Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Hội trường Thành ủy Hà Nội đến điểm cầu 30 quận, huyện, thị xã.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với hoạt động của HĐND
Triển khai Đề án, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, Đề án đề ra 2 mục tiêu và 7 nhóm chỉ tiêu cụ thể.
Trong đó, mục tiêu Đề án đề ra có 100% cấp ủy quận, huyện, thị xã và xã, thị trấn ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HĐND quận, huyện thị xã và xã, thị trấn; đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai và quán triệt Đề án đến 100% các chi bộ cơ sở trực thuộc và chi bộ, đảng viên.
Cùng với đó, 100% các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, các chương trình, đề án, kế hoạch của Thành ủy và cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 được cụ thể hóa tại các nghị quyết của HĐND các cấp; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
100% đại biểu HĐND các cấp được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hàng năm, đặc biệt quan tâm đến các đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND các cấp, các tổ đại biểu HĐND cấp TP và cấp huyện tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề bảo đảm số lượng và chất lượng.
100% các đại biểu HĐND thực hiện tiếp công dân theo quy định; 100% các kiến nghị cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến HĐND, đại biểu HĐND được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Cũng theo Đề án, hàng năm, Thường trực HĐND, tổ đại biểu HĐND tổ chức ít nhất 1 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề. Hàng quý, Thường trực HĐND TP tổ chức giao ban chuyên đề về hoạt động của HĐND các cấp với Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã.
Đề án đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.
Trong đó, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với tổ chức bộ máy và hoạt động của HĐND các cấp TP được coi là một giải pháp trọng tâm trong việc thực hiện Đề án. Bởi thực tế, ở đâu có sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của cấp ủy thì ở đó HĐND hoạt động rất hiệu quả.
Đề án cũng nhấn mạnh việc xác định rõ vai trò, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn, chức năng chủ yếu của HĐND; tăng thời gian thảo luận, tranh luận tại hội trường và thảo luận tại các tổ đại biểu để phát huy trí tuệ của đại biểu HĐND đối với các nội dung kỳ họp.
Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa HĐND và các cơ quan liên quan trong hệ thống chính trị bằng việc xây dựng và ký kết các quy chế, quy trình phối hợp công tác và quan tâm kiện toàn tổ chức, hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc HĐND.
Tại hội nghị, sau khi Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên triển khai Kế hoạch của Đảng đoàn HĐND về thực hiện Đề án, đại diện các cơ quan, đơn vị đã phát biểu tham luận, tập trung vào quá trình triển khai thực hiện Đề án tại đơn vị mình; nêu những vấn đề đặt ra khi triển khai thực hiện Đề án, đề xuất các giải pháp thực hiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của HĐND, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND các cấp TP đã chủ động, năng động, sáng tạo, hoạt động chất lượng, hiệu quả, ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng hoạt động của HĐND vẫn chưa đồng đều, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ ở cả 3 cấp.
Trước tình hình đó, căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, Chương trình công tác số 01-CTr/TU của Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị TP trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Đảng đoàn HĐND TP tham mưu xây dựng Đề án về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội, giai đoạn 2021-2026, gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại TP Hà Nội” nhằm tiếp tục đổi mới, khắc phục các tồn tại, hạn chế; phát huy những kết quả tích cực đã đạt được để tạo sự chuyển biến đồng bộ, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của HĐND các cấp trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu thực tiễn TP.
Để triển khai hiệu quả Đề án, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng nghiên cứu, quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc nội dung Đề án; thống nhất cao trong nhận thức về các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng xác định rõ đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND hay các đại biểu HĐND. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, sự lãnh đạo của Đảng giữ vai trò quan trọng, sự chủ động trong hoạt động của HĐND là nòng cốt.
Trên cơ sở đó, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị ủy khẩn trương ban hành kế hoạch và tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện Đề án; định kỳ hàng năm sơ kết báo cáo cấp ủy, HĐND và Thường trực HĐND cấp trên tình hình, kết quả thực hiện.
Cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị.
|
Các đại biểu thảo luận tại hội nghị. |
Trong quá trình triển khai, cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp và gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn.
Khẳng định công tác cán bộ là cốt yếu, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các cấp ủy tiếp tục quan tâm, kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở các cấp theo quy định của luật.
Ở các quận, huyện, thị xã còn thiếu số đại biểu chuyên trách theo quy định phải có phương án kiện toàn để tăng cường ngay số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Đối với các quận và thị xã Sơn Tây, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các tổ đại biểu HĐND TP, HĐND các quận, thị xã tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của mình trong các hoạt động; tăng cường giám sát triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, các cơ quan chuyên môn của UBND quận, thị xã và UBND, chủ tịch UBND phường.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, Đề án số 15-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP trong thời gian tới, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.