'Gỡ khó' cho doanh nghiệp vay vốn

(PLVN) - Sau Hội nghị kết nối ngân hàng (NH) - doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tổ chức Hội nghị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nhằm đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho DN trong vấn đề tiếp cận vốn ngân hàng.
Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Theo báo cáo của NHNN, quý III/2023, các chi nhánh NH, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, như giảm lãi suất cho vay, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển sản phẩm, dịch vụ NH, triển khai nhiều gói vay ưu đãi, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tập trung cho vay sản xuất kinh doanh,...

Đến 31/8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt trên 154 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối 2022. Trong đó tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất (8,87%), chiếm 36,58% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 6,3%, DN nhỏ và vừa (DNNVV) giảm 9,78%. Tín dụng lĩnh vực BĐS giảm 23,79%... Bên cạnh đó, một số chương trình, chính sách tín dụng trên địa bàn đạt kết quả tích cực như cho vay chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tín dụng chính sách ưu đãi qua NHCSXH, cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31,... Ngoài ra, các TCTD đã thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 cho khách hàng trên địa bàn tỉnh là 294 tỷ đồng cho hơn 88 lượt khách hàng.

Trước thực trạng trên, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động triển khai buổi gặp gỡ, đối thoại giữa NH và DN được tổ chức trên địa bàn tỉnh vào tháng 6/2023, góp phần tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ NH đối với người dân và DN trên địa bàn. Kết quả trên cho thấy, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có sự tăng trưởng khá hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Mặc dù toàn ngành NH đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các DN trên cả nước nói chung và trên địa bàn Bắc Ninh nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức…

Chia sẻ tại Hội nghị, nhiều DN cho biết, sau khi có hội nghị kết nối, những buổi làm việc giữa NH và DN, vốn đã bắt đầu “thông” và lãi suất cũng đã được hạ xuống, song DN như người ốm hiện rất khó gượng dậy…

Đại diện Công ty Nam Thắng kiến nghị, mùa vụ cuối năm thường khó khăn trong tiếp cận tín dụng do NH thương có chủ trương siết room. Vì vậy, DN đề xuất cuối năm không nên hạn chế room để hỗ trợ DN, ngoài ra cần cải cách thủ tục hành chính, tăng vay tín chấp, tăng bảo lãnh.

Liên quan thủ tục, đại diện Công ty Huyndai Bắc Ninh cho rằng tài sản thế chấp, thủ tục vay vẫn đang là vướng mắc. Đặc biệt là yêu cầu DN khi vay phải cung cấp báo cáo thuế, báo cáo kiểm toán, trong khi DNNVV thường không đáp ứng được. Bởi vậy, DN kiến nghị tiếp tục tháo gỡ thủ tục cho DN tiếp cận nguồn vốn…

Về phía các NH cũng đang đối mặt với không ít khó khăn do DN khó khăn, tiềm ẩn rủi ro cho cả NH và DN. “Bản thân DN không có phương án kinh doanh khả thi, vay vốn sẽ lại “nợ mới chồng nợ cũ”. NH rất hiểu DN, vì chúng tôi luôn sát cánh với DN, hiểu được những sự khó khăn này, nên chúng tôi phải cân đối. Dù tìm mọi cách đẩy vốn ra, nhưng nền kinh tế không hấp thụ được. Còn về lãi suất, chúng tôi đã giảm rất nhiều. Nếu giảm nữa, NH không những lỗ mà còn rủi ro…”, ông Nguyễn Viết Sáng - Giám đốc NH Liên Việt chi nhánh Bắc Ninh chia sẻ.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà khẳng định, với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, DN, ngành NH sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế nói chung, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng.

Đọc thêm