Góp ý cho Kỳ tuyển sinh Đại học, cao đẳng năm 2025: Nên loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam vừa có kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về giải pháp bảo đảm tính đồng bộ giữa nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT 2018), việc triển khai thực hiện chương trình, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH từ năm 2025.
Tuyển sinh năm 2025 có nhiều thay đổi theo CTGDPT 2018. (Ảnh minh họa: PV)
Tuyển sinh năm 2025 có nhiều thay đổi theo CTGDPT 2018. (Ảnh minh họa: PV)

Còn một số hạn chế, bất cập

Năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ theo CTGDPT 2018. Phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo CTGDPT 2018 gồm 4 môn, 2 môn Toán và Ngữ văn là bắt buộc và 2 môn học sinh (HS) lựa chọn trong các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ cho rằng, số môn thi và việc HS biết trước môn thi hoàn toàn giống với thi THPT cách đây hơn 40 năm. Tuy nhiên, việc thi 4 môn năm 2025 có điểm đặc biệt mới với 36 cách lựa chọn các môn thi, thay vì 4 tổ hợp như trước đây. Nếu tổ chức thi theo từng môn thi độc lập, điều này khiến cho kéo dài thời gian thi, tăng nguy cơ rủi ro do lộ đề và gây khó khăn cho các trường phổ thông trong công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Hơn nữa, việc thiết kế phương án thi, trong đó tất cả các môn thi lựa chọn đều thi trong thời gian 50 phút sẽ khó đánh giá được đúng năng lực của người học và đặc biệt có thiết kế 40% câu hỏi lựa chọn đúng sai càng làm tăng khả năng “đoán mò” của thí sinh. Dẫn đến độ giá trị và tính phân loại của đề thi các môn là không tốt.

Cùng đó, sự chênh lệch giữa Chương trình giáo dục thường xuyên và CTGDPT 2018 với sự khác nhau ở mỗi môn học trong chương trình từ 20 - 30% điều này sẽ gây mất công bằng cho 2 nhóm thí sinh (TS) do trong dự thảo đã quy định phải thi cùng 1 loại đề thi như nhau. Tăng thời gian làm bài của các bài thi môn lựa chọn và có giải pháp hạn chế khả năng “đoán mò” trong dạng thức câu hỏi đúng, sai (chiếm tới 40% số điểm của mỗi môn thi) để đánh giá hết các năng lực của người học. Bởi thế, khi vẫn còn duy trì thi trên giấy Bộ GD&ĐT chỉ tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo 4 tổ hợp truyền thống A, B, C, D như trước đây.

Phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chịu ảnh hưởng của CTGDPT 2018 sẽ hạn chế các khối xét tuyển truyền thống do việc học môn lựa chọn và thi chỉ được dự thi 2 môn lựa chọn. Ngoài ra, việc xây dựng đề thi có độ giá trị và tính phân loại chưa cao của các môn lựa chọn, cũng như với khả năng “đoán mò” tăng lên trong 40% số điểm của mỗi bài thi sẽ là một bất cập lớn đối với các trường cần có sự phân hóa cao trong tuyển sinh.

Một số phương thức tuyển sinh của một vài trường ĐH chưa bảo đảm chất lượng đầu vào cho ngành học cần các năng lực đặc thù ở cấp THPT để học tập thành công ở bậc ĐH, dẫn đến sau khi học sẽ có nhiều sinh viên không đáp ứng yêu cầu của ngành học phải bỏ học, thôi học, gây lãng phí nguồn lực cho người học và cho xã hội. Thậm chí, một vài trường ĐH lại đưa ra vô số phương thức tuyển sinh “lạ”, phi truyền thống.

Phương thức xét tuyển bằng học bạ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá chất lượng đầu vào của xét tuyển ĐH do cách đánh giá xếp loại ở cấp THPT và cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT có lấy kết quả học tập 3 năm cấp THPT, dẫn đến điểm học bạ của TS sẽ có độ tin cậy chưa cao, chưa đảm bảo tính công bằng giữa các TS các trường THPT, các tỉnh, thành phố khác nhau.

Kiên quyết loại bỏ các tổ hợp lạ

Dự thảo về quy định xét tuyển sinh từ năm 2025 còn nhiều ý kiến tranh luận liên quan đến tính khoa học và tuân thủ theo quy định của pháp luật ở các quy định về chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung. Ngoài ra, còn có quy định rất bất cập về việc điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

Theo đó, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ kiến nghị Bộ GD&ĐT cần quy định về đánh giá chất lượng của các phương thức tuyển sinh của các trường ĐH theo kết quả học tập của sinh viên và chuẩn đầu ra theo các phương thức tuyển sinh để kiểm soát chất lượng. Loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào... Đồng thời, cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại đi các tổ hợp “lạ”.

Bộ nên hạn chế hoặc loại bỏ các phương thức tuyển sinh dễ dãi, không đánh giá đúng thực chất chất lượng đầu vào. Có quy định các ĐH, trường ĐH cần có tỉ lệ hợp lý cho phương thức tuyển sinh bằng xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo tính công bằng cho các đối tượng khó khăn trong điều kiện tham gia dự thi các chứng chỉ quốc tế và các kỳ thi riêng của các ĐH, trường ĐH tổ chức.

Ngoài ra, cần làm rõ cơ sở khoa học để các ĐH, trường ĐH thực hiện quy định theo dự thảo quy chế tuyển sinh từ năm 2025 về nội dung chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

Cùng đó, Bộ GD&ĐT đánh giá sự phù hợp của các kỳ thi riêng do các ĐH, trường ĐH tổ chức để đảm bảo không vượt quá chương trình học của HS cấp THPT để giảm thiểu tình trạng học thêm, dạy thêm. Đồng thời, công nhận các kết quả đánh giá năng lực của các trường đại học tổ chức nếu có sự đối sánh tương đồng về năng lực đánh giá của các môn học để miễn thi các môn thi tốt nghiệp THPT cho các TS có ngưỡng điểm đảm bảo theo yêu cầu của quy định (tương tự như đang miễn thi môn ngoại ngữ khi TS có chứng chỉ đạt chuẩn theo quy định) để giảm áp lực thi cử cho HS.

Đọc thêm