khó khăn, mồ côi cha mẹ... Điều này vừa giúp trẻ biết sử dụng tiền hợp lý, vừa nuôi dưỡng lòng nhân ái, tình yêu thương ở trẻ.

Mới đây, đạo diễn Lê Hoàng có một bài viết khá “sốc”, ông cho rằng, tiền lì xì là một gánh nặng đối với người Việt, 10 người Việt thì phải có 9 người sợ việc lì xì vào ngày Tết. Đạo diễn Lê Hoàng còn tuyên bố, “nếu một cái Tết không phải lì xì, nhiều công dân sẽ cảm thấy nhẹ trong người, lâng lâng như được sống trên mây. Vì tiền lì xì mà trong ngày xuân rất nhiều người không dám đi thăm bạn bè”.

Không phải ai cũng đồng tình với quan điểm ấy, tuy nhiên có thể nhận thấy, chuyện áp lực đến từ tiền lì xì không phải là không có, nhất là đối với những người làm ăn xa, có chút thành đạt về thăm quê, hay những người có mối quan hệ xã giao rộng rãi, làm kinh doanh... Nhiều lúc, lì xì đúng là một áp lực, một hoạt động mà thông qua đó người lớn khẳng định địa vị, đẳng cấp của mình. Và cũng đó đây, không ít đứa trẻ đã học được cách so đo, tính toán xem ai mừng tuổi ít hơn, ai mừng tuổi nhiều hơn.

Để tiền mừng tuổi không phải là gánh nặng, nên chăng các bậc người lớn nên trả đúng lì xì về với ý nghĩa của nó. Đó là một số tiền nhỏ, vừa đủ để tượng trưng cho lời chúc lành dành cho trẻ thơ ngày Tết. Và số tiền nho nhỏ, vui vui, cùng với việc dạy trẻ sử dụng hợp lý đồng tiền mừng tuổi, khoản tiền ấy cũng không còn là khoản “thu lợi”, là đổi chác hay gánh nặng nữa.

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình Việt do Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch ban hành có đưa ra tiêu chí và những nguyên tắc cụ thể hướng dẫn cha mẹ trong nuôi, dạy con cái. Trong đó, bộ tiêu chí nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng con, giữ lời hứa với con, coi con là một cá thể độc lập. Trong nuôi dạy con, cha mẹ không chỉ cần chú trọng đến việc giáo dục tri thức mà còn cần dạy con kĩ năng sống, thông qua việc làm gương của cha mẹ và các hoạt động trong cuộc sống. Và chuyện ứng xử với tiền mừng tuổi cũng là một trong những hoạt động ý nghĩa để giáo dục con những kĩ năng sống như thế. Tôn trọng con, nỗ lực giáo dục con hợp lý, không ngừng nghỉ, giúp con trẻ cố gắng phấn đấu, có niềm tin vào bản thân để nỗ lực vượt qua mọi thử thách, chính là đồng hành cùng con đến thành công và có một tương lai tươi đẹp.