Gỡ điểm nghẽn về xử lý tài sản bảo đảm trong án tín dụng, ngân hàng

(PLVN) - Tuy số việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng (TDNH) của các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số lượng án phải thi hành nhưng số tiền phải giải quyết lại chiếm tỷ lệ cao. Trong khi đó, việc xác minh, xử lý tài sản bảo đảm trong loại việc này còn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Sóc Trăng phối hợp cơ quan liên quan tổ chức thi hành án (ảnh: Cục THADS Sóc Trăng).
Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Sóc Trăng phối hợp cơ quan liên quan tổ chức thi hành án (ảnh: Cục THADS Sóc Trăng).

Phát huy vai trò của Tổ công tác xử lý án TDNH

Tại Bình Dương, trong 10 tháng năm 2023, số việc phải thi hành án TDNH là 605 việc, tương ứng 1.844.794.594 nghìn đồng, chiếm 2,7% về việc, 24,67% về tiền so với tổng số việc tiền phải thi hành. Kết quả thi hành xong 60 việc, tương ứng 287.113.796 nghìn đồng, đạt 13,76% về việc, 21,88% về tiền, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 7,03% về việc, 8,36% về tiền.

Chỉ ra nguyên nhân kết quả thi hành án loại việc này còn thấp, Cục THADS tỉnh cho rằng việc xác minh hiện trạng tài sản bảo đảm là bất động sản và việc yêu cầu các cơ quan quản lý về đất đai cung cấp thông tin liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chậm cung cấp dẫn đến không đủ cơ sở để tổ chức thi hành án. Việc giao tài sản và hoàn thiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng cho người mua trúng đấu giá trong một số trường hợp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cục THADS tỉnh cho biết, từ nay đến cuối năm, Cục sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả Tổ công tác xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động TDNH, tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc có thể xử lý được. Phối hợp với Ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các tổ chức bán đấu giá tài sản tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý án; phối hợp Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh tìm biện pháp đẩy nhanh tiến độ đo vẽ, xác minh hiện trạng tài sản.

Cũng là địa phương có lượng án TDNH chiếm tỷ lệ lớn về tiền với 75% trong tổng số tiền phải thi hành án, do đó, ngay từ đầu năm 2023, Cục THADS tỉnh Quảng Nam đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động TDNH. Qua đó tập trung giám sát chặt chẽ trên từng hồ sơ vụ việc, đặc biệt là quy trình về thẩm định giá, bán đấu giá tài sản.

Cụ thể, 10 tháng năm 2023, trên toàn tỉnh đã thi hành xong 32 việc, tương ứng với số tiền là 72.596.095.000 đồng, đạt tỷ lệ 17,2% về việc và 9,42% về tiền. Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên vẫn còn tồn tại một số khó khăn do đa số trường hợp người phải thi hành án trong các vụ việc liên quan đến TDNH thông thường đã mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản nên cố tình chống đối việc thi hành án bằng nhiều cách. Nhiều đương sự không nhận quyết định thi hành án, cản trở việc cơ quan THADS xác minh điều kiện thi hành án, cản trở việc kê biên tài sản thi hành án, có hành vi đưa tài sản là động sản đi khỏi địa phương gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc truy tìm tài sản.

Những vụ việc người phải thi hành án là doanh nghiệp, trong quá trình thi hành án hầu như đã ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc người đại diện pháp luật đang chấp hành hình phạt tù hoặc doanh nghiệp có thay đổi người đại diện theo pháp luật dẫn đến có sự cố ý không hợp tác, thường xuyên thay đổi địa chỉ, trốn tránh nhằm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.

Nhiều tổ chức TDNH chưa phối hợp trong việc nhận tài sản bán đấu giá không thành để đối trừ vào khoản được thi hành án theo khoản 2 Điều 104 Luật THADS. Một số trường hợp việc thẩm định nhận thế chấp tài sản chưa chặt chẽ dẫn đến giai đoạn thi hành án khó khăn, kéo dài. Việc không xác định hiện trạng tài sản, không thẩm định nguồn gốc giá trị tài sản hoặc thẩm định cao hơn thực tế gây khó khăn không nhỏ trong quá trình tổ chức thi hành án. Mặt khác, số vụ việc án TDNH tập trung vào một số án có giá trị lớn (vụ SODA hơn 2.944 tỷ đồng, vụ thép Việt Pháp hơn 300 tỷ đồng,…) làm ảnh hưởng đến kết quả thi hành về tiền của toàn tỉnh.

Thời gian tới, Cục THADS Quảng Nam sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ, tuân thủ chặt chẽ quy trình hướng dẫn nghiệp vụ, quy trình tổ chức thi hành án trong hệ thống THADS tỉnh, khắc phục những thiếu sót về chuyên môn nghiệp vụ. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, các vụ việc thi hành án phức tạp, có giá trị phải thi hành lớn, các khoản nợ của các tổ chức tín dụng phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Vướng mắc xử lý bất động sản theo Nghị quyết 42

Còn tại Quảng Ninh, kết quả thi hành án TDNH 10 tháng đầu năm đạt tỷ lệ 21,83% về việc (thấp hơn 4,8% so với cùng kỳ năm 2022) và 18,23% về tiền (cao hơn 11,9% so với cùng kỳ năm 2022).

Cán bộ Chi cục THADS huyện Bình Liêu, Quảng Ninh trao đổi nghiệp vụ (ảnh: Báo Quảng Ninh).

Cán bộ Chi cục THADS huyện Bình Liêu, Quảng Ninh trao đổi nghiệp vụ (ảnh: Báo Quảng Ninh).

Tuy kết quả về tiền đạt tỷ lệ khả quan, song, các cơ quan THADS trong tỉnh vẫn còn gặp vướng mắc khi xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản theo Điều 10 Nghị quyết số 42/2017/QH14. Theo đó, ngoài việc tuân thủ theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm, tổ chức tín dụng và bên nhận chuyển nhượng còn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đầu tư. Điều này dẫn đến thực trạng là sau khi tổ chức tín dụng đưa tài sản bảo đảm là dự án bất động sản ra bán đấu giá công khai và xác định được người trúng đấu giá, nhưng lại không thực hiện được thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho người nhận chuyển nhượng. Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành chưa cao, chây ỳ, chống đối việc xử lý tài sản thế chấp.

Để khắc phục bất cập nêu trên, Cục đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế. Song song với đó, Cục sẽ tăng cường hướng về cơ sở, phân công lãnh đạo Cục trực tiếp phụ trách các địa bàn, chỉ đạo thi hành án các vụ việc thi hành án có số tiền phải thi hành lớn, án trọng điểm, các vụ việc thi hành liên quan đến TDNH, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Là địa bàn có lượng án tín dụng ngân hàng chiếm 5,61% về việc, 65,48% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành, các cơ quan THADS Hậu Giang cho biết việc xử lý tài sản là bất động sản trong các vụ án về TDNH gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc xác định hiện trạng tài sản đến việc xử lý tài sản đảm bảo, trong đó có các loại tài sản thuộc dây chuyền sản xuất, nhà máy Cồn gaz, quyền sử dụng đất của người phải thi hành án tại nhiều địa phương…. khó thẩm định, phải họp bàn cưỡng chế nhiều lần để có sự thống nhất của các cơ quan chuyên môn, các sở ban ngành. Một số vụ việc công ty đo đạc chậm ra lược đồ, các bên đương sự chưa thống nhất trong việc lựa chọn thẩm định giá, bán đấu giá….do vậy kéo dài thời gian tổ chức thi hành án, ảnh hưởng đến kết quả, tỷ lệ thi hành án.

Công tác phối hợp giữa tổ chức TDNH với cơ quan THADS đôi lúc chưa được chủ động, thường xuyên. Có trường hợp ngân hàng đã làm đơn yêu cầu thi hành án nhưng trong quá trình tổ chức thi hành án, ngân hàng tự thu tiền nợ và không thông báo lại cho cơ quan thi hành án biết để phối hợp thu án phí dẫn đến tồn khoản án phí, nhất là vụ việc có giá trị thấp, việc kê biên tài sản tương ứng nợ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, khi phối hợp giải quyết việc thi hành án, ngân hàng cử người tham gia không được ủy quyền, chỉ có giấy giới thiệu tham gia giải quyết vụ việc nên thủ tục chưa đúng theo quy định, không quyết định được vấn đề dẫn đến việc thi hành án khó khăn, bị kéo dài.

Cục THADS Sóc Trăng cũng chỉ ra khó khăn, vướng mắc như: Một số tổ chức TDNH chỉ căn cứ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cho vay mà không xác minh thực tế, cụ thể có trường hợp tài sản thế chấp nhưng trên thực tế người phải thi hành án đã cầm cố cho người khác quản lý, sử dụng từ rất lâu; một vài trường hợp tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nhưng trên đất có mồ mả, nhà ở (không phải tài sản của người thế chấp)…

Một số tổ chức TDNH cho vay theo hình thức thế chấp, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình, nhưng khi ký hợp đồng thế chấp thì một số thành viên hộ không tham gia ký kết, từ đó gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc kê biên, xử lý tài sản.

Vì vậy, 10 tháng năm 2023, trong số việc loại này, các cơ quan THADS Sóc Trăng đã thi hành xong 223 việc có điều kiện, tương ứng với số tiền là 96 tỷ 349 triệu 079 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 26,58% về việc và 11,26% về tiền (tăng 34,34% về việc nhưng giảm 16,33% về tiền so với cùng kỳ năm 2022).

Còn tại Ninh Thuận, quá trình thi hành các vụ việc liên quan đến TDNH được Lãnh đạo Cục THADS đánh giá là cơ bản có sự phối hợp tốt, kịp thời giữa các tổ chức TDNH với cơ quan THADS trong xử lý tài sản đảm bảo thi hành án. Song vẫn còn một số vụ việc liên quan đến TDNH có tài sản đảm bảo nhưng khi xử lý phát sinh nhiều vướng mắc trên thực tế nên việc tổ chức thi hành án còn chậm dẫn đến công tác tổ chức thi hành án hiệu quả chưa cao.

Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Ninh Thuận tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản thi hành án (ảnh Cục THADS Ninh Thuận).

Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Ninh Thuận tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản thi hành án (ảnh Cục THADS Ninh Thuận).

Theo đó, 10 tháng năm 2023, về án TDNH, trên địa bàn có 445 việc phải thi hành, tương ứng với số tiền là 297 tỷ 098 triệu 971 nghìn đồng, chiếm tỷ lệ 7,49 % về việc và 41,9 % về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành. Các cơ quan THADS đã thi hành xong: 44 việc, thu được số tiền là 47 tỷ 526 triệu 859 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 21,36% về việc và 30,50% về tiền.

Để tháo gỡ những vấn đề nêu trên, các cơ quan THADS địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp; tập trung rà soát án tín dụng, ngân hàng, nâng cao hiệu quả phối hợp, xử lý dứt điểm các vụ việc có giá trị tài sản lớn để nâng cao tỷ lệ thi hành án về tiền.

Đọc thêm