Hà Nội: Bài học xương máu trong cuộc đấu với tội phạm có tổ chức

(PLO) -Dù đã giảm về số lượng và không còn manh động, trắng trợn, công khai lộng hành như những năm trước song hoạt động của tội phạm có tổ chức trên địa bàn thủ đô Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp, với những phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Nhiều băng nhóm hoạt động trong thời gian dài, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây nguy hại cho xã hội. Trong khi đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này.
Nhiều loại súng với hàng trăm viên đạn của một ổ nhóm tội phạm có tổ chức đã bị CATP Hà Nội thu giữ
Nhiều loại súng với hàng trăm viên đạn của một ổ nhóm tội phạm có tổ chức đã bị CATP Hà Nội thu giữ

Đấu tranh bài bản

Có thể hiểu, băng nhóm tội phạm có tổ chức có số lượng thành viên từ 3 người trở lên, liên kết với nhau trong một thời gian nhất định để thực hiện tội phạm. Cấu trúc của tổ chức có 2 cấp, gồm tên cầm đầu và các thành viên trực tiếp thực hiện tội phạm. Đối tượng hoạt động mang tính chuyên nghiệp với động cơ phạm tội là vụ lợi.

Tội phạm có tổ chức luôn là vấn đề nóng bỏng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự. Loại tội phạm này có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có tính tổ chức cao, gây nên những hậu quả nghiêm trọng cả về tính chất và mức độ phạm tội, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự và dư luận xã hội. Đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này đòi hỏi một lực lượng nghiệp vụ sắc bén và sự quả cảm, mưu trí, đủ mạnh.

Theo nhận định của Công an TP Hà Nội, tội phạm có tổ chức trên địa bàn thủ đô có lúc hoạt động phức tạp, nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng về mức độ, tính chất và số lượng. Tuy nhiên, từ tháng 1/2014 đến nay, thực hiện kế hoạch đấu tranh với tội phạm có tổ chức của Bộ Công an và Công an Hà Nội, tình hình tội phạm đã bước đầu được kiềm chế, đẩy lùi.

Quán triệt phương châm “phòng ngừa từ trong trứng”, Công an thành phố đã kịp thời phát hiện những băng nhóm tội phạm mới manh nha hình thành để đấu tranh triệt phá, làm tan rã, vô hiệu hóa. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Công an thành phố và các đơn vị của Bộ Công an, Công an các tỉnh thành cũng như các cơ quan tố tụng trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức được duy trì và đã phát huy hiệu quả…

Cụ thể, các lực lượng của Công an Hà Nội đã trực tiếp đấu tranh, triệt phá 237 băng nhóm tội phạm có tổ chức, xử lý 960 đối tượng. Trong đó, đã triệt xóa được một số ổ nhóm tội phạm do các đối tượng lưu manh cộm cán cầm đầu; một số băng nhóm tội phạm có sự cầm đầu, tham gia của các đối tượng tỉnh ngoài, người nước ngoài… Phạm pháp hình sự trên địa bàn thành phố cũng được kiềm chế và kéo giảm khi số vụ trọng án giảm chỉ còn hơn một nửa so với 3 năm liền trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này. Dù đã rà soát, lên danh sách các băng ổ nhóm tội phạm có tổ chức, song Công an Hà Nội vẫn chưa có nhiều đối sách để áp dụng đấu tranh, do vậy, vẫn tồn tại hơn 30 băng nhóm trên địa bàn Thủ đô với khoảng trên 150 đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm pháp hình sự.

Điển hình, tại địa bàn các huyện như Ứng Hòa, Phúc Thọ, Chương Mỹ, dù tình hình hoạt động của các ổ nhóm tội phạm có tính tổ chức rất phức tạp và có nhiều đơn thư tố cáo của quần chúng nhân dân, song tại đây vẫn chưa triệt phá được băng nhóm nào.

Việc triệt xóa các băng nhóm tội phạm có tổ chức thời gian qua chủ yếu là các băng nhóm mang tính đơn giản, việc đấu tranh với các băng nhóm có tổ chức cao hiệu quả khá hạn chế, nhất là các tổ chức tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, ma túy và môi trường...

Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, nhiều kinh nghiệm “xương máu” đã được rút ra trong thực tiễn đấu tranh với tội phạm có tổ chức.

Theo đó, một trong những kinh nghiệm được rút ra cho thấy, muốn xóa bỏ các điều kiện để hình thành băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động phức tạp, các băng nhóm “xã hội đen”, cần thực hiện đúng phương châm “Cắt ngọn, tỉa cành, chặt gốc, đào rễ”. Nếu để chúng hình thành, đủ mạnh, thì việc đấu tranh với chúng sẽ khó khăn hơn rất nhiều và lúc đó nguy hại đến tính mạng của người dân.

Cũng theo Đại tá Dương Văn Giáp, cần phải củng cố chặt chẽ hồ sơ, hành vi của từng đối tượng để tìm cách bóc tách, triệt phá từng phần rồi triệt phá cả băng nhóm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn hình thành các băng nhóm mới; kiềm chế, không để các băng nhóm hiện hành mở rộng địa bàn hoạt động, thu nạp đối tượng làm phức tạp tình hình. Đồng thời, đấu tranh phải triệt để, quyết liệt, không có ngoại lệ và rào cản.

Cuộc chiến còn nhiều cam go

Dù đã giảm về số lượng và không còn manh động, trắng trợn, công khai lộng hành như những năm trước, song hoạt động của tội phạm có tổ chức trên địa bàn Thủ đô vẫn đang diễn biến phức tạp, với những phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Nhiều băng nhóm hoạt động trong thời gian dài, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây nguy hại cho xã hội.

Theo đà suy thoái kinh tế, hiện phần lớn các băng nhóm tội phạm có tổ chức đều hoạt động trong lĩnh vực đâm thuê chém mướn, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ thuê. Thêm vào đó là các băng nhóm bảo kê các bến bãi, các cơ sở kinh doanh có điều kiện, các tụ điểm vui chơi giải trí nhạy cảm về an ninh trật tự như vũ trường, quán bar, karaoke, massage… tổ chức môi giới mại dâm, kích dục, sử dụng trái phép các chất ma túy. Đáng lo ngại vì các băng nhóm này đều được trang bị rất nhiều vũ khí.

Có những băng nhóm tham gia với hàng chục đối tượng để giải quyết các mâu thuẫn xã hội, hoặc các mâu thuẫn trong tranh chấp làm ăn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đa số các băng nhóm hoạt động theo kiểu cấu kết lại với nhau để phạm tội. Các loại tội phạm kinh tế, hình sự, ma túy, môi trường… vì mối làm ăn nên cơ bản gắn liền, thắt chặt với nhau.

Phần lớn các đối tượng cầm đầu có tiền án, tiền sự, đã lôi kéo một số đàn em của mình và một số thanh niên “vô công rồi nghề” ăn chơi đua đòi cùng tham gia vào các băng nhóm… Để đối phó với sự phát hiện, xử lý của cơ quan Công an, các đối tượng cầm đầu này đứng sau chỉ đạo hoạt động của đàn em, rất hạn chế tham gia trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.

Điển hình như mới đây, Công an huyện Đông Anh đã bắt ổ nhóm do Nguyễn Hữu Tám (tức Tám “cầu”, SN 1968, ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh) cầm đầu, tập hợp nhiều đối tượng côn đồ, lưu manh, hoạt động phạm pháp trên nhiều lĩnh vực như đánh bạc, cho vay nặng lãi, siết nợ, lấn chiếm đất công, bảo kê nhà hàng, quán karaoke...

Hay như từ vụ việc một nạn nhân rơi từ tầng 3 xuống đường, Công an Hà Nội đã triệt phá thành công ổ nhóm tội phạm có tổ chức trên địa bàn, bắt giữ kẻ chủ mưu, thu giữ 11 khẩu súng và hàng nghìn viên đạn, cùng nhiều ma túy. Nguyên nhân được xác định là, do mâu thuẫn trong làm ăn, nhóm tội phạm có tổ chức, chuyên hành nghề “tín dụng đen” đã đánh và đẩy nạn nhân từ tầng 3 xuống đất.

Tinh vi hơn là các đối tượng tội phạm “cổ cồn” (ám chỉ hành vi vi phạm pháp luật do những người có học thức, có địa vị xã hội thực hiện). Chúng lập doanh nghiệp, làm doanh nhân, bên ngoài là để kinh doanh, sản xuất nhưng thực chất bên trong là để hoạt động tội phạm như bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí còn chỉ đạo thanh toán lẫn nhau.

Nổi lên là đối tượng Vũ Anh Toàn, tức Toàn “cụt”, cầm đầu băng nhóm tội phạm “cát tặc” trên sông Hồng  thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ (Hà Nội), chuyên hoạt động khai thác cát trái phép. Đây là băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động lộng hành trong một thời gian dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Toàn “cụt” tạo vỏ bọc hợp pháp cho hoạt động khai thác bến, hút cát, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi cho đến cắt phế tàu phà và mua bán đất cát bằng việc thành lập Công ty TNHH Đầu tư thương mại Biển Đông từ năm 2007, sau đổi tên thành  Công ty TNHH Cứu nạn và cứu hộ Biển Đông, tiếp đó là Công ty Cổ phần Vân Phúc, chỉ đạo đàn em thao túng cả một vùng sông Hồng.

Kết quả điều tra cho thấy, chỉ tính riêng  trong thời gian 2 tháng (từ tháng 9/2014 đến khi vụ án được triệt phá), Vũ Anh Toàn và người anh em đồng hao Nguyễn Văn Hiểu đã chỉ đạo 19 tàu khai thác và bán được khoảng 243.382m3 cát, thu về số tiền hơn 12 tỉ đồng. Trừ số tiền phải chi phí cho các chủ tàu, nhóm của Toàn “cụt” bỏ túi khoảng 6 đến 8 tỉ đồng tiền khai thác cát trái phép.

Thành lập doanh nghiệp, xây dựng vỏ bọc hợp pháp che giấu hoạt động tội phạm là một trong những thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm của tội phạm hình sự có tổ chức đã và đang áp dụng để đối phó với sự phát hiện, xử lý của công an.

Các đối tượng xấu còn cấu kết với một số doanh nghiệp cổ phần, công ty TNHH, tư nhân để tổ chức các hoạt động san nền, giải phóng mặt bằng, thu gom rác thải công nghiệp; hoặc đứng ra tổ chức hoạt động cờ bạc có tính chất liên tỉnh, xuyên quốc gia, “cá độ” bóng đá thông qua mạng internet, kết hợp vận chuyển “tiền đen” và cấu kết với các đối tượng hình sự ở vùng giáp ranh, lợi dụng lễ hội để tổ chức đánh bạc dưới những hình thức “chọi gà, xóc đĩa, tôm - cua - cá”.

Một số ổ nhóm tội phạm trên địa bàn thành phố có sự cấu kết với các ổ nhóm tội phạm ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và các đối tượng hình sự người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện các hành vi phạm tội. Bọn chúng lôi kéo con em chủ các doanh nghiệp ra nước ngoài đánh bạc, rồi cho vay nặng lãi để siết nợ bố mẹ ở trong nước.

Đáng chú ý, một số nhóm đối tượng đã tham gia vào các vụ đổ chất bẩn, chất thải để cưỡng đoạt tài sản, lấn chiếm đất công, đất xen kẹt, đất canh tác, rồi tìm cách móc nối làm “sổ đỏ” nhằm hợp thức hóa kiếm lời bất chính…

Thậm chí, có nhóm đối tượng còn dựa vào các mối quan hệ “móc nối” với các cán bộ, lãnh đạo thoái hóa trong các cơ quan Nhà nước kết hợp với việc sử dụng vũ lực, uy hiếp tinh thần để cạnh tranh kinh doanh không bình đẳng, lợi dụng những kẽ hở trong quy định của pháp luật để kinh doanh thu lợi bất chính…

Bộ Công an đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế có thể dẫn đến nguy cơ phát sinh tội phạm. Đó là có một số mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân về tranh chấp đất đai, nợ nần tiền bạc... mà chính quyền địa phương và công an ở cơ sở không phát hiện được, hoặc giải quyết chưa triệt để, từ đó dẫn đến việc tự hành xử và thuê các băng nhóm giải quyết mâu thuẫn.

Ngoài ra, một số hoạt động kinh doanh dịch vụ chưa được quản lý tốt, các đối tượng uống rượu, bia, hoạt động vũ trường hoặc các hoạt động khác quá thời gian quy định, không được quản lý chặt chẽ, từ mâu thuẫn bột phát dẫn đến tụ tập đánh nhau, phạm tội.

Còn về các tranh chấp trong quan hệ kinh doanh, khi các cơ quan thi hành luật pháp giải quyết tranh chấp chưa được thấu đáo, đã dẫn đến tình trạng người dân thuê các đối tượng đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn để giải quyết sự vụ.

Việc thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình tội phạm có tổ chức và việc ban hành Kế hoạch số 03 về đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức triển khai đến Công an các đơn vị, địa phương trong toàn quốc được đánh giá là một quyết định đúng đắn, kịp thời, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an trong giải quyết tình hình tội phạm có tổ chức, tạo sự chỉ đạo tập trung, cao độ, quyết liệt và toàn diện để giải quyết loại tội phạm này.

Quán triệt quan điểm: “Nơi nào, lực lượng nào, cá nhân nào để tội phạm, tệ nạn xã hội hoạt động lộng hành, kéo dài hoặc làm ngơ, đấu tranh hình thức, ngụy tạo để che chắn bên trong thì sẽ bị xử lý trách nhiệm nghiêm túc”, công an một số địa phương,điển hình là Hà Nội đã xử lý nghiêm, điều chuyển công tác một số lãnh đạo, cán bộ quản lý các địa bàn để xảy ra tình trạng tội phạm lộng hành. Điều đó cho thấy thái độ nghiêm túc, quyết liệt giải quyết tình trạng bảo kê tội phạm.

Quyết không để tội phạm lộng hành

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm có tổ chức như hiện nay, Bộ Công an đã yêu cầu Công an thành phố Hà Nội cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu đối với Thành ủy, UBND, về chỉ thị, nghị quyết của Bộ Công an trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Bên cạnh đó, cần chú ý lắng nghe ý kiến của người dân, thực hiện tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ, trong đó chú trọng công tác nghiệp vụ cơ bản, dự báo sát tình hình để có biện pháp cụ thể; có sự phân công, phân cấp rành mạch, cụ thể giữa Công an thành phố với Công an các cấp quận huyện, thị xã trong thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời Bộ Công an cũng nêu rõ, đối với tội phạm có tổ chức phải lưu ý tội phạm hoạt động lưu động, tội phạm chuyên nghiệp, nắm rõ thông tin về tội phạm. Nâng cao lý luận nghiệp vụ về công tác phòng chống tội phạm có tổ chức. Ngoài các biện pháp tuần tra kiểm soát, cần chú ý công tác quản lý hành chính như kiểm tra nhân hộ khẩu, vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ… Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc trong hệ thống chính trị.

Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng PC45 cho biết, Bộ luật Hình sự có những điểm mới quy định hình phạt nhẹ hơn cũng gây khó khăn trong đấu tranh. Chẳng hạn, hành vi tàng trữ vũ khí “có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng” hiện nay không bị xử lý hình sự nếu chưa bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…

Về mặt chủ quan, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng cũng như sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong phòng ngừa tội phạm có tổ chức còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự ở cấp cơ sở chưa chặt chẽ, nhất là quản lý cư trú, ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Cơ chế trao đổi thông tin giữa Công an các địa phương với cơ quan an ninh nước ngoài chưa được cụ thể hóa… Trong khi đó, hoạt động của tội phạm được dự báo vẫn diễn biến phức tạp. Nguy cơ hình thành các băng nhóm sử dụng vũ khí “nóng” gây án nghiêm trọng vẫn hiện hữu.

Vì vậy, Công an thành phố vẫn xác định đấu tranh với tội phạm có tổ chức là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Các đơn vị, lực lượng đã, đang và sẽ tăng cường nắm tình hình, chủ động rà soát, phát hiện tội phạm có tổ chức từ khi mới manh nha, không để chúng tồn tại dưới mọi hình thức.

Hiện không chỉ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội mà Công an các quận, huyện, thị xã cũng được yêu cầu rà soát các ổ nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” để đấu tranh, triệt xóa. Tính chủ động tiếp tục được nhấn mạnh và yêu cầu đặt ra là kiên quyết không để tội phạm lộng hành.

Một trong những nhiệm vụ thời gian tới của Công an thành phố Hà Nội trong đấu tranh, đẩy lùi tội phạm có tổ chức là tiếp tục chú trọng phát hiện, xử lý triệt để các hoạt động tín dụng đen; quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện như massage, cầm đồ, vũ trường, quán bar...; phối hợp với các ban, ngành không để các đối tượng cầm đầu cấu kết, lấn chiếm đất công để bán, cho thuê, kinh doanh, làm nơi tụ tập hoạt động phạm tội...

Công an thành phố Hà Nội cũng sẽ tập trung chăm lo xây dựng lực lượng điều tra viên, trinh sát viên, bố trí đào tạo, đào tạo lại đủ năng lực đấu tranh với tội phạm theo quy định; học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị bạn, qua đó nghiên cứu triển khai các chuyên án, nghiệp vụ cụ thể đấu tranh với tội phạm có tổ chức.

Đọc thêm