Góp ý kiến dự thảo Đề án “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”

(PLO) - Quân uỷ Trung ương vừa tổ chức Hội nghị góp ý kiến vào Đề án “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Đề án “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng” nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ” được Ban Chấp hành Trung ương Đảng triển khai xây dựng. Quá trình xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo đã tổ chức khảo sát tại 11 tỉnh, thành phố; 4 bộ, ngành Trung ương; lấy ý kiến các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương, một số cơ quan nghiên cứu ở Trung ương. 

Đề án nêu rõ: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng và xác định đây là nhiệm vụ then chốt. Sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đều ban hành các chủ trương, nghị quyết về công tác xây dựng Đảng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt được một số kết quả quan trọng. Đảng ta luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới; xây dựng Cương lĩnh, đường lối đúng đắn, sáng tạo, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Để nâng cao năng lực và sức chiến đấu, Đảng ta đã thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, coi trọng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực và những thành tựu đạt được, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm.

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm... trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp không những chưa được đẩy lùi, ngăn chặn mà có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng hơn. Việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; công tác cán bộ còn nhiều khuyết điểm, bất cập; nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp...

Từ đánh giá, nhận định đó, phạm vi của Đề án tập trung nghiên cứu, xác định các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả 10 nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng; xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; đồng thời chỉ rõ phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI.

Bám sát sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Đề án, các đại biểu đã thảo luận, phân tích làm rõ và tham gia ý kiến các vấn đề được đề cập trong Đề án một cách toàn diện. Trong đó, tập trung 4 vấn đề: xây dựng Đảng về đạo đức; đánh giá biểu hiện, tình hình suy thoái và biện pháp; đánh giá vấn đề tự diễn biến, tự chuyển hóa trong Đảng và giải pháp; mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Nhất trí cao với 5 nhóm giải pháp được đề cập trong Đề án, nhiều đại biểu cho rằng cần tăng cường sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Kết luận hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc của các đại biểu. Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh. Ban Chỉ đạo Đề án sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành nhằm đánh giá cho đúng tình hình suy thoái; nhận diện và ngăn chặn tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để đề ra biện pháp cụ thể, phù hợp trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.

Đọc thêm