|
Cột khói và tro bụi phun lên từ miệng núi lửa Merapi, nhìn từ làng Tunggularum ở Sleman, Indonesia, ngày 11/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Đài quan sát núi lửa Merapi của Indonesia đã ghi lại được những hình ảnh cho thấy nham thạch phun trào từ miệng núi lửa gây ra cột tro bụi cao khoảng 1.300m hướng lên bầu trời trong đêm 17/3.
Cơ quan giám sát núi lửa quốc gia Indonesia ngày 18/3 ra thông báo không ngoại trừ khả năng hoạt động của núi lửa có thể gây gián đoạn các hoạt động xã hội thường nhật, đồng thời kêu gọi người dân đề phòng nguy hiểm từ dòng nham thạch của núi lửa, đặc biệt khi có trời mưa.
Tuần trước, núi lửa Merapi cũng vừa phun trào, gây ra cột tro bụi cao khoảng 3.000m. Mưa bụi đã bao phủ ít nhất 8 làng xung quanh.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về núi lửa, Merapi đang trong giai đoạn hoạt động nhiều nhất kể từ năm 2021. Từ năm 2020, núi lửa Merapi đã được đặt mức cảnh báo cao thứ 2 sau khi các hoạt động núi lửa tăng và giới chức Indonesia cũng đã thiết lập vùng cấm có bán kính khoảng 7km quanh đỉnh núi.
Lần núi lửa Merapi phun trào lớn xảy ra gần nhất là vào năm 2010, khiến 300 người thiệt mạng và khoảng 280.000 người phải sơ tán. Trước đó, đợt phun trào năm 1930 đã khiến khoảng 1.300 người thiệt mạng và đây cũng là đợt Merapi phun trào mạnh nhất từng được ghi nhận.