Giúp trẻ vượt qua nỗi đau bị xâm hại trên mạng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hiện nay, rất nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em qua mạng xã hội đã được xử lý. Nhưng một câu hỏi đặt ra, làm sao để chữa lành tổn thương tinh thần cho những nạn nhân là trẻ em.
Trẻ em hiện nay đang đối mặt với nguy hiểm bị xâm hại trên không gian mạng. (Nguồn: Sky New)
Trẻ em hiện nay đang đối mặt với nguy hiểm bị xâm hại trên không gian mạng. (Nguồn: Sky New)

Những câu chuyện đau lòng

Mạng xã hội hiện nay là nơi chia sẻ những tâm sự, băn khoăn, cảm xúc vui buồn của các em học sinh trong độ tuổi từ 10 - 18. Đa phần các em đều cho rằng đây là không gian an toàn, khi không phải tiếp xúc trực tiếp với bất kỳ ai. Chính vì vậy, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng niềm tin của các em, để gửi những video, hình ảnh khiêu dâm, hoặc bắt các em chụp ảnh bộ phận nhạy cảm của mình. Nặng nề hơn, là hẹn các em đi chơi, rồi thực hiện hành vi xâm hại.

Vào năm 2020, vụ việc của B.T.N xảy ra tại Ba Đồn (Quảng Bình), đã bị ba “con nghiện” dụ dỗ và quan hệ tình dục. Được biết, em B.T.N khi ấy mới mười lăm tuổi đã quen đối tượng Trần Văn Hùng (sinh năm 1998) thông qua mạng xã hội, rồi bị Hùng và hai đối tượng khác, sau khi sử dụng ma túy thực hiện hành vi xâm hại tình dục. Em B.T.N sau đó đã làm đơn tố cáo lên Công an để được giải quyết.

Ở TP Đà Lạt, Công an đã từng phải vào cuộc làm việc với đối tượng tên Bùi Hữu Trung (sinh sống tại Lâm Đồng). Được biết, Bùi Hữu Trung đã lập nick Zalo giả để kết bạn với em T (khi đó 14 tuổi), sau đó dụ dỗ em chụp ảnh nóng gửi qua cho đối tượng. Khi đã trao đổi khoảng 10 bức ảnh, đối tượng liên tục đe dọa và phát tán ảnh của em lên mạng. Những bức hình của em được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, khiến T bỏ học và gia đình đã phải nhờ sự can thiệp của công an.

Hiện nay, dù được cha mẹ, nhà trường phổ cập kiến thức phòng tránh xâm hại tình dụng nhưng các em học sinh, cũng như những người lớn lại phải đối mặt với một nguy hiểm tiềm tàng khác, đó chính là xâm hại trên mạng xã hội. Qua thống kê của các viện nghiên cứu cho thấy, chỉ hơn 10% trẻ em có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua mạng; gần 9% cha mẹ có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua mạng. Cho thấy rằng, kiến thức của các bậc phụ huynh và học sinh đối với vấn đề này còn quá ít.

Thực tế, xâm hại qua mạng đã và đang diễn ra, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm, sinh lý của những nạn nhân trong độ tuổi đi học. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận 1.500 cuộc gọi can thiệp hỗ trợ, trong đó có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp để xử lý những trường hợp này. Đây mới chỉ là một phần, bởi chắc chắn còn rất nhiều câu chuyện được phụ huynh giữ im lặng vì sợ con mang tai tiếng.

Trở thành điểm tựa an toàn

Sau khi xảy ra chuyện các em bị tung ảnh nóng hoặc vô tình xem được những hình ảnh, video khiêu dâm do đối tượng xấu gửi đến. Cha mẹ thường lập tức ngăn cấm con dùng điện thoại và trách móc. Tuy nhiên, hành động này lại khiến các con lo sợ, hoang mang, xấu hổ. Tệ hơn nữa, có thể đẩy các em tới những hành động dại dột. Trong khi thực tế, những vụ việc đáng tiếc này xảy ra, là do nạn nhân đang ở độ tuổi mới lớn, thiếu kiến thức về phòng tránh và nhận biết người tốt kẻ xấu, nên đã "sập bẫy" và bị chúng dùng chính hình ảnh của mình đe dọa.

Khi sự việc xảy ra, cha mẹ nên bình tĩnh, tâm sự, để các con có thể chia sẻ được hết câu chuyện của mình, từ đấy tìm hướng giải quyết vấn đề. Đó cũng là cách làm của cô giáo N.T.H tại một trường THCS ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Khi biết chuyện hai nữ sinh lớp 7 “cầu cứu” Cô N.T.H (Phó Hiệu trưởng trường), do bị đe dọa tung ảnh nóng, bắt ép quay clip khỏa thân. Cô H đã động viên, giúp các em bình tĩnh để kể hết mọi chuyện, từ đó nhờ sự trợ giúp của Ban Giám hiệu nhà trường, Công an vào cuộc để giải quyết vụ việc.

Người lớn không nên trách móc, mà cần trở thành điểm tựa an toàn cho các em không may bị xâm hại. (Nguồn: Vetezy.com)

Người lớn không nên trách móc, mà cần trở thành điểm tựa an toàn cho các em không may bị xâm hại. (Nguồn: Vetezy.com)

Theo chị Hạ Nguyễn, chuyên viên tham vấn tâm lý đang công tác tại Chi hội tâm lý ứng dụng Giáo dục cộng đồng Hoa Súng, chia sẻ về cách hỗ trợ tâm lý cho những người bị xâm hại, 6 tiếng đầu ngay sau khi xảy ra sự việc là “thời điểm vàng” để hỗ trợ tinh thần cho nạn nhân.

Dù biết rằng, khi xảy ra các vụ việc về lạm dụng tình dục thông qua mạng xã hội, nhiều gia đình sẽ “sốc” vì hình tượng đứa con ngoan ngoãn của họ mất đi. Tuy nhiên, người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là các em. Ám ảnh về hình thể của mình bị phát tán trên mạng xã hội, với những bình luận khiếm nhã, cay nghiệt. Cùng nỗi ân hận, dằn vặt đổ tội cho bản thân sẽ theo các em suốt đời. Thậm chí để lại các di chứng đến khi các em trưởng thành. Một số liệu thống kê tại Mỹ cho biết, những trẻ em từng bị xâm hại tình dục có nguy cơ tự tử cao hơn 10 - 13 lần so với những trẻ em bình thường.

Vì vậy, khi mọi việc xảy ra, đa phần những em học sinh đều rất cô đơn, sợ hãi, không có hướng giải quyết. Người lớn là điểm tựa an toàn, vững chắc duy nhất mà trẻ em nghĩ tới. Lúc này các bậc phụ huynh, thầy, cô giáo cần trở thành người bạn để các em thấy mình không bị cả xã hội quay lưng. Điều cần làm là tạo cho trẻ em một không gian an toàn. Để các em biết rằng, tại đây mình sẽ được bảo vệ, giải quyết những rắc rối, nguy hiểm.

Đặc biệt, phải hỗ trợ các em quên đi quá khứ bằng việc hạn chế nhắc lại câu chuyện hay để nạn nhân bắt gặp những hình ảnh nhạy cảm. Đồng thời, động viên các em không đổ lỗi, trách móc chính bản thân mình. Như người lớn đừng đặt các câu hỏi “Tại sao con lại tin người lạ?” hay “Tại sao không từ chối khi họ rủ đi gặp mặt?”. Tất cả những câu hỏi đó đều là vô nghĩa khi mọi chuyện đã xảy ra, điều mà gia đình, thầy cô có thể hỗ trợ lúc này, là cùng đồng hành, gánh vác “trách nhiệm” nặng nề này với các em.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

“Trẻ em như một tờ giấy trắng”, quả thực việc chữa bệnh tâm lý cho các em bị lạm dụng tình dục là điều rất đau lòng. Vì lứa tuổi học sinh đáng lẽ nên được vui chơi, vô lo, vô nghĩ. Cho nên, thay vì đợi đến khi “chuyện đã xảy ra”, mới tìm cách để giải quyết thì phụ huynh, nhà trường, xã hội nên quan tâm, chú ý đến các em nhiều hơn.

“Hàng rào bảo vệ” đầu tiên đến từ chính các bậc phụ huynh. Gia đình nên dành thời gian chia sẻ, nói chuyện với con em hơn, để nhận ra được những bất thường. Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền (Trung tâm Đào tạo kĩ năng sống Wedo – Wegood) nhận định rằng rất nhiều cha mẹ trong xã hội hiện đại bận nhiều việc không có thời gian để thật sự làm bạn với các con, nói chuyện, chia sẻ về vấn đề như giáo dục giới tính: “Tôi thấy rất ít khi cha mẹ để ý đến vấn đề đó, thậm chí có nhiều cha mẹ nghĩ rằng như vậy là “vẽ đường cho hươu chạy”.

Việc sử dụng điện thoại của con cái cũng cần được hướng dẫn từ phụ huynh, nhà trường. Để các em nhận thức được những nguồn thông tin xấu, ảnh hưởng và làm hại đến bản thân. Đồng thời chính gia đình cũng cần giáo dục giới tính, giúp con tự ý thức bảo vệ cơ thể mình. Con số thực tế cho thấy, có 77% số người bảo hộ, chăm sóc trẻ em sử dụng Internet thường xuyên, nhưng chỉ có 25% người khuyến khích các em học tập hoặc hướng dẫn sử dụng mạng một cách an toàn.

Không chỉ gia đình, mà nhà trường và xã hội cũng nên đồng hành, hỗ trợ trẻ em sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, tích cực. Như bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ, những nỗ lực hỗ trợ và xử lý các rủi ro của trẻ em trên môi trường mạng xã hội, như tổ chức sân chơi bổi ích, lành mạnh thu hút các em, đồng thời tiếp tục các hoạt động tăng cường vai trò của gia đình, trường học nhằm huấn luyện, hướng dẫn các em sử dụng mạng xã hội an toàn.

Đọc thêm