Hà Nội: Dự kiến ra mắt Trung tâm Phục vụ hành chính công vào đầu tháng 10

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - TP Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công theo chỉ đạo của Thủ tướng. Dự kiến, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội sẽ ra mắt vào đầu tháng 10 tới, với mục tiêu tiếp nhận thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận “một cửa”.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tiếp nhận thủ tục hành chính “phi địa giới”

UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình số 333/TTr-UBND gửi HĐND TP về việc thông qua Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội (sau đây gọi tắt là Trung tâm).

Theo Tờ trình của UBND TP Hà Nội, Trung tâm được xây dựng nhằm vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) TP kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống nền tảng dùng chung.

Tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận “một cửa”.

Đổi mới cách thức tiếp nhận TTHC; bảo đảm mỗi người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ công trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5km, tiếp nhận và giải quyết 24/7 (tính từ địa điểm của người dân và doanh nghiệp đến điểm thực hiện TTHC).

Đồng thời, tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát TTHC, theo dõi, giám sát việc thực hiện TTHC, hỗ trợ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND TP; bảo đảm đáp ứng các chỉ tiêu chuyển đổi số, cải cách TTHC, dịch vụ công trực tuyến được giao.

100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại; tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm các thành phần hồ sơ đã sử dụng dữ liệu dân cư; giảm chi phí, thời gian giải quyết TTHC, giảm thủ tục hồ sơ, giảm bước xử lý trong tiếp nhận và giải quyết TTHC.

Thực hiện hiệu quả việc số hóa hồ sơ, tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; hình thành kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân; chia sẻ, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Nâng cao tính chuyên nghiệp, độc lập trong tiếp nhận, số hóa, trả kết quả giải quyết TTHC; bảo đảm linh hoạt trong bố trí cán bộ một cửa phù hợp. Nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện TTHC đạt tối thiểu 95%, 100% hồ sơ TTHC được công khai, minh bạch.

Nguyên tắc tổ chức hoạt động của Trung tâm là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và động lực để xây dựng thiết kế mô hình; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ.

Thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Cải tiến, phát triển toàn diện mô hình Bộ phận Một cửa của TP trên cơ sở kế thừa toàn bộ kết quả, thành tựu đã đạt được, bảo đảm thích ứng linh hoạt với yêu cầu thực tiễn. Chú trọng đào tạo, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Có chế độ, chính sách và cơ chế đặc thù nhằm thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học phục vụ Trung tâm.

Bảo đảm tiếp nhận hồ sơ TTHC “phi địa giới hành chính”; tiếp cận dịch vụ trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc vòng bán kính không quá 5km, hỗ trợ TTHC 24/7 trên môi trường điện tử, thời gian giao dịch trực tiếp không quá 15 phút/1 hồ sơ.

Theo Tờ trình, Trung tâm là cơ quan hành chính thuộc UBND TP Hà Nội (cơ quan ngang sở), có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND TP; chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Chủ tịch UBND TP; chấp hành chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Văn phòng Chính phủ.

Dự kiến, trụ sở điều hành chính của Trung tâm đặt tại số 197 phố Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.

Tăng cường minh bạch và hiệu quả

Về lộ trình thực hiện, trên cơ sở chấp thuận của Ban cán sự đảng UBND TP, Ban Chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế TP, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, dự kiến, trong tháng 9/2024, UBND TP Hà Nội trình HĐND TP quyết định thành lập Trung tâm.

Trong tháng 10/2024, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn thành lập Trung tâm; chuẩn bị các điều kiện để vận hành Trung tâm. Trung tâm dự kiến sẽ ra mắt vào đầu tháng 10/2024.

Việc vận hành Trung tâm sẽ được tiến hành theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến từ ngày 1/10/2024 đến hết ngày 31/3/2025; giai đoạn 2 dự kiến từ ngày 1/4/2025 đến hết ngày 30/6/2025 và giai đoạn 3 dự kiến từ ngày 1/7/2025 trở đi.

Theo UBND TP Hà Nội, việc thí điểm thành lập Trung tâm sẽ giúp tăng cường minh bạch và hiệu quả. Bởi, Trung tâm là công cụ đắc lực, quan trọng phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của Lãnh đạo UBND TP. Trung tâm giúp tập trung và đơn giản hóa các quy trình hành chính, tăng cường tính minh bạch. Các thủ tục được thực hiện nhanh chóng và rõ ràng hơn, giảm thiểu tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong quản lý.

Cùng với đó, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí khi người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện các TTHC tại một địa điểm duy nhất thay vì di chuyển đến nhiều điểm khác nhau. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giảm thiểu chi phí liên quan đến việc đi lại và giao dịch. Nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Đặc biệt, năng suất lao động trung bình trong việc giải quyết TTHC thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xã hội hóa một số công việc trong quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết TTHC dự kiến tăng mạnh.

Theo đó, năng suất tiếp nhận hồ sơ trung bình của 1 nhân sự trực tại Bộ phận Một cửa trong 1 năm lên mức tối thiểu tại vùng đô thị của TP dự kiến là 1.800 hồ sơ; vùng nông thôn dự kiến là 1.200 hồ sơ; vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn 800 hồ sơ (trừ trường hợp tổng số hồ sơ tiếp nhận trong năm/1 Bộ phận Một cửa ít hơn chỉ tiêu trên).

Đồng thời, giảm thời gian chờ đợi của tổ chức, cá nhân xuống trung bình còn tối đa 15 phút/1 lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/1 hồ sơ vào năm 2025.

Tăng cường sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; cải thiện năng lực giám sát và đánh giá.

Việc thí điểm thành lập Trung tâm cũng có thể làm tinh gọn, giảm số lượng Bộ phận một cửa, góp phần tối ưu hóa nguồn lực, tập trung nguồn lực, tránh lãng phí nhân lực và tài chính trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC; các nguồn lực này có thể được sử dụng hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ, đặc biệt nguồn nhân lực dôi dư sẽ được bố trí, sắp xếp cho các vị trí công tác khác thiếu biên chế hoặc tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC.

Trung tâm ra đời còn góp phần tinh gọn đầu mối bên trong của các cơ quan, đơn vị, địa phương, giúp tổ chức bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả hơn và có trách nhiệm hơn với người dân.

Tăng cường cơ chế giám sát và tự giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; phát huy tối đa sự giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và của đội ngũ công chức, viên chức, góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức, nhất là về kỹ năng thực thi nhiệm vụ, công vụ và tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân.

Đọc thêm