Gỡ bỏ thách thức với cơ cấu dân số Việt Nam: Cần tư duy làm luật đồng hành

(PLVN) - Dân số được xem là “mẫu số chung” cho bài toán phát triển kinh tế - xã hội, nhưng trong giai đoạn hiện nay, công tác dân số Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Đã đến lúc chính sách dân số không chỉ dừng lại ở mục tiêu kiểm soát dân số như giai đoạn trước, mà phải chuyển mình thành một hệ thống đồng hành với người dân - nhất là các gia đình trẻ.
Dân số không chỉ là số lượng, mà là chất lượng, không chỉ là hiện tại mà là tương lai. (Ảnh minh họa: Nguồn VGP)

Đối mặt với một “cấu trúc dân số méo mó”

Ngày 25/4/2025, Cục Thống kê, Bộ Tài chính công bố Báo cáo Quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch đầu tiên. Báo cáo đưa ra phát hiện quan trọng về xu hướng sinh, tử và kết hôn. Theo đó, tổng tỷ suất sinh đang giảm, thấp hơn mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn tồn tại, kéo dài trong nhiều năm vượt xa mức cân bằng là 104 - 106 bé trai/100 bé gái, diễn ra phổ biến ở các tỉnh khu vực phía Bắc, điển hình là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang.

Theo báo cáo, tuổi trung bình khi sinh con của phụ nữ đang có xu hướng tăng dần. Có sự khác biệt lớn về tuổi trung bình khi sinh con của người mẹ chia theo dân tộc của mẹ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng và trở thành một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có tới 7,7% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản gặp khó khăn trong việc có con. Điều đáng nói là tình trạng này không chỉ giới hạn ở các cặp đôi lớn tuổi, mà ngày càng phổ biến trong giới trẻ, thậm chí có những người chỉ mới ở độ tuổi 25 - 30 cũng đã phải đối mặt với nguy cơ hiếm muộn.

Nguyên nhân bắt nguồn từ nhiều yếu tố như ô nhiễm môi trường, thực phẩm kém an toàn, áp lực công việc, lối sống căng thẳng và thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Ngoài ra, xu hướng kết hôn muộn và ít con ở giới trẻ hiện nay cũng góp phần làm giảm tỷ lệ sinh. Nếu không có những chính sách can thiệp kịp thời, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một “cấu trúc dân số méo mó”, vừa già hóa nhanh, vừa thiếu hụt thế hệ kế cận…

Chính sách dân số - từ kiểm soát sang đồng hành

Những con số này và thực tế chuyển biến lớn của xã hội hiện đại cho thấy, chính sách dân số Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức mới đòi hỏi tư duy làm luật đổi mới, toàn diện và nhân văn hơn.

Cụ thể, Việt Nam đang bước vào giai đoạn dân số già hóa nhanh, trong khi tỷ lệ sinh không đạt mức thay thế. Đây là nghịch lý đáng lo ngại bởi một đất nước không thể phát triển bền vững nếu thiếu hụt lao động trẻ và phải gánh nặng chi phí an sinh cho người cao tuổi. Trước thực trạng này, tư duy làm luật về dân số cần được đổi mới theo hướng tiếp cận chủ động và bền vững. Thay vì chỉ giới hạn ở các điều khoản hành chính cứng nhắc, Luật Dân số trong tương lai cần xác định rõ quyền sinh sản là một phần của quyền con người, từ đó tạo hành lang pháp lý phù hợp thực tiễn hơn nữa cho việc hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là thụ tinh trong ống nghiệm, hiến tặng tinh trùng/trứng, tư vấn tiền hôn nhân và chăm sóc sức khỏe sinh sản toàn diện.

Gần đây, đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Nhiều người ủng hộ cho rằng việc kéo dài thời gian nghỉ sinh là cần thiết trong bối cảnh phụ nữ hiện đại chịu nhiều áp lực từ công việc, gia đình và xã hội. Thời gian nghỉ dài hơn không chỉ giúp mẹ hồi phục sức khỏe, chăm sóc con nhỏ tốt hơn mà còn giúp tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu - một yếu tố then chốt trong phát triển thể chất và trí tuệ trẻ em.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại về gánh nặng tài chính cho quỹ bảo hiểm xã hội và doanh nghiệp. Trước những luồng ý kiến trái chiều, nhiều chuyên gia đề xuất một giải pháp linh hoạt hơn: cho phép lao động nữ lựa chọn thời gian nghỉ thai sản trong khung từ 6 đến 9 tháng, với mức hỗ trợ tài chính tương ứng. Quan trọng hơn, chính sách này không nên chỉ được nhìn nhận dưới góc độ quyền lợi lao động, mà cần được đánh giá trong mối liên hệ với các mục tiêu dài hạn về dân số và phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

Hiện dự án Luật Dân số đang được xây dựng với các chính sách cơ bản trong luật chính là những vấn đề trọng tâm của công tác dân số trong tình hình mới, bao gồm: duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao sức khỏe dân số; và lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…

Trao đổi với truyền thông, GS.TS. Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề về xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân nêu quan điểm, hiện nay có những thay đổi khác biệt về các vấn đề kinh tế, xã hội, dân số cần pháp luật điều chỉnh để giải quyết toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Có thể thấy, dân số không chỉ là số lượng, mà là chất lượng, không chỉ là hiện tại, mà là tương lai. Một bộ luật tiên tiến, đồng hành và nhân văn sẽ không chỉ giúp giải quyết bài toán sinh nở, mà còn là chìa khóa bảo vệ tương lai đất nước trước những biến động toàn cầu…

“Việc xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số hiện nay là rất cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý để thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, trực tiếp là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; có các biện pháp ứng phó với tốc độ già hóa dân số nhanh trong thời gian tới, tận dụng hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước; hướng đến năm 2045 Việt Nam là nước có dân số chất lượng tốt, lực lượng lao động đông đảo, thu nhập cao... nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”, Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Hội thảo Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương do Cục Dân số, Bộ Y tế tổ chức tháng 8/2024.

Đọc thêm