Hà Nội: Giá chung cư "leo thang", người có thu nhập trung bình khó sở hữu

(PLVN) - Tại thủ đô, số lượng người không ngừng tăng lên cùng với nhu cầu “an cư lạc nghiệp” đã gây ra tình trạng thiết lập giá mới cao chót vót cho các căn hộ chung cư. Việc các căn hộ có mức giá vừa phải tăng chóng mặt khiến người có thu nhập trung bình gặp nhiều khó khăn khi muốn sở hữu.

(1) HÀ NỘI: GIÁ CHUNG CƯ “LEO THANG”, NGƯỜI CÓ THU NHẬP TRUNG BÌNH KHÓ SỞ HỮU

Tại thủ đô, số lượng người không ngừng tăng lên cùng với nhu cầu “an cư lạc nghiệp” đã gây ra tình trạng thiết lập giá mới cao chót vót cho các căn hộ chung cư. Việc các căn hộ có mức giá vừa phải tăng chóng mặt khiến người có thu nhập trung bình gặp nhiều khó khăn khi muốn sở hữu.

Theo dữ liệu của PropertyGuru Việt Nam, giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm nay tăng đến 17% so với cùng kỳ 2023. Trên thực tế, nhiều người mua, người bán và các môi giới bất động sản cũng nhận xét giá chung cư Hà Nội đang “leo thang”. Không ít dự án có mức tăng giá trên 20% chỉ sau 1 năm. Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng tăng giá nhanh chóng của các căn hộ chung cư như hiện tại, anh Đặng Vũ Hiệp - chủ kênh Tik Tok Review Nhà (@reviewnha.vn) cho biết: “Nguyên nhân giá chung cư tăng nhanh như vậy vì cung cầu chênh lệch khá nhiều. Đầu tiên là nguồn cung. Nguồn cung đang trở nên khan hiếm bởi có ít dự án mới được cấp phép xây dựng. Chính vì thế, các chủ đầu tư định vị giá ở phân khúc cao cấp, các sản phẩm tầm trung gần như không có. Thứ hai là về cầu. Giá nhà tăng như vậy thì người mua có tâm thế chờ xem giá có giảm không. Tuy nhiên họ thấy một căn hộ có thể sinh lời từ 10-15% trong chưa đến 1 tuần nên sẽ ra quyết định nhanh hơn. Họ sợ không mua nhanh thì giá sẽ tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng giảm cũng là lí do thúc đẩy một số người mua nhà nhanh hơn”

(2) Đa số người dân đều phản ánh chi phí sinh hoạt không ngừng tăng lên trong khi lương thì cứ “dậm chân tại chỗ”. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý III/2023 ghi nhận thu nhập bình quân lao động tại Hà Nội đạt 9,9 triệu đồng. Nếu không có sự hỗ trợ về mặt tài chính từ gia đình thì có lẽ tích cóp tới đời con, đời cháu mới mua được nhà ở nơi đất chật người đông này với phương thức trả thẳng. Chị Đào Xoan (38 tuổi, hiện sinh sống tại quận Long Biên) chia sẻ: “Vợ chồng tôi thu nhập mỗi tháng 20 triệu, sau khi trừ chi phí mỗi tháng cho 3 con ăn học thì để ra được khoảng 3 triệu. Nếu muốn sở hữu căn chung cư ở HN khoảng 3 tỉ - 3,5 tỉ như hiện nay thì vợ chồng tôi có khi tới 100 tuổi cũng không mua được”. Chú Công Hậu (66 tuổi, hiện sinh sống tại quận Thanh Xuân) cũng cho biết: “Chúng tôi hai vợ chồng đã về hưu, lương thì cũng không được cao. Giá nhà lên cao mà các cháu còn ăn học nên nếu mua nhà thì cũng chưa thể mua được”.

(3) Vì vậy, mua trả góp là cách mà hầu hết những người có thu nhập trung bình muốn sớm sở hữu căn hộ chung cư ở Hà Nội lựa chọn. Họ cho rằng gánh trên vai một khoản nợ sẽ giúp họ làm việc chăm chỉ hơn và bớt tiêu pha vào những thứ không cần thiết. Chị Thanh Mai (27 tuổi, hiện sinh sống tại quận Nam Từ Liêm) chia sẻ về quan điểm của mình: “Bài toán mua nhà tôi cũng đã tính toán từ mấy năm nay. Tôi nghĩ mình sẽ tích cóp tầm 500tr, mượn thêm bạn bè và người thân, còn lại sẽ vay ngân hàng để mua chung cư sau đó trả góp hàng tháng. Chứ đợi đủ tiền mới mua thì lúc nghỉ hưu có lẽ cũng chưa mua được. Nhưng để tiết kiệm được 500tr trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện tại cũng không phải chuyện đơn giản”.

(4) Cho tới thời điểm hiện tại, khi giá chung cư vẫn đang “phi mã” thì anh Đặng Vũ Hiệp cho rằng người có mức thu nhập trung bình sau khi tiết kiệm được một khoản vẫn nên mua nhà chung cư trả góp: “Theo tôi, nếu mua cho nhu cầu ở thực thì hoàn toàn phù hợp. Người có thu nhập trung bình nên tìm hiểu những gói vay ưu đãi để sở hữu cho mình một căn hộ chung cư phù hợp với tài chính và nhu cầu. Chính sách vay bây giờ cũng rất linh hoạt. Giả sử trả trước 10-20%, phần tiền còn lại có thể sử dụng cách chính sách như miễn lãi 2 năm. Bên cạnh đó, họ cũng có thể cân nhắc lựa chọn nhà ở xã hội. Tuy nhiên số lượng nhà ở xã hội không nhiều bởi lợi nhuận của chủ đầu tư không cao, họ sẽ không ưu tiên xây dựng. Thêm nữa, thủ tục mua nhà ở xã hội cũng rất phức tạp”.

(5) Tuy rằng người có thu nhập trung bình có thể mua nhà theo hình thức trả góp nhưng cũng nên có ít nhất 30% giá trị căn hộ trong tay, cân đối được tài chính để thực hiện nghĩa vụ chi trả với ngân hàng nếu không muốn bị niêm phong tài sản thế chấp. Bên cạnh đó cũng cần đưa ra những giải pháp để tránh gây ra tình trạng “sốt đất ảo”. Theo ông Phạm Anh Khôi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính BĐS DatXanh Services, để hạ nhiệt thị trường, Hà Nội cần tăng nguồn cung đất sạch, cắt giảm lãi suất, ưu đãi thuế và hỗ trợ lãi suất. Một số giải pháp cụ thể cần được tính đến bao gồm: Tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, giãn dân ra các khu vực vùng ven; phát triển và tăng cung nguồn quỹ đất cho các chủ đầu tư; giản lược các thủ tục và nên có các kênh tài chính phù hợp với lãi suất hợp lý cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.

Đọc thêm