Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường

(PLVN) - Hôm qua (9/12), HĐND TP Hà Nội khóa XVI tổ chức Kỳ họp thứ 20 nhằm xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, thu, chi ngân sách, đầu tư công năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025 cùng một số nội dung quan trọng triển khai Luật Thủ đô.
Kỳ họp của HĐND Hà Nội sẽ xem xét 55 nội dung. (Ảnh trong bài: Gia Huy)

GRDP của Hà Nội ước đạt 162,2 triệu đồng/người

Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, năm 2024 Hà Nội cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu tổng quát. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng (dự kiến đạt trên 6,5%). GRDP bình quân đầu người ước đạt 162,2 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Công tác quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị chuyển biến tích cực. Tiến độ lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng được đẩy nhanh. Hạ tầng giao thông đô thị được quan tâm xây dựng đồng bộ, hiện đại. Phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích được đặc biệt quan tâm đầu tư. Giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu toàn quốc về chất lượng. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chăm lo, đời sống Nhân dân được cải thiện, nâng lên.

Tập trung đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ các di tích văn hoá; triển khai quyết liệt dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm. Thực hiện đề án về phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan, các cấp chính quyền. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh.

Bà Hoài cũng đánh giá trong năm 2024, hoạt động của HĐND Hà Nội tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt, thực chất, hiệu quả, sát tình hình thực tiễn của TP.

HĐND đã chủ động, trách nhiệm, kịp thời tổ chức các kỳ họp thường lệ, chuyên đề để xem xét, quyết nghị các vấn đề quan trọng, cấp thiết, có tác động sâu rộng đến hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, các cơ chế, chính sách, biện pháp để bảo đảm các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội của TP. Từ đầu năm 2024 đến nay, HĐND đã tổ chức 5 kỳ họp, trong đó có 4 kỳ họp chuyên đề và 1 kỳ họp thường lệ; ban hành 80 nghị quyết, trong đó có 11 nghị quyết để kịp thời triển khai, thi hành Luật Thủ đô 2024.

HĐND TP cũng đã nắm bắt, lựa chọn đúng và trúng các nội dung, những vấn đề quan trọng, cấp thiết, sát yêu cầu thực tiễn TP và cử tri, Nhân dân quan tâm; để tổ chức giám sát nhằm kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập, đề xuất thúc đẩy đầu tư, xây dựng các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực của TP. Hoạt động chất vấn, giải trình được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, được cử tri, Nhân dân đánh giá cao.

Tăng cường phân cấp, ủy quyền

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị kỳ họp thảo luận, quyết nghị các nội dung quan trọng của năm 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, cần đặc biệt quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, được thể hiện qua các bài viết, bài phát biểu, nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyên đề kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; xây dựng hệ thống chính trị "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", về chuyển đổi số, về phòng, chống lãng phí.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc.

Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã ưu tiên dành cho Hà Nội để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và các công trình trọng điểm, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, xử lý, giải quyết ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ cương; tăng cường phân cấp, ủy quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Tiếp tục chuyển đổi số với những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện, đưa số hóa vào trong sản xuất, kinh doanh, hướng tới chuyển đổi số trong toàn xã hội.

Bí thư Hà Nội đề nghị HĐND TP tập trung lựa chọn các lĩnh vực được Thành ủy tập trung chỉ đạo, những vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri, dư luận quan tâm để giám sát, chất vấn, giải trình như: Phòng, chống lãng phí; ô nhiễm môi trường rác thải, nước thải, không khí; tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập, tiến độ các công trình dự án; công tác giải quyết kiến nghị cử tri để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 20, HĐND Hà Nội, nhấn mạnh kỳ họp lần này của HĐND Hà Nội là kỳ họp của khí thế mới, của tinh thần đổi mới, tạo đột phá mới, Chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Thanh Mẫn cho biết, Hà Nội chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số cả nước, nhưng đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa; chiếm tỷ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.

Chủ tịch QH khẳng định, những thành tựu mà TP đạt được là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên tiềm năng, lợi thế của Thủ đô chưa được khai thác, phát huy đầy đủ. Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; năng lực cạnh tranh so với khu vực và thế giới còn thấp. Hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển chưa đáp ứng yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường còn bất cập; nhiều dự án lớn chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực...

Chủ tịch QH yêu cầu trong thời gian tới Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện thành công các đột phá chiến lược, tháo gỡ những ách tắc, “điểm nghẽn” về thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực. Chủ động ban hành các cơ chế, chính sách triển khai thi hành Luật Thủ đô với những cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá, tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước, trong đó phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Hà Nội.

Tập trung triển khai Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Trước mắt phải quyết tâm hoàn thành việc tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. H.Giang

Đọc thêm