Giới trẻ nhiễm HIV đấu tranh với khủng hoảng sức khỏe tâm thần

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một cuộc khủng hoảng về sức khỏe tâm thần đang là gánh nặng cho trẻ em và thanh, thiếu niên trên toàn thế giới. Đối với những người trẻ nhiễm HIV, thực tế còn khắc nghiệt hơn.
Tỷ lệ người trẻ nhiễm HIV tại châu Phi chưa được chẩn đoán và điều trị vẫn tương đối cao. (Nguồn: DFID - Bộ Phát triển Quốc tế Anh)
Tỷ lệ người trẻ nhiễm HIV tại châu Phi chưa được chẩn đoán và điều trị vẫn tương đối cao. (Nguồn: DFID - Bộ Phát triển Quốc tế Anh)

Những cuộc đấu tranh thầm lặng và đơn độc

Khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở châu Phi là một thách thức cấp bách đối với những người trẻ sống chung với HIV. Họ gánh chịu sức nặng của căn bệnh mãn tính hành hạ bản thân và cố gắng tồn tại trong một xã hội đầy sự kỳ thị. Trầm cảm, lo âu và cô lập dường như trở thành “bạn đồng hành” quen thuộc.

Tại Hội nghị quốc tế về sức khỏe cộng đồng ở châu Phi (CPHIA) diễn ra vào đầu tháng 12, nhiều người trẻ đã lên tiếng về những vấn đề cấp bách đối với sức khoẻ tâm thần của thanh, thiếu niên ở châu Phi. Paul Mavesere Ndhlovu là một trong những người trẻ như vậy. Anh thuộc nhóm lãnh đạo trẻ của Hiệp hội AIDS Quốc tế. Kể từ năm 2016, anh đã hỗ trợ điều trị cộng đồng cho rất nhiều thanh, thiếu niên ở Zimbabwe với nhiệm vụ chính là giúp các bạn trẻ nhiễm HIV chấp nhận tình trạng của mình, tuân thủ điều trị và đào tạo cho những người chăm sóc. Anh nhận ra cuộc đấu tranh thầm lặng của những bạn trẻ sống chung với HIV không chỉ giới hạn ở một quốc gia hay một châu lục, đó là trở ngại với người trẻ nhiễm HIV nói chung trên thế giới.

Ndhlovu chia sẻ với All Africa: “Tưởng tượng những người trẻ phải sống chung với HIV sẽ cảm thấy như thế nào khi hẹn hò, yêu đương và tham gia những hoạt động xã hội khác. Việc chấp nhận chính mình đã là một điều khó khăn, chia sẻ điều đó với người khác là một trở ngại còn lớn hơn thế”. Trước hết là nỗi sợ hãi trước khi tiết lộ thông tin bản thân nhiễm HIV. Sau đó là những áp lực tâm lý khi phải sống chung với HIV cùng sự đánh giá của những người xung quanh. Không phải lúc nào họ cũng nhận được sự đồng cảm và hỗ trợ cần thiết, thậm chí đối với rất nhiều bạn trẻ, đây là một cuộc chiến đơn độc của chính họ.

“Chỉ điều trị thuốc chưa đủ. Chấp nhận tình trạng hiện tại của mình là động lực để người trẻ tiếp nhận điều trị”, Ndhlovu nói. Do đó, việc kết nối những người trẻ nhiễm HIV với những nhà tư vấn tâm lý là rất quan trọng. Các cố vấn như Ndhlovu làm việc tại các phòng khám thuộc Bộ Y tế nhằm giúp đỡ mọi người đều được xét nghiệm, hỗ trợ và được cung cấp những công cụ cần thiết để vượt qua mặc cảm tâm lý và chấp nhận bản thân. Những cố vấn này trở thành một trong số những trụ cột nâng đỡ họ, giúp người trẻ tuân thủ điều trị và vượt qua sự kỳ thị.

“Nếu người trẻ bị cô lập, không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ bạn bè, không tham gia bất kỳ nhóm hỗ trợ, thì họ sẽ dễ bị tổn thương hơn sự kỳ thị hoặc phân biệt đối xử. Sự giúp đỡ tinh thần, đồng cảm và chia sẻ từ những người trẻ khác cùng trang lứa chính là “chìa khóa” để giải quyết sự kỳ thị, phân biệt đối xử và góp phần vào giáo dục xã hội”, anh cho biết thêm. Đến nay, Zimbabwe đã đạt được các mục tiêu 95-95-95 của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, vấn đề cung cấp các dịch vụ tâm lý xã hội cho những người nhiễm HIV vẫn chưa được quan tâm.

Ndhlovu cho biết: Tâm trí của giới trẻ luôn bị tấn công bởi những câu hỏi như liệu tôi có được đi học, tìm được việc làm, tình yêu hay có con không. Họ gặp rắc rối với việc định hướng các mối quan hệ và đối mặt với áp lực lớn từ xã hội, thậm chí từ chính những người gần gũi, thân yêu nhất của mình như gia đình, người yêu, bạn bè,… Áp lực thường trực khiến sức khỏe tâm thần của họ dần suy yếu. Tuy nhiên, vì các dịch vụ tâm lý hỗ trợ nhóm đối tượng này còn hạn chế, nên người trẻ phải tiếp tục sống chung và tự đấu tranh với các bệnh lí tâm thần như căng thẳng, lo âu, trầm cảm,… và HIV.

Đây không chỉ là vấn đề của riêng Zimbabwe, mà của nhiều quốc gia châu Phi khác và trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị các quốc gia cần ưu tiên sức khỏe tâm thần, đặc biệt là đối với giới trẻ. Các hướng dẫn mới của WHO kêu gọi các nước nắm bắt và mở rộng các sáng kiến hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.

Vòng luẩn quẩn của bạo lực tinh thần và HIV

Ở Kenya, HIV/AIDS được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em gái và phụ nữ trẻ. Do đó, các phương pháp điều trị chủ động như điều trị ARV rất quan trọng nhằm kéo giảm tỉ lệ tử vong và ngăn ngừa bệnh lây lan. Tuy nhiên, rất nhiều cô gái và phụ nữ trẻ nhiễm HIV đã không kiên trì với phương pháp điều trị này.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng vào tháng 10/2023, đã chỉ ra bạo lực tinh thần và sức khỏe tâm thần yếu kém là yếu tố trở ngại chính trong việc duy các phương pháp điều trị HIV cho phụ nữ trẻ. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford (Hoa Kỳ) và Viện Nghiên cứu y tế Kenya (KEMRI) đã cùng phối hợp khảo sát, nghiên cứu trên một nhóm đối tượng các phụ nữ trẻ nhiễm HIV nhằm tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả điều trị HIV tại Kenya, nhất là với giới trẻ. Đây cũng được xem là nghiên cứu đầu tiên làm sáng tỏ mối quan hệ giữa bạo lực gia đình, sức khỏe tâm thần và việc tuân thủ điều trị ARV.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra, tỷ lệ các cô gái vị thành niên và phụ nữ trẻ không chấp nhận điều trị lớn hơn gấp đôi đối với nhóm người từng bị bạo lực tinh thần so với nhóm người không bị. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở những phụ nữ bị trầm cảm ở mức độ trung bình hoặc nặng so với những phụ nữ không bị trầm cảm hoặc chỉ ở mức nhẹ. Phụ nữ trẻ có xu hướng trầm cảm nặng hơn khi đã từng trải qua các hành vi bạo lực từ chính người yêu của mình. Điều đáng ngạc nhiên là bạo lực thể chất và bạo lực tình dục có tác động ít đáng kể hơn đến việc không tuân thủ điều trị so với bạo lực tinh thần.

Cũng giống như Zimbabwe, Bộ Y tế Kenya ưu tiên giải quyết tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở thanh, thiếu niên cao và áp dụng nhiều giải pháp để thanh, thiếu niên tuân thủ tốt hơn các phương pháp điều trị của họ. Nhưng vấn đề sức khỏe tâm thần của họ vẫn còn bỏ ngỏ. Ngành y tế nước này thiếu dữ liệu cần thiết để hiểu rõ lý do tại sao có nhiều người trẻ bỏ dở điều trị giữa chừng.

Isdorah Odero, điều phối viên dự án tại KEMRI cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng những phát hiện của nghiên cứu có thể nâng cao nhận thức và làm căn cứ tăng thêm các dịch vụ chống bạo lực với phụ nữ trẻ nhiễm HIV tại Kenya, nâng cao sức khỏe tinh thần và hỗ trợ họ tuân thủ phương pháp điều trị HIV”.

Trên khắp thế giới, bạo lực, sức khỏe tâm thần kém và HIV là một chu kỳ luẩn quẩn với nhiều thanh, thiếu niên trong độ tuổi 15 - 24 tuổi. Thống kê chỉ ra, hơn 50% số thanh, thiếu niên và phụ nữ trẻ bị bạo lực sẽ mắc các vấn đề bệnh lý tâm thần và tỷ lệ người trải qua các hành vi bạo lực càng nhiều trong cuộc đời của họ thì khả năng bị nhiễm HIV cũng tăng cao hơn.

Phó Giáo sư lâm sàng về nhi khoa Clea Sarnquist cho rằng, nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương này dường như đã bị “lãng quên” trong các nghiên cứu, khảo sát đánh giá các biện pháp can thiệp về HIV/AIDS. “Đó là một lỗ hổng nghiên cứu quan trọng không chỉ trong công tác chăm sóc và điều trị HIV mà còn trong việc ngăn ngừa HIV trên toàn cầu”, Sarnquist chỉ ra.

Về giải pháp, các nhà nghiên cứu cho rằng, các giải pháp trị liệu tâm lý dựa trên cộng đồng có thể phát huy hiệu quả. Trong đó, phương pháp can thiệp dễ tiếp cận, ít tốn kém và khả thi nhất có thể kể tới “Ghế tình bạn” - chương trình đã được phát triển ở Zimbabwe, giúp trao quyền cho các thành viên cộng đồng hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho thanh, thiếu niên nhiễm HIV. Họ bao gồm các nhân viên y tế cộng đồng, thường là người phụ nữ lớn tuổi tại địa phương, được đào tạo, huấn luyện để cung cấp liệu pháp thay đổi hành vi nhân thức cho người trẻ mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm. Những nhân viên y tế này sẽ ngồi với khách hàng của họ ở ngoài trời, dưới tán cây, trên những chiếc ghế gỗ trong công viên, tạo ra những không gian an toàn và cảm giác thân thuộc đối với người trẻ để họ có thể trò chuyện, chia sẻ những khúc mắc tâm lý của mình.

Corrie Mevis Omollo, nhà khoa học xã hội của KEMRI cho biết, cách tiếp cận này có thể cải thiện đáng kể về mặt tâm lý đối với những phụ nữ có HIV. “Cộng đồng và phụ nữ trẻ cần nhận ra thực tế rằng các hình thức bạo lực như bị tát hoặc la mắng không thực sự bình thường và cần phải hành động”, bà nhấn mạnh họ cần phải nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

Đọc thêm