Ngày 20/11, trong khi các đồng nghiệp ở chốn thị thành tràn ngập hoa, những lời chúc mừng, thậm chí có nơi “tiền phong bì còn hơn 1 năm lương”, thì có rất nhiều thầy, cô giáo rời thành phố, xa gia đình và những người thân yêu... để đến với vùng biên giới xa xôi, ở rất nhiều vùng sâu, vùng xa, trong đó có xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, "nuôi con chữ".
Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng họ luôn là những “người lái đò” sát cánh và tâm huyết vì đám trò nhỏ người H’ Mông, Khơ Mú, Thái...
Thầy giáo Nguyễn Quang Trãi đã 5 năm bám bản để dạy chữ. |
Nhìn đám trò nhỏ ngày ngày đến lớp mà quên đi nỗi nhớ nhà
Không dễ dàng để đến được với xã Mỹ Lý, con đường lầy lội bùn đất, ngôi trường THCS xã Mỹ Lý nằm ngay bên bờ sông Nậm Nơn - cái vùng đất “giữa trưa mới nắng, nửa ngày còn mây”. Nhưng ở nơi khó khăn ấy, lại có những người thầy, người cô miền xuôi vẫn đến lớp, bám bản, bám lớp để dạy chữ cho học sinh miền biên.
Cũng không dễ để có thể bám trụ lại mảnh đất này, những ngày mưa thì đường chỉ có thể cuốc bộ vì đường quá lầy lội. Thế nhưng, cái tâm gieo chữ của thầy cô giáo vẫn không hề lung lay. Cô giáo Phạm Thị Thảo người ở huyện Đô Lương, Nghệ An tốt nghiệp cử nhân văn - ĐH Vinh, đã ước mơ từ bé làm cô giáo, cô Thảo đã rời quê lên Mỹ Lý.
Hơn 5 năm nay, với sự tận tâm của mình, cô được đám trò mến, dân bản thương. Cô Thảo tâm sự: “Ngày mới lên Mỹ Lý điện không có để xem ti vi, không có sóng điện thoại, không có nhà để nghỉ... khiến đêm mô cũng khóc vì nhớ nhà, bốn bề là sông, núi. Dần dần quen, quen được văn hóa của dân bản, nhìn đám trò nhỏ chăm chỉ đến lớp cũng quên đi khó khăn chú tâm vào công việc hơn, quên đi nỗi nhớ nhà...”.
Cách xa nhà và giao thông quá cách trở nên càng có ít thời gian về thăm gia đình, mỗi năm các thầy cô chỉ có thể về nhà hai đến ba lần. Thế nhưng, nếu gặp trời mưa thì cũng không ai muốn về vì đi ra khỏi xã cũng mất nửa ngày rồi. Cô giáo Lê Thị Kim Oanh (29 tuổi) quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa cũng tình nguyện lên với bản làng và ở lại dạy học hơn 4 năm nay.
Từ một cô gái tốt nghiệp Đại học Sư phạm Bình Dương, chất giọng xứ Thanh nhưng khi đến đây Oanh đã tập làm quen, thích nghi được với văn hóa đồng bào, cuộc sống bà con. Không những thế, cô Oanh còn đổi sang nói giọng xứ Nghệ như chính người gốc xứ Nghệ vậy. Ngoài ra cô còn thông thạo tiếng Thái nói chuyện lưu loát cùng bà con.
“Ngày rời thành phố, rời quê lên đây gia đình, bạn bè đều phản đối em lắm, em cũng rất muốn về vì quá thiếu thốn so với nhu cầu cuộc sống, quen với thiết bị máy móc hiện đại. Nhưng may mắn là nhìn đám trò ham học và hiểu được sự khao khát cần cái chữ của các em nơi miền biên ải đã động viên em bám trụ lại cùng. Bây giờ thì cái ý nghĩ rời núi về xuôi cũng đã mất dần đi…”, cô giáo Oanh vui vẻ tâm sự.
Khó khăn nhưng các cô vẫn giữ được nụ cười và một trái tim vì những học trò thân yêu. |
Bám bản, bám khó khăn nuôi chữ cho trẻ nghèo
Có đến thăm thầy cô thì mới hiểu hết được khó khăn của họ, dãy ký túc xá được dựng lên để phục vụ cho các thầy cô giáo xa nhà nằm sát ngay bên trường. Tuy nhiên, cái ký túc chật hẹp, điều kiện thiếu thốn cũng đã là một khó khăn phải đối mặt đầu tiên khi đến làm việc. Với 18 giáo viên nghỉ trọ trong 4 căn phòng chật chội được ngăn làm hai, trong đó có 5 cặp vợ chồng là thầy cô trong trường là một điều cực kỳ bất tiện.
Do thiếu phòng nên có phòng phải chứa 3, 4 giáo viên ở, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nghiên cứu tài liệu soạn giáo án phục vụ cho việc dạy và học. Những bữa cơm là những con cá, những bó rau mà bà con dân bản bán hoặc đến cho, nước sinh hoạt cũng phải xuống sông múc lên để tắm giặt, nước ăn uống thì chỉ có nước hứng được từ nước mưa…
“Chật chội và sinh hoạt không thoải mái đôi lúc em và các thầy cô muốn ra dựng tạm cái lán trại để ở riêng cho tiện với sinh hoạt của mình nhưng ngặt nỗi là không có đất nên cũng chịu!” - thầy Nguyễn Quang Trãi chia sẻ. Một bất tiện nữa về chỗ ở khi có người nhà, hoặc vợ chồng từ xuôi lên thăm lại không có chỗ để nghỉ lại. Hai vợ chồng bên này vách gỗ ngăn tạm và bên kia là chiếc giường của hai thầy giáo chưa vợ khiến cho mọi sinh hoạt hết sức bất tiện.
Thầy hiệu Trưởng trường THCS Mỹ Lý - ông Hạp Văn Long tâm sự: “Trường còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất dạy và học của thầy cô và trò, nhưng vấn đề ký túc xá cho giáo viên cũng là một vấn đề đau đầu hiện chưa có hướng giải quyết. Việc 3, 4 giáo viên cùng trọ một phòng được ngăn làm đôi để sinh hoạt.
Nhà trường cũng như các thầy cô cũng muốn làm nhà riêng để cho tiện nhưng kinh phí không cho phép. Hiện nhà vệ sinh của giáo viên cũng chưa có, mưa gió không biết chạy chỗ nào để vệ sinh... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt cũng như công việc của thầy cô”. Hiện nay, khu ký túc xá của giáo viên cũng đang bị một khối đất đá do mưa lũ trên núi đổ về, các giáo viên cứ đến mùa mưa là ngủ cũng không yên giấc vì nằm sát bên núi...
Thế nhưng, dẫu còn khó khăn, còn nhiều vất vả nhưng trên khuôn mặt của các thầy cô giáo miền xuôi luôn sáng bừng niềm tin để giữ trọn đạo làm thầy vì một tương lai của thế hệ trẻ của lũ học trò vùng biên.
Ngô Văn