Đây là căn cứ pháp lý để xây dựng và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển của các cấp, ngành; giảm thiểu tối đa các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng biển, hải đảo, góp phần giữ gìn, bảo tồn và bảo vệ lâu bền các giá trị tự nhiên, văn hóa - lịch sử môi trường trên các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Theo báo cáo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Đề án trên được xây dựng với cơ sở pháp lý quan trọng là Điều 44 Luật Biển Việt Nam và đang tích cực chuẩn bị nội dung để có thể trình Quốc hội xem xét phê duyệt trong năm 2016. Quy hoạch sử dụng biển là một loại quy hoạch mới không chỉ ở Việt Nam mà còn mới đối với cả các quốc gia phát triển về biển trên thế giới. Do vậy một số quan điểm tiếp cận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là quy hoạch sử dụng biển dựa trên quan điểm tiếp cận hệ sinh thái.
Quy hoạch được xây dựng nhằm bảo đảm sử dụng bền vững các vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia Việt Nam trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh, Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam là căn cứ pháp lý để xây dựng và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển của các cấp, ngành; giảm thiểu tối đa các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng biển, hải đảo, góp phần giữ gìn, bảo tồn và bảo vệ lâu bền các giá trị tự nhiên, văn hóa - lịch sử môi trường trên các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; từng bước nâng cao nhận thức về biển nhằm hướng tới sử dụng bền vững các giá trị của biển và hải đảo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam trình Quốc hội xem xét phê duyệt trong năm 2016, Thứ trưởng đề nghị các thành viên của Ban Chỉ đạo Đề án Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam cần tích cực phối hợp để triển khai thực hiện các nội dung quan trọng còn lại; đặc biệt tiếp thu các ý kiến và tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa để có được Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam hoàn chỉnh, trình các cấp có thẩm quyền đúng thời hạn được giao.
Đối với các vấn đề đang vướng mắc liên quan đến thời gian Quy hoạch, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho rằng, thời gian của Quy hoạch nên giữ theo phương án đã được phê duyệt của Quyết định 2449/QĐ-BTNMT ngày 23/9/2015 về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam” là quy hoạch đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
Đối với phạm vi không gian của quy hoạch, Thứ trưởng đề nghị đơn vị thực hiện dự án cần phải tổ chức các hội thảo xin ý kiến các bộ, ngành và các chuyên gia có liên quan xem xét lựa chọn để phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. “Việc phân vùng biển cần phải theo các quy định trong Luật Biển Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, Đề án cũng cần cân nhắc tới các phương án bảo mật thông tin để phù hợp với tình hình hiện tại…” – Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh.