Hà Nội: Hiệu quả mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực hiện kế hoạch của UBND TP Hà Nội về tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) cho cộng đồng, từ tháng 5/2023, nhiều quận, huyện đã ra mắt “Tổ liên gia an toàn PCCC”.
Công an quận Thanh Xuân hướng dẫn các nội quy an toàn phòng cháy, chữa cháy cho người dân.
Công an quận Thanh Xuân hướng dẫn các nội quy an toàn phòng cháy, chữa cháy cho người dân.

Tổ liên gia đã phối hợp với lực lượng chức năng hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, các hộ ký cam kết thực hiện mô hình; đặc biệt trong đó là thực tập phương án chữa cháy và CNCH.

Thông qua việc thực tập các phương án PCCC&CNCH, cư dân đã nâng cao nhận thức, phát huy tối đa hiệu quả công tác PCCC; đồng thời củng cố lực lượng PCCC tại chỗ với phương châm phòng ngừa làm chính, phòng là “xây”, chữa là “chống”.

Trên địa bàn quận Hoàng Mai (14 phường) hiện có 74.414 hộ gia đình, 5.659 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh. Hiện nay quận đã thành lập được hàng trăm “Tổ liên gia an toàn PCCC” và nhiều điểm chữa cháy công cộng với tiêu chí đáp ứng yêu cầu 4 tại chỗ; phát hiện nhanh và xử lý kịp thời với các vụ cháy nổ trên địa bàn; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.

Các hộ dân ở “Tổ liên gia an toàn PCCC”, ngoài việc được lực lượng chức năng tập huấn đầy đủ kỹ năng PCCC, còn tự mua sắm đầy đủ các thiết bị chữa cháy. Khi nhà nào có cháy lập tức gõ kẻng cho các hộ dân trong khu vực được biết để cùng nhau chữa cháy.

Tại các điểm chữa cháy công cộng cũng được trang bị thiết bị chữa cháy, cứu nạn khá hiện đại. Do vậy, khi xảy ra cháy nổ, từ kinh nghiệm đã được tập huấn, người dân có thể sơ tán các thành viên gặp nạn, rồi cùng nhau khống chế đám cháy.

Ngoài mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, trên địa bàn Hà Nội còn có mô hình “Ngôi nhà an toàn PCCC”, “Nhà tôi có bình chữa cháy”. Mô hình này cũng đang được nhân rộng tại một số nơi như huyện Thanh Trì.

Theo Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20/9/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, công tác PCCC&CNCH phải lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể; đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết.

Do vậy, các đơn vị phải huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và Nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu xây dựng phong trào toàn dân PCCC&CNCH, nhân rộng các mô hình phù hợp với từng địa bàn bảo đảm an toàn tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.

Đọc thêm