Ngày 14/10/2019, taii Thẩm mỹ viện Kangnam tại TP Hồ Chí Minh đã xảy ra một ca tử vong khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ căn da mặt. Nữ bệnh nhân tử vong là bà V.T.K.N.H, 69 tuổi và trú tại TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân đến thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam ngày 12/10/2019 và về nhà với sức khỏe bình thường nhưng đến 21 giờ thì xuất hiện triệu chứng khó thở nên được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy. Ngày 14/10/2019 thì tử vong.
Những ca tử vong liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ không hiếm, đặc biệt là ở Hàn Quốc, Việt Nam.
Theo số liệu của tờ The Economist, 1/3 phụ nữ Hàn Quốc đã thay đổi vẻ ngoài của mình nhờ PTTM. Đối với các cô gái ở lứa tuổi 20, tỷ lệ này là 1/2. Nam giới cũng đóng góp 15% vào số ca PTTM của Hàn Quốc.
Hiện tại ở Seoul có gần 4.000 trung tâm PTTM, chủ yếu tập trung ở các quận sang trọng phía nam, được gọi là “vành đai sắc đẹp”.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp PTTM Hàn Quốc đang đặt ra nhiều quan ngại về an toàn cho người bệnh, ảnh hưởng danh tiếng điểm du lịch y tế hàng đầu thế giới. Trong đó, hoạt động quản lí của chính phủ còn lỏng lẻo về bác sĩ PTTM, nhiều bác sĩ không có giấy phép hành nghề. trong khi thiếu huấn luyện cấp cứu và thiếu thiết bị tại các bệnh viện thẩm mỹ.
Vào tháng 1/2015, một du khách Trung Quốc được tuyên bố đã chết não ngay trên bàn mổ tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) khi đang PTTM, theo báo South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 3/5.
Tờ này cũng dẫn lại một báo cáo của Trung tâm Y tế Samsung (Hàn Quốc) gần đây cho thấy 82 bệnh nhân PTTM chết vì thuốc gây mê ở Hàn Quốc trong giai đoạn từ tháng 7/2009 đến tháng 6/2014, trong khi 23 người sống sót nhưng chịu nhiều biến chứng sau đó.
Theo số liệu không chính thức, 80% bác sĩ đang thực hiện PTTM ở Seoul không có bằng chuyên môn và đại đa số các cơ sở PTTM không được trang bị các thiết bị hồi sức.
Bác sĩ Cho Soo-young, bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ được cấp giấy phép hành nghề và là người phát ngôn của Hiệp hội các bác sĩ PTTM Hàn Quốc cho biết có khoảng 10.000 bác sĩ không chuyên ở nước này đang tiến hành các ca PTTM trong khi chỉ khoảng 2.000 bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ có giấy phép hành nghề.
Năm 2014, một nghị sĩ Hàn Quốc đã cho biết tại Quốc hội rằng 77% các phòng khám PTTM không được trang bị máy khử rung tim bắt buộc hay máy thở, vốn là những thiết bị trong các bước cứu hộ đầu tiên, và chỉ 1,2% cơ sở có đầy đủ thiết bị này.
Một báo cáo của BBC năm 2005 đề cập đến việc tại Hàn Quốc, có trường hợp bác sĩ X quang có thể thực hiện PTTM và bác sĩ tâm thần vận hành máy hút mỡ. Cũng như, nhiều y tá và trợ lý chưa qua đào tạo có thể vẫn được phép cầm dao mổ.
Ngoài ra, hiện có quá nhiều nhân viên tư vấn du lịch y tế trái phép hoạt động ngầm, dụ dỗ du khách đến Hàn Quốc, đưa họ vào những bệnh viện thẩm mỹ với toàn bác sĩ không có giấy phép hành nghề, bà Natalie Oh, cựu y tá ở Seoul, hiện là người điều phối chương trình du lịch giải phẫu thẩm mỹ cho du khách nước ngoài cho biết.
Chính phủ Hàn Quốc cần áp dụng ngay các biện pháp nhằm ngăn chặn du lịch giải phẫu thẩm mỹ trái phép, đồng thời đảm bảo tốt hơn sức khỏe và sự an toàn cho các bệnh nhân PTTM.
"Đến 19 tuổi, tất cả các cô gái đều PTTM. Nếu bạn không làm điều đó, sau một vài năm, bạn bè trông sẽ đẹp hơn bạn”, một sinh viên đại học đã thực hiện cắt mí 2 mắt cho biết. "Chúng tôi muốn phẫu thuật khi còn trẻ để có thể giữ gương mặt mới trong một thời gian dài", một phụ nữ trẻ nói với Patricia Marx trên NewYorker.
Hội Bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc ghi nhận số trường hợp biến chứng do phẫu thuật hàm mặt đã tăng từ 29 trường hợp năm 2010 lên đến 89 trường hợp vào năm ngoái. Có thể còn rất nhiều trường hợp gặp rắc rối sau phẫu thuật chưa được biết tới vì nhiều lý do.
Một phụ nữ đã lên diễn đàn bệnh nhân đưa ảnh kèm theo lời thừa nhận cay đắng: "Miệng tôi cứ bị lệch sang trái, còn hàm thì tê cứng lạ. Tôi thậm chí không có cảm giác khi nước miếng chảy ra từ miệng nữa".
Tháng 8 năm ngoái, một sinh viên đại học 23 tuổi đã tự tử sau khi thực hiện phẫu thuật hàm. Cô để lại thư tuyệt mệnh nói rằng quá thất vọng bởi việc phẫu thuật đã khiến cô không thể nhai khi ăn cũng như không thể cầm được nước mắt do dây thần kinh trong ống dẫn nước mắt bị tổn thương.
Hồi tháng 1/2013, một luật sư Hàn Quốc đã đề nghị phải quy định lứa tuổi tối thiểu có thể phẫu thuật thẩm mỹ, đặc biệt là với các phẫu thuật phức tạp liên quan tới cấu trúc xương. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nói rằng luật pháp không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề, đó là việc phụ nữ sẵn sàng đánh đổi tính mạng để được đẹp hơn. Lim, một nhà xã hội học cho rằng ở Hàn Quốc, “phụ nữ buộc phải vừa giỏi giang lại vừa xinh đẹp. Với sắc đẹp, phụ nữ sẽ dễ tìm việc, xây dựng gia đình và thuận lợi hơn về mọi mặt trong cuộc sống".