“Giật mình” đồ chơi điện giật!

 Đồ chơi điện giật có mặt tại Việt Nam từ 1-2 năm nay và đã có một số khuyến cáo về việc loại đồ chơi này có ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ trẻ nhỏ. Thế nhưng, hiện nay mặt hàng đồ chơi nguy hại này vẫn được nhiều trẻ yêu thích và được không ít phụ huynh lựa chọn làm quà tặng cho con nhân ngày Tết thiếu nhi.

Đồ chơi điện giật có mặt tại Việt Nam từ 1-2 năm nay và đã có một số khuyến cáo về việc loại đồ chơi này có ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ trẻ nhỏ. Thế nhưng, hiện nay mặt hàng đồ chơi nguy hại này vẫn được nhiều trẻ yêu thích và được không ít phụ huynh lựa chọn làm quà tặng cho con nhân ngày Tết thiếu nhi.

Một số món đồ chơi điện giật được rao bán trên Internet.

Xỉu vì bị giật điện

Các món đồ chơi điện giật đều được ngụy trang dưới vỏ bọc vật dụng hàng ngày như bút bi, hộp kẹo, phong kẹo cao su, bật lửa... Và dưới những hình dáng vô hại đó chính là những nguy hiểm rình rập. Khi sờ tay vào nắp bút bi, nắp hộp kẹo hay nắp bật lửa thì con người lập tức có cảm giác bị điện giật. Nắp của bộ đồ chơi chính là một bẫy điện, được kích hoạt bằng pin. Các sản phẩm này sử dụng pin, thông qua một bộ kích để tạo ra một dòng điện đủ để giật nảy người.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em, quy định chất lỏng có thể tiếp xúc được chứa trong đồ chơi trẻ em không được có độ pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0. Các chi tiết vải có thể tiếp xúc được của đồ chơi trẻ em không được chứa formaldehyt tự do và formaldehyt đã thủy phân vượt quá 30mg/kg; các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc được của đồ chơi trẻ em không được chứa formaldehyt giải phóng vượt quá 80mg/kg.
Với cảm giác tê tê, giật giật, các loại đồ chơi điện giật đã khiến cho nhiều trẻ em cảm thấy thích thú và đua nhau mua để chơi trong dịp hè. Không chỉ tự chơi, nhiều trẻ còn đem ra để “bẫy” các “con mồi”. “Con mồi” ở đây là những em bé 1-6 tuổi hoặc các bé gái tuy lớn hơn nhưng ít cảnh giác với đồ chơi này.

Chị Nguyễn Ngọc Nga, có con trai 3 tuổi, bức xúc: “Khi chơi ở ngoài sân tập thể, con tôi bị một số trẻ lớn tuổi hơn cho chơi hộp kẹo điện giật. Thấy hộp kẹo đẹp, con tôi sờ vào nắp và ngay lập tức bị điện giật nên khóc ré lên. Bọn trẻ kia lấy làm thích thú, cười phá lên. Thật không thể hiểu nổi!”.

Còn Khánh Trung, học sinh lớp 8, hào hứng khoe: “Cháu có trong tay khoảng 10 loại đồ chơi điện giật như: Bút bi, bộ bài, súng... Loại đồ chơi này hay lắm, bọn con trai lớp cháu toàn mua đến lớp để đùa mấy đứa con gái thôi. Điểm hay nhất của loại đồ chơi này là được làm y như những đồ dùng hàng ngày, nên không ai cảnh giác cả. Hôm trước, cháu mua một bộ bài để trêu mấy bạn gái cùng lớp, có bạn thì kêu toáng lên, có bạn lại bị giật sợ quá, xỉu đi một lúc”.

Quy chuẩn đứng bên lề thị trường đồ chơi

Trong dịp Tết thiếu nhi năm nay, mặt hàng đồ chơi điện giật đang được dịp nở rộ và đã có mặt tại nhiều cửa hàng lưu niệm hoặc quầy bán đồ chơi trẻ em. Nhiều khách mua hàng, khi bày tỏ lo ngại về sự an toàn cho trẻ, đã được các chủ hàng trấn an: “Anh chị cứ yên tâm mua cho cháu chơi. Nguồn điện này chỉ làm mình đau có một tí thôi, không hại gì đến sức khỏe hay tính mạng trẻ đâu. Trẻ con vẫn chơi ầm ầm mà!”.

Có thể bị biến chứng não, suy giảm trí nhớ

Các nhà khoa học khuyến cáo, cơ thể người ở mỗi lứa tuổi có khả năng phản ứng khác nhau với dòng điện, nếu những đồ chơi này không may ở trong tay các em bé thì nguy cơ là khôn lường. Theo các bác sĩ chuyên khoa về tim mạch, với những dòng điện rất nhỏ, từ 25 đến 100mA khi chạy qua cơ thể cũng đủ gây ra sốc điện. Nếu bị nhẹ thì có thể gây choáng, các ngón tay tê đau và co dại. Còn đối với những dòng điện có cường độ từ 70mA trở lên (tương ứng với hiệu điện thế 40V trở lên) còn có thể khiến tim ngừng đập trong khoảng vài giây. Nếu chơi các trò chơi này thường xuyên, bị điện giật có thể gây những biến chứng về não, dẫn đến trí nhớ suy giảm.

Điều đáng nói là trên bao bì các sản phẩm đồ chơi điện giật đều không ghi rõ các thông số kỹ thuật để xác định mức độ an toàn, thậm chí trên nhãn còn không hề ghi khuyến cáo mức độ nguy hiểm của đồ chơi khi sử dụng cho những người có bệnh tim mạch, người già, trẻ nhỏ... Vậy nên, trước lời ngon ngọt của chủ hàng, rất nhiều phụ huynh đã mua đồ chơi điện giật để tặng cho con em mình nhân ngày Tết thiếu nhi.

Không chỉ bán ở các cửa hàng, đồ chơi điện giật còn được rao bán tại một số trang web trên mạng. Tại trang “Mua...com”, chủ nhân không ngần ngại tung ra lời quảng cáo: “Một sản phẩm kích thích sự tò mò  và vui nhộn với trẻ. Thoạt nhìn đơn thuần bạn sẽ nghĩ nó chỉ là hũ kẹo đơn giản nhưng khi dùng tay mở ra với nguồn điện 30mA sẽ khiến bạn giật bắn mình đầy thú vị. Một trò đùa nhỏ thật vui nhộn với bạn bè. Hãy liên đặt hàng Tuấn: 0167 9032... Thanh: 01686234...Giao hàng tận nhà (trong nội thành Hà Nội)”.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em đã được áp dụng hơn 1 năm nay (từ ngày 15/4/2010). Theo đó, đối với các loại đồ chơi dùng điện, quy chuẩn quy định không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24V và không có bộ phận nào của đồ chơi có điện áp danh định vượt quá 24V. Các bộ phận trong đồ chơi trẻ em nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có khả năng gây điện giật và các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận này phải được cách điện và bảo vệ để ngăn ngừa rủi ro điện giật.

Quy định đã có, nhưng dường như, vẫn tồn tại nhiều vấn đề ở khâu thực thi, kiểm định và ngăn chặn nên đến nay quy định ấy vẫn ở bên lề thị trường đồ chơi trẻ em. Và những đồ chơi điện giật đầy hiểm nguy này vẫn ngày đêm “gài bẫy” trẻ nhỏ.

Thùy Dương 

Đọc thêm