Góc nhìn pháp lý thú vị về lệnh cấm cho thuê ngắn hạn chung cư

(PLVN) -  Hai tháng trước đây, ngày 27/2/2025, UBND TP HCM ban hành Quyết định 26/2025/QĐ-UBND, quy định việc cho thuê căn hộ chung cư phải “bảo đảm đúng mục đích để ở”, “nghiêm cấm sử dụng vào mục đích lưu trú ngắn hạn theo ngày, giờ”.
Ảnh minh hoạ.

Trước đó, Quyết định này cũng đã được nhiều sở, ngành cho ý kiến tham khảo. Quy định nhận được sự ủng hộ của đông đảo cư dân sống tại các khu chung cư, do lo ngại về an ninh, tiếng ồn và quản lý khi có khách thuê ngắn hạn. Luồng quan điểm ủng hộ là đã là căn hộ chung cư thì không phải là khách sạn. Khách sạn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải đăng ký hoạt động, nộp thuế đầy đủ; tuân thủ các tiêu chuẩn về an ninh, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường; bảo đảm không làm ảnh hưởng đến xung quanh. Căn hộ chung cư nhưng lại vận hành kinh doanh như khách sạn, là vô lý, bất hợp pháp.

Tuy nhiên, Quyết định cũng nhận được phản ứng từ những chủ căn hộ đang cho thuê căn hộ theo hình thức ngày, giờ. Tại một số đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội… đã hình thành nên hàng ngàn người, gọi nôm na là nhà đầu tư, thuê dài hạn hoặc mua căn hộ chung cư để cho thuê theo dạng ngắn hạn. Văn bản mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) liệt kê ra một số khu chung cư có nhiều nhà đầu tư như khu chung cư Vinhomes Central Park cho thuê 4.000 căn hộ; River Gate cho thuê 650 căn hộ; Thảo Điền Masteri, Lumiere cho thuê 400 căn hộ; Saigon Royal cho thuê 250 căn hộ; Millennium cho thuê 350 căn hộ…

Từ thực tế này, HoREA đặt vấn đề hoạt động cho thuê theo ngày, giờ này mang lại nguồn thu nhập ổn định cho chủ nhà; tạo việc làm cho một số người quản lý, phục vụ. Việc cấm cho thuê lưu trú ngắn ngày, theo HoREA sẽ gây thiệt hại nặng nề cho các chủ căn hộ. Chuyển đổi sang cho thuê dài hạn gặp nhiều khó khăn do nguồn cung căn hộ lớn, trong khi nhu cầu thuê ngắn hạn từ khách du lịch và khách vãng lai vẫn cao. HoREA cho rằng mô hình lưu trú ngắn ngày là một xu hướng toàn cầu, góp phần thúc đẩy du lịch và tăng nguồn thu ngân sách. Nếu được quản lý, cấp phép, đây sẽ là cơ hội để TP phát triển ngành du lịch hiện đại, đồng thời hài hòa lợi ích giữa chủ nhà, cư dân, chính quyền.

Góc nhìn pháp lý thú vị trong việc này là ở chỗ lãnh đạo HoREA cho rằng lệnh cấm trên “đang có cách hiểu chưa chính xác về quy định trong Luật Nhà ở 2023 liên quan đến việc cho thuê căn hộ chung cư”. Theo đó, Luật Nhà ở 2023 quy định chủ sở hữu căn hộ có quyền cho thuê dài hạn (theo tháng, năm) hoặc ngắn hạn (theo ngày, tuần…). Luật Cư trú 2013 cũng quy định lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm trong một thời gian nhất định, không phân biệt dài hạn hay ngắn hạn. Vì vậy, HoREA đề nghị thống nhất cách hiểu rằng cả cho thuê dài hạn và ngắn hạn “đều phục vụ mục đích để ở”.

Như đã nói ở trên, Quyết định 26 của UBND TP HCM là đúng về thể thức, thẩm quyền, quy trình ban hành và đã có hiệu lực. Nên có lẽ để làm rõ vấn đề, cần xem xét đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung giải thích cụ thể về khái niệm “sử dụng chung cư vào mục đích để ở” và “sử dụng vào mục đích không phải để ở” để giúp các địa phương thực thi pháp luật thống nhất.

Đọc thêm