Góc nhìn từ đào tạo đại học: Trí tuệ nhân tạo không còn là khái niệm xa vời

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo các chuyên gia, sự phát triển của các công cụ AI tạo ra những phương thức gian lận mới, tinh vi hơn và giáo viên khó có thể phát hiện nếu không được trang bị kiến thức và kỹ năng phù hợp, tạo ra một môi trường học tập thiếu trung thực, không lành mạnh.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đóng vai trò kiến tạo để AI được ứng dụng hiệu quả, bền vững và nhân văn trong giáo dục. (Ảnh minh họa. Nguồn: Elcom)
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đóng vai trò kiến tạo để AI được ứng dụng hiệu quả, bền vững và nhân văn trong giáo dục. (Ảnh minh họa. Nguồn: Elcom)

Khi AI bị lạm dụng

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là khái niệm xa vời. Nó đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi cách chúng ta dạy và học, cách học sinh (HS) tiếp cận tri thức, cách các nhà quản lý giáo dục hoạch định chính sách.

AI mang đến cơ hội to lớn trong việc cá nhân hóa học tập, tăng cường tương tác, hỗ trợ giảng dạy, đánh giá và quản trị giáo dục hiệu quả hơn. Đồng thời, nó cũng đặt ra nhiều thách thức mới về đạo đức, pháp lý, năng lực ứng dụng và đặc biệt là sự công bằng trong tiếp cận công nghệ.

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, khi một công cụ AI ra đời, các nhà thiết kế mong muốn sản phẩm sẽ có ích, trung thực, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến người sử dụng. Tại Việt Nam, có khoảng 15% trường học tại các thành phố lớn đã triển khai ứng dụng AI trong giáo dục, riêng Hà Nội khoảng 25% và TP HCM khoảng 30%. Các môn học ứng dụng AI phổ biến nhất là Toán, Tiếng Anh, Khoa học và Tin học.

Tuy nhiên, thực tế, bên cạnh những tác động tích cực của AI, có thể gặp tác dụng ngược nếu không sử dụng AI đúng cách, trong đó, người dùng nếu phụ thuộc quá mức vào AI có thể trở thành “nô lệ số”. Nguy cơ triệt tiêu những phẩm chất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 như năng lực giải quyết vấn đề, sáng tạo; năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực tự chủ và tự học...

Với giáo viên (GV), nếu phụ thuộc quá mức vào AI để soạn bài giảng, thay vì tự thiết kế và điều chỉnh sẽ làm giảm tính chủ động; giảm khả năng đánh giá khi quá tin tưởng vào AI trong việc chấm điểm và đánh giá HS, bỏ qua những yếu tố quan trọng khác.

Giáo viên cần tuân thủ các quy tắc đạo đức khi sử dụng AI

Hiện có 60% GV chưa tham gia khóa bồi dưỡng về AI. PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, nhà trường đã bắt đầu hướng dẫn GV và tập huấn cho GV để bắt đầu ứng dụng AI trong việc giảng dạy và đã xuất hiện những quan ngại.

Sau thời gian áp dụng, GV trăn trở về việc làm sao để vừa tận dụng được AI nhưng không làm cho sinh viên trở nên lười suy nghĩ và đang có xu hướng phụ thuộc nhiều vào AI. Thậm chí các bạn sinh viên tin tuyệt đối vào những tri thức mà AI mang lại, không có một sự kiểm tra chéo các nguồn thông tin. Trong khi theo lý thuyết thì vẫn có thể là có những ảo giác của AI hoặc là có những định kiến không chuẩn xác.

Thực tế, rất nhiều bài kiểm tra, GV không đánh giá được phần nào là kiến thức của sinh viên và đâu là những kiến thức của các cái thuật toán (AI). GV trở nên hoang mang hơn và không biết được người học có đạt được các năng lực đáp ứng yêu cầu theo chuẩn đầu ra của môn học hay không.

Hiện có những AI mà GV chỉ dùng một lệnh đã soạn ra được cả một khung bài tập cho cả một ngày các thầy cô lên lớp. Trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo, GV sẽ không thể chỉ tập trung vào thiết kế việc dạy học mà phải chuyển sang thiết kế việc học tập, kiến tạo môi trường trải nghiệm cho người học thật thú vị và thúc đẩy học tập suốt đời.

Do đó, theo PGS.TS Trần Thành Nam, GV phải tuân thủ các quy tắc về đạo đức, bảo đảm an toàn cho HS khi sử dụng các công cụ AI, đồng thời phải có trách nhiệm trong việc sử dụng AI. Sử dụng AI để khuyến khích tư duy phản biện, giải quyết các vấn đề phức tạp và sáng tạo trong giảng dạy. GV cần liên tục học hỏi, phát triển kỹ năng và kiến thức về AI để thích ứng với sự thay đổi của công nghệ và giáo dục.

Với mục tiêu thúc đẩy đổi mới giáo dục thông qua AI và đóng góp vào sự phát triển của giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Đại học RMIT Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn quốc gia về đổi mới sáng tạo giáo dục với trí tuệ nhân tạo vào các năm 2025 và 2026.

Sau lễ phát động ngày 9/4, các hoạt động diễn ra trong năm 2025 gồm: Hội thảo về triển khai ứng dụng AI trong giáo dục hiện nay, thực trạng và giải pháp; Chương trình tập huấn chuyên đề về ứng dụng AI trong dạy và học; Tập huấn trực tuyến toàn quốc; Tập huấn trực tiếp cho cán bộ quản lý và GV cốt cán khối mầm non và phổ thông; Tập huấn trực tiếp kết hợp trực tuyến dành riêng cho cán bộ quản lý và giảng viên cốt cán khối đại học; Cuộc thi Quốc gia về Ứng dụng AI trong Giáo dục; Ngày hội Giáo dục Việt Nam về đổi mới AI.

Ông Vũ Minh Đức cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và đồng hành trong việc xây dựng chính sách, khung pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi để AI được ứng dụng hiệu quả, bền vững và nhân văn trong giáo dục.

Đọc thêm