Sau ròng rã 2 năm với 3 vụ nấu cháo và 6 lần can thiệp tại các công trường thi công không phép để phản đối chính quyền, những người dân tham gia bất ngờ bị khởi tố hình sự, bị bắt tạm giam và đưa ra xét xử...
Từ những câu hỏi lạ lùng ở tòa...
Bị cáo có trả tiền mua xương thịt nấu cháo không?. Bị cáo có gõ trống, gõ kẻng không?. Bị cáo có mặt mấy lần ở sân UBND?. Bị cáo có ăn cháo tại chỗ không?. Bị cáo có hô hào, kích động không?. Bị cáo có khuân vác thanh sắt nào không?... Những câu hỏi lạ lùng được đưa ra đối với 16 bị cáo xuất hiện tại phiên xử phúc thẩm vụ án “nấu cháo tại UBND xã” cho thấy đây có lẽ là vụ án kỳ lạ nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam.
Các bị cáo hầu hết đều không thừa nhận tội danh mà cáo trạng VKSND TP Hà Nội quy kết cho họ. Với câu hỏi “có trả tiền mua xương không”, bị cáo Nguyễn Đình Tạo trả lời “Bị cáo cầm quỹ của nhân dân, nhân dân mua thịt nợ đến cả tuần, người ta đến đòi, tại sao bị cáo không trả được”. Với câu hỏi bị cáo có hô hào tụ tập, có gõ trống không, bị cáo Nguyễn Thị Thi trả lời “Bị cáo là người độc thân, chuyên đi nhặt rác sinh sống, đi ngang qua xã thấy đông người thì rẽ vào. Bị cáo có gõ kẻng chứ không gõ trống, bị cáo cũng chỉ gõ một cái cho vui, không nghĩ gõ kẻng cũng trở thành tội được”.
Với câu hỏi “tại sao bị cáo có mặt đủ 9 lần trong khi vụ việc xảy ra”, bị cáo Vương Chí Diên khẳng định “Bị cáo được cán bộ xã gọi điện đề nghị đến để giải thích với nhân dân, giải tán nhân dân tụ tập đông người vì bị cáo là thành viên của Ban Thanh tra nhân dân, làm việc dưới sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc xã”. Lời khai này của bị cáo Diên cũng trùng với những lời khai của các cán bộ xã nhưng bị cáo Diên vẫn bị quy kết tội danh “gây rối trật tự công cộng”.
Bị cáo Nguyễn Thị Thìn còn giơ bàn tay phải đã bị mất gần hết 3 ngón tay lên cao để HĐXX nhìn kỹ, bị cáo khẳng định “Tôi quá oan, tôi không thể cầm dao thì làm sao chặt được cây. Nếu sự có mặt của tôi ở UBND xã bị coi là tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng thì tôi xin nhận tội này, tôi không thể bị khép tội hủy hoại tài sản và cố ý làm hư hỏng tài sản được vì tôi không làm được việc này”.
“Bị cáo có mang túi đinh ốc vít về không”? Bị cáo Nguyễn Xuân Nhâm khẳng định “Bị cáo có chở túi đinh ốc vít về trụ sở UBND xã. Vì bị cáo đến địa điểm thi công vào giờ trưa, không còn mấy người ở đấy, bị cáo thấy tải đinh vứt chỏng chơ ở đấy nên bị cáo chở về”.
“Bị cáo có khuân vác khung sắt không”? Bị cáo Đinh Thị Lan (SN 1976) trả lời: “Bị cáo thấy đông người cũng ghé vào, thấy bà con vác khuôn sắt, họ có lời nhờ vả, lại toàn người trung tuổi nên bị cáo cũng khuân giúp họ. Bị cáo khuân đến nơi tập kết, có biên bản ghi rõ không có hỏng hóc gì bị cáo mới ra về. Bị cáo còn trẻ, còn khỏe, người già nhờ không nhẽ bị cáo không giúp”?. Đây cũng chính là câu trả lời của bị cáo Đỗ Kim Trọng cho câu hỏi “có kéo bè vào không”...
Những vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra
Trong phần tranh luận nảy lửa giữa đại diện VKSND TP Hà Nội và các luật sư, nội dung được tập trung đông nhất chính là vụ việc diễn ra kéo dài trong khoảng 2 năm nhưng không có bất cứ một bằng chứng vật chất nào được thu nhận. Cơ quan điều tra kết tội bị cáo chỉ bằng những lời khai của nhân chứng. Và nhân chứng là ai? Nhân chứng là cán bộ xã, là công an viên và người nhà của cán bộ, những người đang có quyền lợi đối lập với các bị cáo, những người bị các bị cáo tố cáo về những sai phạm trong quản lý đất đai.
Một luật sư khẳng định, đây là vụ án truy xét. Căn cứ duy nhất buộc tội là các lời khai. Trong khi những lời khai của nhân chứng mâu thuẫn với lời khai của các bị cáo thì việc phải cho tiến hành đối chất là nghĩa vụ của cơ quan điều tra (theo Điều 138 Bộ luật Tố tụng Hình sự) nhưng trong gần 2 năm tiến hành điều tra, xét xử, chưa từng có bất kỳ một lần đối chất nào được tổ chức. Trước luận điểm này của luật sư, đại diện VKSND cho rằng “Không cần tổ chức đối chất vì cần phải bảo vệ nhân chứng”. Ngay lập tức, một luật sư khác đưa ra câu hỏi “Cơ quan điều tra tiến hành bảo vệ nhân chứng, vậy ai sẽ bảo vệ quyền lợi của các bị cáo?
Cả 5 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo đều không thể hiểu nổi, tại sao một vụ việc kéo dài trong 2 năm, bao nhiêu nồi niêu xoong chảo được mang đến UBND xã, bao nhiêu đinh ốc vít bị nhân dân tháo ra nhưng không có bất cứ một vật dụng nào được thu thập làm bằng chứng. Có sự khuất tất gì trong vụ án này?.
Thậm chí, một vị luật sư còn phản kháng mạnh mẽ: Ngay đầu phiên xét xử, bị cáo Thìn đã giơ cả bàn tay phải cho HĐXX xem xét để chứng minh rằng bị cáo không thể cầm dao mà chặt cây được, không thể hủy hoại tài sản được nhưng VKS vẫn khăng khăng buộc tội bị cáo Thìn?. Phiên tòa tổ chức ra là để tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Nhưng liệu có sự thật khách quan nào được làm sáng tỏ nếu không có bất cứ một nhân chứng nào được triệu tập đến tòa, nếu không có bất cứ một người nào có quyền và nghĩa vụ liên quan đến tham dự phiên tòa?
Sau hơn một ngày xét xử, xét thấy yêu cầu kháng cáo của các bị cáo là có căn cứ, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên giảm cho các bị cáo từ 376 tháng tù xuống còn 352 tháng tù. Trong đó, riêng bị cáo Thư (Trưởng ban nhân dân xã) nhận án phạt 10 tháng tù treo.