Cải cách thủ tục hành chính triển khai vững chắc và thực chất
Báo cáo về kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp TP tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác CCHC được Thành ủy, HĐND, UBND TP tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đã có nhiều chuyển biến tích cực.
TP đã có nhiều chủ trương, giải pháp, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt - nhất là triển khai các kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá cũng như sơ kết rút kinh nghiệm; tập trung vào những cơ quan, địa phương, đơn vị được đánh giá thuộc nhóm có chỉ số thấp và có thông tin dư luận phản ánh chưa tốt.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của TP đã tạo được một số kết quả và có chuyển biến bước đầu trong thực thi nhiệm vụ.
Cụ thể, về cải cách tổ chức bộ máy, TP Hà Nội đã hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế, giai đoạn 2022-2026 (giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức). Đến tháng 6/2023, đã giảm 2.385 biên chế viên chức so với năm 2022.
Đồng thời, TP tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc tuyển dụng, phê duyệt vị trí việc làm; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện đánh giá hằng tháng và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP.
Bên cạnh đó, trong cải cách chế độ công vụ, công chức, TP đã chỉ đạo, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.154 trường hợp theo quy định phân cấp quản lý cán; kiểm tra công vụ đột xuất 30 đơn vị.
Về cải cách tài chính công, TP đã tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các kết luận, các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách theo yêu cầu của Trung ương. Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong 5 tháng đầu năm, toàn TP đã giải ngân 10.926,8 tỷ đồng, đạt 23,3% kế hoạch.
Triển khai kế hoạch chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính, đã có 45/50 đơn vị ban hành kế hoạch chi tiết, đảm bảo các mục tiêu UBND TP đã giao. Đối với 5 đơn vị còn lại, TP đã chỉ đạo hoàn thiện Kế hoạch để tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, trong 6 tháng đầu năm, TP Hà Nội đã đưa vào vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng. Cùng đó, đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử, khai thuế điện tử đối với doanh nghiệp.
Đối với việc cải thiện mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp TP, chỉ số Hài lòng (SIPAS) năm 2022 của TP Hà Nội đạt 80,16%; xếp thứ 30/63 tỉnh, TP (năm 2021 xếp thứ 30/63) và là năm thứ 5 liên tiếp chỉ số Hài lòng của TP Hà Nội đạt trên 80%.
Về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của TP Hà Nội đạt 66,74 điểm (giảm 1,86 điểm so với năm 2021), xếp thứ 20/63 tỉnh, TP (giảm 10 bậc so với năm 2021), chưa đạt mục tiêu đề ra tại Chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ và Chỉ thị số 13/CT-UBND của UBND TP.
Thảo luận tại Hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, số lượng thủ tục lĩnh vực Tư pháp ở Hà Nội là rất lớn. Hiện, Sở TT&TT đã phối hợp tích cực với Sở Tư pháp cùng nhà thầu, cam kết để người dân khai báo hồ sơ và cán bộ xử lý hồ sơ trực tuyến 100%, trong tháng 6 này.
|
Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng phát biểu thảo luận tại Hội nghị. |
Ông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh, công tác chuyển đổi số của TP Hà Nội đã có chuyển đổi đồng bộ hơn. Sở đã tham mưu UBND TP để ban hành các kế hoạch triển khai các nhiệm vụ. Dù còn có những khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là đội ngũ cán bộ nhưng các sở, ngành đều thể hiện rõ sự quyết tâm trong triển khai.
Giám đốc Sở TT&TT tin tưởng công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của TP Hà Nội sẽ có bước tiến vững chắc và thực chất.
Phát biểu về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ, cụ thể, các địa phương được phân công nhiệm vụ phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quyền mình được phân cấp.
"Khi phân cấp, ủy quyền rõ sẽ tránh được tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Cần quan tâm thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng", Phó Chủ tịch Hà Nội Hà Minh Hải phân tích.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, Hà Nội cơ bản làm kỹ việc quy định chức năng, nhiệm vụ, nhưng vẫn còn những khâu, lĩnh vực giữa các sở còn chưa rõ. Vì vậy, cần rà soát làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ngành để chịu trách nhiệm, tránh tình trạng có lĩnh vực 5 sở, ngành cùng ký; tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Nhấn mạnh, thời gian qua, TP Hà Nội đã ủy quyền hơn 700 TTHC và việc này đang đi đúng hướng, Phó Chủ tịch TP Hà Minh Hải cho rằng cần tiếp tục làm mạnh hơn công tác phân cấp, ủy quyền trong cải cách TTHC từ các sở, ngành xuống quận, huyện.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp đẩy mạnh CCHC
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, thời gian qua, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện mức độ hài lòng của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp TP đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đã có nhiều chuyển biến tích cực.
TP đã có nhiều chủ trương, giải pháp, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt; nhất là triển khai các kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá cũng như sơ kết rút kinh nghiệm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của TP đã tạo được một số kết quả và có chuyển biến bước đầu trong thực thi nhiệm vụ.
Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp, biện pháp đẩy mạnh công tác CCHC, khắc phục triệt để tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực, không tham mưu giải quyết công việc, đùn đẩy, né tránh.
Phó Bí thư Thường trực Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Đảng đoàn HĐND TP tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, tập trung công tác CCHC và Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của TP. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành TP, các Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cần vào cuộc quyết liệt, chịu trách nhiệm về hiệu quả, chất lượng công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị mình; chỉ đạo xây dựng Kế hoạch CCHC bám sát Chương trình của TP.
Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, PARINDEX, PCI và triển khai Kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy trình, quy chế, nhất là các quy trình phối hợp để giải quyết công việc nội bộ.
Bà Nguyễn Thị Tuyến thông tin, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và chuẩn bị ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc TP Hà Nội và Kế hoạch triển khai thực hiện; đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động nghiên cứu, sớm ban hành văn bản để tập trung triển khai mạnh mẽ, quyết liệt Chỉ thị và Kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy.
Các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, đẩy mạnh cải cách TTHC; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, trong đó, cùng với phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, tập trung ủy quyền giải quyết TTHC…