Góp ý Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -TP Hà Nội đang đẩy nhanh hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô). Góp ý về Dự thảo Quy hoạch, các chuyên gia cho rằng, TP Hà Nội cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, phát triển xanh, thân thiện với môi trường và chuyển sang giai đoạn phát triển kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo, kinh tế số.
GS.TS Hoàng Văn Cường. (Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân)
GS.TS Hoàng Văn Cường. (Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân)

Nâng cao chất lượng thể chế quản trị

PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Kế hoạch và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để tiếp tục tăng trưởng cao, thể hiện vai trò dẫn dắt trong tương lai, TP Hà Nội cần đổi mới mô hình tăng trưởng. “Mô hình tăng trưởng của Hà Nội trong thời gian tới cần dựa vào những trụ cột chính như khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo, dựa vào kinh tế số và nền tảng phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là cần dựa vào việc nâng cao chất lượng thể chế quản trị”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn nhận định.

Bởi theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn, thể chế tốt sẽ dẫn đến thuận lợi trong thực hiện các đột phá tiếp theo như thu hút nguồn nhân lực, nhân tài chất lượng cao; thu hút nguồn vốn đầu tư cho kết nối hạ tầng vùng Thủ đô, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng công nghệ khác. Đánh giá cao khâu đột phá chất lượng thể chế quản trị đã được nêu trong định hướng Quy hoạch Thủ đô, PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị, về thể chế quản trị, cần đặc biệt chú trọng tới các quy định đặc thù vượt trội trong Luật Thủ đô.

Có chung quan điểm, TS Nguyễn Kim Hoàng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất, để phát triển TP Hà Nội bền vững trong thời gian tới cần tập trung vào một số nhóm giải pháp như tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, chính sách đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, ổn định, cụ thể, minh bạch, nâng cao hiệu quả thực thi chính sách. Phát triển nguồn nhân lực, KHCN, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại…

Cần sự tham gia rộng rãi của người dân

TP Hà Nội đang triển khai lấy ý kiến đối với Dự thảo Quy hoạch Thủ đô. (Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị)

TP Hà Nội đang triển khai lấy ý kiến đối với Dự thảo Quy hoạch Thủ đô. (Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị)

Trong khi đó, nhóm các chuyên gia của Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, hợp tác trường đại học - doanh nghiệp là bài học thành công của rất nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển. Đây là một trong những giải pháp để Hà Nội đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy KHCN cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội.

“Kỳ vọng Hà Nội đạt được mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 30%, đến năm 2030 đạt khoảng 40%; năng suất lao động bình quân đến năm 2025 đạt 7 - 7,5%, đến năm 2030 đạt 7,5% chỉ có thể đạt được khi phát triển mạnh mẽ KHCN và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tạo động lực phát triển mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô”, các chuyên gia nêu quan điểm.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân - đơn vị đứng đầu liên danh 7 đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô - cho biết, lập Quy hoạch Thủ đô là một dự án lớn, gồm rất nhiều đầu việc khó, lại phải hoàn thành trong thời gian tương đối khẩn trương. Tuy nhiên, chính quyền TP có sự quyết tâm rất lớn, luôn đồng hành cùng với các đơn vị tư vấn trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, liên danh tư vấn đã hoàn thành được phương án đề xuất ban đầu, nêu được các định hướng, ý tưởng lớn cho phát triển Thủ đô.

Cũng theo GS.TS Hoàng Văn Cường, vì lập Quy hoạch Thủ đô là vấn đề lớn, có nhiều yếu tố phức tạp do lần đầu thực hiện theo phương pháp tích hợp nên để Quy hoạch đạt chất lượng, rất cần sự tham gia rộng rãi của nhiều tổ chức, người dân. “Đặc biệt, những người thực hiện phải biết gạt bỏ những yếu tố ràng buộc vì lợi ích của cá nhân, lợi ích nhóm mà phải đứng trên góc độ lợi ích toàn cục, vì sự phát triển của Thủ đô, bộ mặt, hình ảnh của cả quốc gia”, GS.TS Hoàng Văn Cường nói.

Đọc thêm