Hà Nội: Kiên định mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc đưa vào vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn TP Hà Nội sẽ giải quyết những “điểm nghẽn” còn tồn tại, nâng cao hơn nữa mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của TP.
Giao diện ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi).

Giao diện ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi).

Thúc đẩy công dân số, xã hội số

Ngày 28/6, UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ công bố vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn TP gồm Công dân Thủ đô số (iHaNoi); Hồ sơ sức khỏe điện tử TP Hà Nội trên ứng dụng VNeID; Cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; Hệ thống Thông tin phục vụ họp và xử lý công việc (E-Cabinet) tích hợp với phòng họp thông minh.

Trong các ứng dụng kể trên, ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi) nhận được sự chú ý của đông đảo người dân. Đây là ứng dụng đặc biệt, ra đời với sứ mệnh là kênh tương tác số thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội.

Ứng dụng cũng mang tới những thông tin hữu ích, cung cấp các tiện ích đô thị thông minh tới người dân ở mọi khía cạnh cuộc sống, gồm giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, đất đai, nông nghiệp…

Thông qua iHanoi, người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tuyến với các cấp cơ quan chính quyền tại Hà Nội với các tính năng nổi bật của ứng dụng như phản ánh hiện trường, giúp người dân có thể gửi phản ánh tới các cấp chính quyền TP về những vấn đề đời sống dân sinh bức xúc; phản ánh thủ tục hành chính, giúp người dân có thể gửi các phản ánh về hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, các trường hợp xử lý chậm trễ thủ tục hành chính của người dân.

Doanh nghiệp, tổ chức có thể gửi các kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP để được trả lời, giải quyết kịp thời.

Cùng với đó, người dân có thể tạo và gửi phiếu đăng ký tiếp dân trực tuyến thay vì đến cơ quan chính quyền để đăng ký. Ngoài ra, tại mục “Thông tin cảnh báo” sẽ cập nhật các thông báo, thông tin mới nhất, chính thống từ chính quyền.

Đồng thời, ứng dụng iHanoi sẽ cung cấp các tiện ích thông minh như giao thông, môi trường, y tế, giáo dục… phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi, cải thiện các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính, sự hài lòng người dân.

Đặc biệt, khi tải ứng dụng iHanoi về điện thoại thông minh và sử dụng ứng dụng này, người dân còn có thể khám phá các địa điểm du lịch, văn hóa lịch sử tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội đã được tích hợp trong tiện ích đô thị thông minh. Khi chọn “Du lịch”, một “Bản đồ du lịch” sẽ được hiển thị trên màn hình điện thoại cùng với bản đồ xác định vị trí nơi người dùng đang sử dụng iHanoi.

Trên bản đồ du lịch, người dùng có thể chọn các mục danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, du lịch tâm linh, địa điểm check-in, công viên, bảo tàng, khu vui chơi, ẩm thực, lưu trú...

Anh Phạm Hoàng Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Thương mại Minh Châu cho rằng, nếu triển khai ứng dụng này thành công như kỳ vọng thì đây sẽ là kênh tương tác thiết thực giữa chính quyền và doanh nghiệp, góp phần hoàn thiện hơn hệ thống quản lý.

“Qua sự tương tác này giúp cải thiện chất lượng hành chính công, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn”, anh Long cho hay.

Chung niềm háo hức trước việc TP Hà Nội ra mắt ứng dụng iHanoi, chị Doãn Thị Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định, với các tiện ích thông minh được đưa ra, không chỉ người dân Thủ đô mà khách du lịch đến tham quan, vui chơi tại Hà Nội cũng có thể sử dụng để tìm hiểu những điểm di tích, những thông tin bổ ích về giao thông, giúp cho chuyến du lịch ở Thủ đô được thuận tiện hơn.

Chị Hiền hi vọng, các thông tin sẽ được cập nhật thường xuyên và ngày càng phong phú trên ứng dụng này sau khi được ra mắt.

Chăm lo tốt hơn sức khỏe của người dân

Cũng được đưa vào vận hành dịp này còn có Hồ sơ sức khoẻ điện tử trên VneID, thể hiện sự ưu tiên của TP Hà Nội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.

Hồ sơ Sức khoẻ điện tử trên VneID là nền tảng đưa mô hình khám chữa bệnh từ xa, bác sỹ gia đình vào thực tiễn. Mỗi người dân sẽ sử dụng một sổ khám sức khỏe duy nhất, trọn đời.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước phối hợp với Tập đoàn Viettel triển khai thử nghiệm Hồ sơ sức khỏe điện tử hiển thị trên ứng dụng VNeID, tạo bứt phá trên hành trình chuyển đổi số trong ngành y tế Thủ đô.

Đến nay, hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử TP Hà Nội đã được triển khai, cài đặt, vận hành trên hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm Dữ liệu của Tập đoàn Viettel. Đã hoàn thành kết nối chính thức hệ thống Hồ sơ sức khỏe với mạng số liệu chuyên dùng CPNet và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đã tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa và 297 trạm y tế; Số lượng hồ sơ đã đẩy thành công lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm là 3.527.640 hồ sơ để đồng bộ đầy đủ 48 trường thông tin theo Quyết định 4026 và sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VneID.

TP cũng đã thành lập 3 nhóm zalo với gần 3.000 cán bộ y tế tham gia; cấp tài khoản cho gần 3.900 tài khoản toàn bộ cán bộ y tế trên địa bàn TP tham gia vào triển khai hệ thống. Hơn 16,69 triệu lượt khám chữa bệnh được đồng bộ từ phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh lên hệ thống Hồ sơ sức khỏe của TP và các Trạm y tế cập nhật, bổ sung.

Gần 7,5 triệu người dân (được quản lý thông tin sức khỏe) có 21/73 thông tin so với Quyết định số 110/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội; gần 1,77 triệu người dân được tạo lập với 48/48 trường thông tin theo Quyết định số 4026/QĐ-BYT của Bộ Y tế và 66/73 thông tin theo Quyết định số 110/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.

Với hồ sơ Sức khỏe điện tử TP Hà nội, người dân sinh sống trên địa bàn TP có thể quản lý sức khỏe cá nhân của bản thân và gia đình trên Sổ sức khỏe điện tử được chia sẻ trên ứng dụng iHanoi, hướng tới phục vụ hỗ trợ người dân trong quá trình thăm khám, điều trị và dự phòng bệnh.

Việc ra mắt các nền tảng, ứng dụng nêu trên được đánh giá là bước đi tiên phong của TP Hà Nội trong tiến trình chuyển đổi số, tạo phong cách làm việc mới, xây dựng TP xanh, thông minh, hiện đại, phát triển bao trùm và bền vững với quyết tâm xây dựng: “Xã hội số - xã hội niềm tin” với “Tư duy Thủ đô - hành động Hà Nội”.

Thủ đô Hà Nội là địa phương được Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 lựa chọn triển khai thí điểm một số nội dung, nhiệm vụ của Đề án làm cơ sở đánh giá trước khi nhân rộng.

Đọc thêm