GS.TS.Nguyễn Lân Dũng: Không nên nương nhẹ với học sinh phạm luật

Nếu không giáo dục ngay từ hôm nay thì làm sao có được những con người như Bác Hồ nói là “Muốn có chủ nghĩa xã hội thì phải có những con người xã hội chủ nghĩa”. Con người xã hội chủ nghĩa mà từ bé đã có thói quen bạo lực học đường thì không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Đó là quan điểm ứng xử của GS.TS. Nguyễn Lân Dũng với thiểu số các “đại ca”, “đại tỷ” đóng vai “đại bàng” trong học đường. Cũng theo nhà giáo kiêm đại biểu quốc hội đáng kính này, “con người xã hội chủ nghĩa mà từ bé đã có thói quen bạo lực học đường thì không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng

Báo PLVN trân trọng giới thiệu tới bạn đọc ý kiến của GS.TS.Nguyễn Lân Dũng về vấn nạn bạo lực học đường.

“Gần đây, những vụ bạo lực học đường được dư luận bức xúc và lên tiếng rất nhiều. Buồn là nó có ở khắp nơi, không phải là ở một thành phố, một tỉnh mà thành phố nào, tỉnh nào cũng có những chuyện như thế.

Trong năm 2009 đã có 9.000 vụ phạm tội do học sinh, sinh viên và thanh niên gây ra, đấy là con số không nhỏ. Những vụ việc mà học sinh đánh hội đồng hay là những hành vi bắt nạt nhau bằng vũ lực cũng ngày càng gia tăng.

Tôi có theo dõi việc khảo sát tại hai trường phổ thông trung học ở Hà Nội thì có đến 96,7% học sinh trả lời là có hiện tượng nữ sinh đánh nhau trong trường. Trong đó, 44,7% cho là rất thường xuyên, 38% cho là thường xuyên, và 45% cho đó là chuyện bình thường.

Báo Pháp luật TP.HCM đưa ra con số rất đáng suy nghĩ, đó là những hành vi bạo lực đó có 63% do ảnh hưởng không tốt từ gia đình. Trong đó, 46% do cha mẹ bận rộn mà không quản lý, quan tâm, chăm sóc đến trẻ em, 4% do cha mẹ nêu gương xấu, 9% do cha mẹ nuông chiều và 4% do cha mẹ tạo nên những chấn thương về tâm lý.

Tôi thiết nghĩ, với trẻ em, đạo đức là chuyện phải được uốn nắn hàng ngày trong gia đình, trong trường học và ngoài xã hội. Con cái những gia đình có gia phong nền nếp không thể có thói quen nói tục, hỗn láo..., càng không thể có những hành vi bạo lực với bè bạn. Đấy phải là một quá trình rèn luyện mà bố mẹ phải thường xuyên chú ý nhắc nhở, khuyên bảo, răn đe... với con em từ nhỏ cho đến tuổi trưởng thành.

Nhà tôi có tám anh chị em, bố mẹ tôi chưa bao giờ đánh con cái một cái nào, không có hình phạt gì mà chỉ có khuyên bảo, vậy mà tám anh chị em chúng tôi đều hòa thuận và thành đạt. Thế hệ chúng tôi cũng học tập bố mẹ, cũng không bao giờ đánh mắng mà chỉ khuyên nhủ, động viên con cái.

Tôi nghĩ lại, thời chúng tôi đi học không hề có những chuyện bạo lực. Tại sao? Bởi vì thầy cô giáo là những tấm gương mẫu mực. Vì chúng tôi học cho mình, cố gắng vượt qua mọi khó khăn để học lấy chữ, để có thể đóng góp cho đời. Như vậy thì làm sao có chuyện học sinh, sinh viên không học hành, lang thang, đánh nhau? Môi trường giáo dục lành mạnh là học sinh lành mạnh.

GS.Ngô Bảo Châu - học sinh khóa đầu tiên của Trường Thực nghiệm Giảng Võ có nói rằng GS.Ngọc Đại không dạy anh toán, nhưng dạy anh phương pháp tư duy, ham muốn học tập, ham muốn tiến bộ. Và tôi nghĩ trong cải cách giáo dục, nên lấy phương châm “Dạy người cần trước dạy chữ”, “Dạy người kết hợp với dạy chữ”. Và cần nâng cao hơn nữa sự giám sát của nhà trường đối với những học sinh cá biệt.

Tôi đồng ý với ý kiến của nhiều giáo viên cho rằng không nên nhân đạo bằng cách nương nhẹ đối với những học sinh vi phạm pháp luật. Bởi vì nhân đạo với một thiểu số đó tức là không nhân đạo với số đông học sinh.

Học sinh bị ảnh hưởng rất lớn từ những mầm mống bạo lực trong xã hội. Từ bạo lực trên sân cỏ như cầu thủ đánh nhau, cầu thủ chửi trọng tài, đến bạo lực trong kinh doanh như chèn ép nhau, cạnh tranh nhau không lành mạnh, kèn cựa nhau, nói xấu nhau, rồi ảnh hưởng của game online, phim bạo lực, internet không lành mạnh, ảnh hưởng của việc chat chit, yêu đương trên mạng, học sinh cấp hai vào nhà nghỉ với bạn gái...

Xã hội không lành mạnh sẽ tác động đến học sinh. Các em đến tuổi dậy thì, có sự thay đổi về tâm lý đó là muốn chứng tỏ bản lĩnh, muốn chứng tỏ quyền lực của mình cho nên bắt nạt được bạn thì thấy thú vị. Từ bắt nạt nhỏ đối với những người không cho mình cóp bài, đến việc có thể gây án mạng chỉ vì mâu thuẫn băng nhóm.

Điều đáng lo ngại là sự vô cảm của những học sinh, sinh viên chứng kiến các vụ việc bạo hành. Một lý do dẫn đến thái độ đó là tâm lý sợ bị trả thù khi tham gia vào việc can ngăn. Thứ hai nữa là coi việc đánh đấm nhau là chuyện bình thường, không thấy đấy là xấu xa, thậm chí còn cổ vũ và tỏ ra thích thú. Bất ổn xã hội làm cho bọn trẻ coi chuyện tai nạn giao thông là bình thường, cũng như đánh nhau là chuyện bình thường.

Sự ổn định của xã hội, bao gồm cả sự nghiêm minh của pháp luật, sự gương mẫu của người lớn và tránh các tác động có hại trong thời đại thông tin. Văn hóa nhường nhịn và Văn hóa kỷ cương sẽ giúp cho sự bình ổn của trật tự xã hội.

Nếu làm tốt chuyện giáo dục học đường, dạy chữ đồng thời phải dạy người, quản lý xã hội tốt, quản lý gia đình tốt thì đương nhiên hành vi bạo lực học đường sẽ giảm. Và điều đó không khó nếu chúng ta đều quyết tâm thực hiện.

Tại Đại hội Đảng lần thứ XI, tôi nghĩ rằng các đại biểu tham dự Đại hội Đảng rất cần phải quan tâm tới chuyện này, bởi vì thế hệ học sinh hôm nay là thế hệ chủ lực của năm 2020, khi đất nước chúng ta trở thành một nước công nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại.

Nếu không giáo dục ngay từ hôm nay thì làm sao có được những con người như Bác Hồ nói là “Muốn có chủ nghĩa xã hội thì phải có những con người xã hội chủ nghĩa”. Con người xã hội chủ nghĩa mà từ bé đã có thói quen bạo lực học đường thì không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Theo tôi, rất đáng quan tâm chuyện này nhưng cũng đừng thổi phồng lên quá mức, gây ra hoang mang trong dư luận xã hội”./.

Thu Hồng (ghi)

Đọc thêm