Theo đó, đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam cư trú trên địa bàn TP Hà Nội, có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID, có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng này.
Nghị quyết nêu rõ, TP Hà Nội hỗ trợ 100% mức phí phải nộp của các đối tượng quy định của Nghị quyết này mà không thuộc đối tượng được miễn phí theo quy định tại Thông tư số 244/2016/TT-BTC, ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.
TP Hà Nội hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sỹ) với mức 100.000 đồng/lần/người; các đối tượng khác với mức 200.000 đồng/lần/người.
Trường hợp đối tượng quy định của Nghị quyết này có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 2 phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu thì được hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/lần/người (tương đương 10 phiếu lý lịch tư pháp). Kinh phí được bố trí từ nguồn ngân sách TP Hà Nội giao Sở Tư pháp.
Cũng tại Kỳ họp, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, HĐND TP tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc 20 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.
Trong đó, tại huyện Ba Vì, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Châu Sơn, Phú Phương và Tản Hồng thành xã Phú Hồng.
Huyện Chương Mỹ, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của hai xã Đồng Phú và Hồng Phong thành xã Hồng Phú; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Phú An Nam và Hòa Chính thành xã Hòa Phú.
Huyện Mê Linh, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân của hai xã Vạn Yên và Liên Mạc thành xã Liên Mạc.
Huyện Mỹ Đức, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Mỹ Thành và Bột Xuyên thành xã Mỹ Xuyên; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của hai xã Đốc Tín và Vạn Kim thành xã Vạn Tín.
Tại quận Ba Đình, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Nguyễn Trung Trực và phường Trúc Bạch thành phường Trúc Bạch.
Quận Cầu Giấy điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Yên Hòa và phường Dịch Vọng vào toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Quan Hoa thành phường Quan Hoa; điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường Nghĩa Đô, Dịch Vọng và Dịch Vọng Hậu vào toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Nghĩa Tân.
Đối với quận Đống Đa, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số người của phường Khâm Thiên và phường Trung Phụng thành phường Khâm Thiên; nhập một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Ngã Tư Sở vào toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Khương Thượng thành phường Khương Thượng; nhập một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Ngã Tư Sở (còn lại) vào toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Thịnh Quang thành phường Thịnh Quang…
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, trên cơ sở các báo cáo, tờ trình của UBND TP, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND TP, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận và biểu quyết thông qua với tỷ lệ thống nhất cao 8 Nghị quyết để kịp thời quyết định các nội dung, cơ chế, chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của TP.
Trong đó, với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia. Hà Nội cũng là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lớn nhất (61 xã, phường/tổng số 624 xã, phường của toàn quốc, chiếm tỷ lệ khoảng gần 10% số lượng đơn vị hành chính cấp xã của toàn quốc sẽ giảm do sắp xếp đợt này).
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND TP tập trung, khẩn trương hoàn thiện Đề án, gửi Bộ Nội vụ thẩm định trình Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ, theo quy định.
Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong hệ thống chính trị của TP, nhất là đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và Nhân dân tại các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, tạo sự lan tỏa, đồng thuận cao trong việc thực hiện chủ trương của Trung ương, TP.
Đồng thời, chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng phương án sắp xếp đảm bảo khoa học, linh hoạt, đúng quy định, phù hợp thực tiễn của từng địa phương. Phối hợp rà soát, sắp xếp tổ chức Đảng, đoàn thể; sắp xếp tổ chức, bộ máy, đặc biệt quan tâm đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở.
Đối với việc sắp xếp các Trụ sở, tài sản công phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định, hiệu quả và tránh lãng phí. Đồng thời, rà soát, xây dựng lộ trình, kế hoạch, tạo điều kiện tốt nhất trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, giấy tờ của Nhân dân. Tiếp tục, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị hành chính sau khi sắp xếp.