Hà Nội: Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng nguồn học sinh ưu tú để phát triển Đảng

(PLVN) - Sáng 28/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả bước đầu kết nạp học sinh THPT vào Đảng theo Đề án số 20-ĐA/TU ngày 24/10/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ TP Hà Nội trong giai đoạn mới”.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Hội nghị
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Hội nghị

Nhiều kết quả bước đầu quan trọng

Báo cáo tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Triệu Thị Ngọc cho biết, thực hiện Đề án số 20-ĐA/TU, thời gian qua, các cấp ủy đảng trực thuộc và các đơn vị liên quan đã nghiêm túc triển khai thực hiện, đạt kết quả bước đầu quan trọng.

Trong đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, thông qua các phong trào thi đua kịp thời phát hiện những quần chúng ưu tú, giới thiệu cho chi bộ bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.

Những đảng viên được kết nạp trong các trường học đã phát huy được tính tiền phong, gương mẫu, tham gia các phong trào thi đua do trường phát động, thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, có nhiều thành tích nổi trội khi tham gia học tập, rèn luyện, phấn đấu ở môi trường mới, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đảng viên luôn cống hiến và trưởng thành về mọi mặt.

Để thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên là học sinh THPT, Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy và đảng bộ trực thuộc Thành ủy có trường THPT, THCN đã chỉ đạo Ban Tổ chức cấp ủy chủ trì hướng dẫn cấp ủy các trường THPT trên địa bàn xây dựng kế hoạch tạo nguồn kết nạp Đảng.

Thông qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và tổ chức đoàn, hội thanh niên trong nhà trường rà soát, lựa chọn đưa vào danh sách cảm tình Đảng những học sinh tiêu biểu, trước hết là những học sinh có kết quả thi tuyển đầu vào cao, có kết quả học tập tốt trong năm học đầu cấp, tích cực tham gia các hoạt động đoàn do Đoàn trường tổ chức.

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 281 trường THPT, 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên với tổng số 299.167 học sinh.

Từ khi thực hiện Đề án số 20-ĐA/TU, đến nay, có 25 đảng bộ đã tiến hành tổ chức lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú là học sinh THPT.

Có 19 đảng bộ quận, huyện, thị xã đã kết nạp được 82 đảng viên là học sinh THPT. Đảng viên mới được kết nạp thực sự là những học sinh xuất sắc tiêu biểu, nổi trội trong học tập và phong trào đoàn thanh niên, là tấm gương cho các học sinh THPT khác noi theo.

Việc tổ chức lễ kết nạp đảng viên được các cấp ủy đảng tổ chức trang trọng, nghiêm túc theo đúng quy định.

Báo cáo trình bày tại hội nghị và tham luận của các đại biểu đã chỉ ra một số hạn chế, tồn tại, vướng mắc như tỷ lệ phát triển đảng viên là học sinh THPT còn thấp so với nguồn bồi dưỡng để giới thiệu kết nạp Đảng, chưa tương xứng với tiềm năng, số lượng của các trường THPT của TP.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, hội nghị này là "cú hích" lớn đối với ngành Giáo dục Thủ đô trong công tác phát triển Đảng với các học sinh THPT.

Vì thế, qua hội nghị này, các nhà trường cần tạo điều kiện hơn nữa cho các em học sinh phát huy năng lực, sở trường của mình.

Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho các học sinh có nguyện vọng đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Ông Trần Thế Cương cũng nêu 3 kiến nghị với TP, trong đó có việc chỉ đạo các đơn vị quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển đảng trong học sinh; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Ngoại giao tạo thuận lợi cho các học sinh chuyển tiếp quá trình kết nạp Đảng khi đi du học; tạo điều kiện cho các học sinh sinh hoạt ghép trong quá trình chuyển tiếp vào đại học sau khi tốt nghiệp THPT.

Nội dung bồi dưỡng, kế hoạch mở lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng ở một số cấp ủy còn hạn chế, chưa phù hợp với nhóm đối tượng học sinh THPT; còn dàn trải, chất lượng chưa cao.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, quán triệt về công tác kết nạp đảng viên có nội dung còn hình thức, chưa tạo được sự đồng thuận giữa gia đình và nhà trường.

Tham luận của đại diện các đơn vị như quận Hà Đông, Hoàng Mai, Tây Hồ chỉ ra rằng, kết quả kết nạp đảng viên là học sinh THPT là minh chứng rõ nét nhất việc triển khai, tổ chức thực hiện Đề án của Thành ủy nhằm nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và trẻ hóa đội ngũ đảng viên mới được kết nạp, ghi nhận những nỗ lực cố gắng của các cấp ủy, tổ chức đoàn thanh niên và học sinh THPT.

Tránh “bệnh hình thức” trong tạo nguồn và phát triển đảng ở học sinh

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao những kết quả đạt được sau gần 1 năm triển khai Đề án 20-ĐA/TU.

Ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, công tác phát triển đảng trong học sinh THPT đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo trong triển khai tổ chức thực hiện Đề án.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại Hội nghị.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại Hội nghị.

Nêu bật những khó khăn, tồn tại trong công tác phát triển đảng và kết nạp học sinh vào Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng ở các trường học. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng viên, đặc biệt là kết nạp đảng viên là học sinh THPT.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp của Đề án 20-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đề ra, trong đó, chú trọng đào tạo học sinh THPT phát triển một cách toàn diện, không chỉ chú trọng vào việc dạy những kiến thức trên lớp, mà cần quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, ý thức - trách nhiệm của công dân.

Qua đó, các nhà trường có thể phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nguồn học sinh ưu tú giới thiệu cho Đảng và kết nạp Đảng.

Nhấn mạnh số học sinh lớp 12 hiện nay là hơn 100 nghìn, nhưng cả TP mới kết nạp được 82 đảng viên, ông Nguyễn Văn Phong đề nghị các nhà trường, đơn vị cần chủ động, sáng tạo trong cách triển khai thực hiện Đề án 20-ĐA/TU; đặc biệt là việc lựa chọn những học sinh xứng đáng để tạo nguồn và phát triển đảng; tránh “bệnh hình thức” khi chỉ lựa chọn những học sinh phải có giải quốc tế, quốc gia.

Đồng thời, quan tâm thực hiện nghiêm túc việc xây dựng kế hoạch tạo nguồn, tập trung phân tích, đánh giá kỹ nguồn phát triển đảng.

Cùng với đó là đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành làm cho đảng viên mới kết nạp bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả theo hướng tập trung vào những vấn đề cơ bản về Đảng, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên, tính tiên phong gương mẫu, nhất là xác định đúng đắn động cơ vào Đảng; linh hoạt thời gian mở các lớp bồi dưỡng để tạo điều kiện cho học sinh tham gia học tập đầy đủ và hiệu quả.

Đọc thêm