Góc nhìn từ vụ án 3 thanh niên cướp tài sản tại TP Từ Sơn: Báo động tình trạng tội phạm trẻ hóa

(PLVN) - Công an thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 thanh niên tuổi từ 16 đến 17 tuổi về tội Cướp tài sản.
3 thanh niên tại cơ quan công an (Ảnh: CATP Từ Sơn)

Theo đó, ba bị can bị khởi tố là Đàm Thanh Đạt; Trương Thành Đạt 17 tuổi và Lại Quang Long, 16 tuổi, cùng ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Công an thành phố Từ Sơn cho biết, sau khi nhận được tin báo, đơn vị đã nhanh chóng vào cuộc và làm rõ hành vi của các đối tượng được xác định hoạt động vào khoảng thời gian từ 1h đến 2h , các đối tượng điều khiển xe máy không biển kiểm soát lang thang tại các khu vực vắng vẻ trên địa bàn thành phố Từ Sơn. Khi phát hiện có người đi một mình, các đối tượng điều khiển xe áp sát, dùng dao phóng lợn đe dọa rồi chiếm đoạt tài sản và bỏ chạy.

Với thủ đoạn trên, trong 3 ngày từ 3/2 đến 6/2/2023, các đối tượng đã gây ra 7 vụ cướp tài sản trên địa bàn thành phố Từ Sơn và thành phố Hà Nội. Số tiền cướp được, chúng chia nhau tiêu xài và chơi game online.

Hiện Công an thành phố Từ Sơn đang tiếp tục đấu tranh, điều tra mở rộng vụ án.

Trao đổi với PLVN, TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, trên thực tế, thời gian qua cho thấy, không chỉ riêng TP Hà Nội hay tỉnh Bắc Ninh mà tại một số địa phương khác, các đối tượng phạm tội đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp.

“Qua thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm nghiên cứu về phòng ngừa tội phạm trong thời gian qua chúng tôi thấy rằng tỷ lệ người dưới 18 tuổi phạm tội ngày càng gia tăng. Những con số thống kê cho thấy đây là tình trạng đáng lo ngại và báo động. Không những số người dưới 18 tuổi phạm tội gia tăng mà còn đáng lo ngại là tính chất, mức độ hành vi phạm tội của nhóm người dưới 18 tuổi hiện nay rất tàn nhẫn. Phạm tội theo kiểu băng ổ nhóm, có sự cấu kết chặt chẽ, ra tay tàn độc để sát hại nạn nhân, cướp tài sản, hiếp dâm và các hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng khác”, Luật sư Cường nêu quan điểm.

Về nguyên nhân, Luật sư Cường cho rằng phải kể đến hiện tượng học sinh bỏ học sớm rồi cấu kết thành các băng nhóm tội phạm. Các học sinh phổ thông trung học, phổ thông cơ sở giao lưu với nhóm bạn xấu rồi tổ chức đua xe, đánh nhau, gây mất an ninh trật tự. Có rất nhiều trường hợp tạo thành các nhóm sẵn sàng đòi nợ thuê, đánh nhau, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và thực hiện nhiều hành vi gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội

Đặc biệt là ở các thành phố lớn hoặc các khu vực gần trung tâm công nghiệp thì tình hình an ninh trật tự lại càng phức tạp. Khi mà các phụ huynh mải bận lo công việc, thiếu sự quan tâm giáo dục, ở độ tuổi vị thành niên các em dễ bị lôi kéo, bị kích động, dụ dỗ để tham gia vào các hoạt động có tính chất tiêu cực, đua đòi, sa ngã.

Ở độ tuổi thanh thiếu niên, về mặt tâm sinh lý có những thay đổi nhanh chóng, trong khi đó không phải cha mẹ nào cũng có thể nói chuyện, chia sẻ được nhiều vấn đề đối với con mình ở độ tuổi này. Thậm chí có những cha mẹ do bận rộn hoặc vì lý do tâm lý mà gần như không có sự kết nối với con cái, dẫn đến các em tự do sa đà vào các hội nhóm trên mạng xã hội và chơi bời với bạn xấu dẫn đến việc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là quan hệ tình dục sớm, sử dụng trái phép chất ma túy, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thậm chí cướp tài sản và giết người.

Theo LS Cường, trước đây, khi sửa đổi bộ luật hình sự 2015 thì cũng có một số ý kiến cho rằng cần hạ tuổi chịu trách nhiệm hình sự với lý do hiện nay có những em bé 12 tuổi đã có thể thực hiện những hành vi giết người, cướp tài sản, hiếp dâm hoặc những hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng khác... Ông cho rằng hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự không phải là giải pháp tích cực để đấu tranh phòng chống tội phạm, cũng không phải là vấn đề quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Việc xác định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự không chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của nhà làm luật mà còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố đạo đức, văn hóa, truyền thống lịch sử, thực tiễn thông lệ quốc tế... Và các yếu tố khác có tác động đến chính sách hình sự. Việc đấu tranh phòng chống tội phạm không chỉ căn cứ vào hình phạt, lệ thuộc vào bộ luật hình sự mà giải pháp là tăng cường các giải pháp phòng ngừa.

Đọc thêm