![]() |
Khai trương cổng thông tin du lịch tỉnh Hà Nam. |
Chuyển đổi số - Động lực tăng trưởng bền vững
Xác định phát triển mạnh kinh tế số là nhiệm vụ quan trọng, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh, thời gian qua, Hà Nam đã không ngừng đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Việc triển khai hiệu quả các đề án chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đã tạo cú hích mạnh mẽ, giúp Hà Nam đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) lên đến 10,93% - một con số ấn tượng, đưa tỉnh vào nhóm có mức tăng trưởng cao nhất cả nước.
Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn đã có đường truyền cáp quang, internet cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố; 100% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G. Thời điểm này, các nhà mạng đang tập trung triển khai phủ sóng mạng 5G tại khu vực trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, khu, cụm công nghiệp của tỉnh.
Dự kiến, trong năm 2025 sẽ triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó giúp doanh nghiệp, người dân truy cập internet và truyền tải dữ liệu nhanh hơn. Đây chính là hạ tầng số quan trọng để Hà Nam đẩy nhanh chuyển đổi số, trong đó có kinh tế số.
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai hai sàn thương mại điện tử chính là buudien.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và sàn thương mại điện tử Hà Nam của Sở Công Thương. Theo Hệ thống theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông (tmdt.mic.gov.vn), tính đến nay, Hà Nam đã ghi nhận 15.362 giao dịch trên sàn, với 92.811 tài khoản hoạt động, 69.747 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn, 89.650 hộ được đào tạo kỹ năng số và 3.313 sản phẩm được đưa lên sàn.
Bí quyết thành công của Hà Nam
Thành tựu này không đến một cách ngẫu nhiên mà là kết quả của chiến lược bài bản và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh. Hà Nam đã tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và hoàn thiện hạ tầng viễn thông, đảm bảo kết nối thông suốt.
Hằng năm, UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nguồn ngân sách Trung ương. Trong đó có chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, bao gồm hỗ trợ kinh phí tư vấn và hỗ trợ kinh phí thuê, mua giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chương trình này ước tính là 2.697 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh còn tiên phong trong việc số hóa các thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công nhanh chóng, hiệu quả.
Hà Nam cũng đã triển khai mạnh mẽ các chính sách thuế điện tử với 100% doanh nghiệp đang hoạt động tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 99% doanh nghiệp đã thực hiện nộp thuế điện tử với ngân hàng và 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh còn triển khai Chương trình "Hoá đơn may mắn" để khuyến khích người dân hình thành thói quen lấy hoá đơn khi mua hàng hoá, dịch vụ.
![]() |
Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển xã hội |
Tầm nhìn và khát vọng vươn xa
Lọt vào top 10 tỉnh, thành phát triển kinh tế số không chỉ là cột mốc đáng tự hào mà còn mở ra cơ hội để Hà Nam tiếp tục vươn xa. Hà Nam phấn đấu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 25-30% GDP. Đến năm 2045, Hà Nam trở thành tỉnh phát triển, thu nhập cao, kinh tế số đạt 40% GDP, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đồng thời, tỉnh cũng đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút thêm các tập đoàn công nghệ, phát triển các mô hình kinh tế số đột phá nhằm duy trì đà tăng trưởng và khẳng định thương hiệu Hà Nam trên bản đồ kinh tế số Việt Nam.
Để đạt mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông tin về cơ chế, chính sách pháp luật và các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; phối hợp với các đơn vị, cơ quan có liên quan tập huấn, phổ cập kỹ năng số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực đạt mức độ chuyển đổi số cao để hình thành các doanh nghiệp số; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website, tham gia các chương trình tập huấn về chuyển đổi số, thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến.
Bên cạnh đó, Sở Công thương sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án về phát triển thương mại điện tử; xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho một số sản phẩm của tỉnh; đào tạo phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, trong đó ưu tiên tập trung cho ngành điện lực nhằm tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Với những bước đi chiến lược và sự quyết tâm không ngừng, Hà Nam đang khẳng định rằng: chuyển đổi số không chỉ là xu thế, mà chính là tương lai, là con đường tất yếu để bứt phá và phát triển bền vững.