Gieo mùa vàng ở vùng biên giới Quảng Bình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những ngày này, cánh đồng lúa nước ở bản Ka Ai, xã biên giới Dân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã chín vàng trĩu hạt, vào mùa gặt rộ. Trong lòng bà con dân bản và các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng nơi đây cùng ngập tràn niềm vui sướng, bởi họ không chỉ thu hoạch vụ Đông Xuân năm 2023 bội thu, mà còn “gặt hái” tình quân dân thêm đoàn kết, thắm đượm nghĩa tình.
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) cùng đồng bào xuống đồng sớm để thu hoạch lúa nước.
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) cùng đồng bào xuống đồng sớm để thu hoạch lúa nước.

Năm 2013, Dự án lúa nước với diện tích 5ha ở bản Ka Ai do Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình làm chủ đầu tư được ra đời. Trải qua mười năm với 20 vụ lúa, từ chỗ được BĐBP cầm tay chỉ việc thì đến nay, đồng bào người Mày nơi đây đã tự chủ động được trong mọi hoạt động sản xuất. Mỗi năm 2 vụ lúa đều đạt năng suất trung bình khoảng 40 tạ/ha. 138 hộ với 708 nhân khẩu ở Ka Ai nay đã được bảo đảm nguồn lương thực, không chỉ đủ gạo ăn quanh năm mà còn có để dự trữ và chăn nuôi gia súc.

Trải qua 10 năm với những gian nan, vất vả, nhiều lúc tưởng chừng như BĐBP Quảng Bình và bà con phải bỏ cuộc bởi điều kiện khí hậu quá khắc nghiệt, địa hình đồi núi, nguồn nước khan hiếm. Đặc biệt hơn là hiểu biết hạn chế của đồng bào dân tộc thiểu số về cây lúa nước, bởi họ chỉ quen với trỉa lúa trên đồi núi cao kiểu “may nhờ, rủi chịu” chứ không bỏ công chăm sóc.

Cùng người Mày đưa lúa về bản Ka Ai.

Cùng người Mày đưa lúa về bản Ka Ai.

Với quyết tâm phải “cấy” được cây lúa trong bụng đồng bào, phải thay đổi được nhận thức, suy nghĩ của bà con về sản xuất lúa nước, từ chỗ bộ đội phải cầm tay chỉ việc thì nay tình hình đã đổi thay. Đồng bào đã tự giác xuống đồng, cơ bản nắm được quy trình sản xuất lúa nước. Đặc biệt, họ biết quý trọng từng hạt gạo từ chính mồ hôi, công sức của mình bỏ ra. Bây giờ, hầu như 138 nóc nhà ở bản Ka Ai đều biết làm kinh tế, bước đầu tạo được nguồn thu nhập trên chính vùng đất của bản làng mình, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Dẫu vẫn còn đó những khó khăn, nhưng lực lượng BĐBP Quảng Bình đã “gặt” được những mùa gặt bội thu là bà con ở bản Ka Ai đã nhận thức được rằng, chỉ có tự tạo lập thì cuộc sống mới ổn định, không thể trông chờ mãi vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

BĐBP Quảng Bình luôn đồng hành cùng bà con vùng cao trong các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế.

BĐBP Quảng Bình luôn đồng hành cùng bà con vùng cao trong các hoạt động sản xuất,

phát triển kinh tế.

Theo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình, trong vụ Đông Xuân năm nay, không chỉ Dự án lúa nước ở Ka Ai, mà các dự án lúa nước ở bản Tân Ly (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy), ở Rục Làn (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa) cũng đồng loạt được lực lượng BĐBP và bà con dân bản khẩn trương thu hoạch và thu được những vụ mùa bội thu với năng suất ước tính cũng khoảng 40 tạ/ha.

Có thể khẳng định, đưa cây lúa nước lên non chính là một trong những giải pháp căn cơ giúp đồng bào các dân tộc vùng cao tỉnh Quảng Bình giải được bài toán xóa đói, giảm nghèo mà lâu nay đã khiến nhiều địa phương phải đau đầu trăn trở.

Lúa thành phẩm được đóng vào bao và chia đều cho bà con các hộ dân trong bản Ka Ai.

Lúa thành phẩm được đóng vào bao và chia đều cho bà con các hộ dân trong bản Ka Ai.

Những bông lúa chín vàng “cúi đầu” trĩu nặng hạt là món quà vô giá đối với đồng bào tộc người Mày, người Rục, người Vân Kiều ở miền núi Quảng Bình. Ý nghĩa thiêng liêng hơn nữa là hạt gạo thơm đã được làm ra từ chính những tâm huyết, giọt mồ hôi của tình đoàn kết quân dân, sự gắn bó thủy chung giữa người lính Biên phòng và các đồng bào dân tộc ít người sinh sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Đọc thêm