Hà Nội những ngày ô nhiễm nhất thế giới: Làm sao để sống?

(PLVN) - Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục thông tin Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nằm trong tình trạng  cảnh báo đỏ, cảnh báo tím về mức độ ô nhiễm không khí. Những thông tin trên khiến người dân vô cùng hoang mang lo lắng về sức khỏe cũng như cách đối phó với bầu không khí ngày càng trở nên “khó thở”.
Bức ảnh về người phụ nữ sử dụng thiết bị lọc không khí tại Bắc Kinh là ví dụ về mức độ ô nhiễm tại thành phố này. (Nguồn: Internet)

Chuỗi ngày xếp hạng 1 ô nhiễm nhất thế giới

Từ những ngày đầu tháng 9/2019 người ta không còn thấy bầu trời thu Hà Nội trong xanh nhưng những vần thơ nữa đổi lại là một bầu trời xám xịt nặng  trĩu. Và sau đó là chuỗi ngày  luôn nằm trong top Thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao trên thế giới.

 Trưa ngày 6/9/2019, Hà Nội có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới, vượt cả Trung Quốc. Từ ngày 13/9 đến nay, chỉ số ô nhiễm không khí đều lên trên 100, ngưỡng chất lượng không khí kém. Theo dự báo, đợt ô nhiễm không khí mới này còn kéo dài liên tục nhiều ngày và không có khoảng giảm, thậm chí mức độ ngày càng nghiêm trọng. 

Đỉnh điểm trong hai ngày 29/9 và sáng 30/9, ô nhiễm không khí tại thủ đô Hà Nội tăng lên mức nghiêm trọng. Tại nhiều điểm đo đã vượt ngưỡng đỏ, lên ngưỡng tím – ngưỡng cực kỳ có hại cho sức khỏe của con người.

Theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí AirVisual quốc tế, vào sáng 30/9, Hà Nội tiếp tục xếp thứ nhất thế giới  về tình trạng  ô nhiễm không khí với mức độ ô nhiễm vượt qua báo động đỏ, lên tới ngưỡng tím với chỉ số AQI là 272 vào lúc 6h30 sáng. Đây là mức nguy hại đến sức khỏe của tất cả mọi người.

Ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí độc lập PAMAir cũng cho thấy tại nhiều điểm đo, mức độ ô nhiễm ở ngưỡng tím, cụ thể như tại điểm đo tại Bắc Từ Liêm AQI ở ngưỡng 249, Gamuda garden (Hoàng Mai) ở mức 238, Tây Hồ ở mức 241, Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm) ở ngưỡng 204...

Một số điểm đo thuộc đồng bằng Bắc Bộ như Đông Hưng (Thái Bình) AQI ở mức 239, Thái Thụy (Thái Bình), ở ngưỡng 279, Kiến An (Hải Phòng) ở mức 227, Châu Khê (Bắc Ninh) ở mức 229... 

Điểm đặc biệt hai thời điểm trong ngày  không khí này là ô nhiễm nghiêm trọng nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Tuy nhiên, chất lượng không khí từ cuối buổi sáng đến chiều lại được cải thiện.

Tác hại của bụi mịn

Theo các chuyên gia y tế  với mức độ ô nhiễm không khí hiện tại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung, đặc biệt người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch... sẽ bị ảnh hưởng hơn cả.

Trong các thành phần của không khí ô nhiễm thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet thì chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ ràng, khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.

Người khỏe mạnh tiếp xúc nhiều trong môi trường không khí như vậy có thể bị nghẹt mũi, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản. Nếu phải tiếp xúc với môi trường không khí kém trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng đến phổi. Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, viêm phế quản đã kiểm soát bệnh tốt nhưng khi gặp môi trường không khí ô nhiễm dễ xuất hiện tình trạng bệnh trở lại..

Theo WHO, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Để hạn chế ảnh hưởng do ô nhiễm không khí đến người dân PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp, Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai đã có những khuyến cáo: “Với các bệnh nhân mắc bệnh hô hấp, ngoài bụi thì khói và các mùi hắc khó chịu cũng là tác nhân gây bệnh cho nên chúng tôi khuyên người dân mắc các bệnh hô hấp khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu, lưu ý phải chọn lựa khẩu trang có thể lọc được bụi mịn (khẩu trang y tế thông thường thì không thể cản được hạt bụi siêu mịn)”.

Điều quan trọng là phải làm thế nào để giữ cho môi trường trong sạch? Mỗi người góp một việc nhỏ thì sẽ chung tay bảo vệ môi trường sống của chúng ta trong lành. Ví dụ việc người dân đốt vàng mã quá nhiều, đặc biệt vào các dịp ngày rằm và mồng 1, việc đốt nhang cũng không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt khu ngoại thành Hà Nội, mấy ngày gần đây vào vụ thu hoạch người dân lại đốt rơm rạ khiến bầu không khí của thủ đô thêm ngột ngạt và ô nhiễm nặng nề hơn.

Bên cạnh đó, người dân thủ đô nên chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch để đun nấu, thay bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ. Khi dừng đèn đỏ, hãy tắt máy, thấy xe ô tô nào phát thải nhiều khói bụi, công trình xây dựng nào không che chắn kỹ, chúng ta cần lên tiếng nhắc nhở. PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp cho biết thêm.

Khẩu trang chống bụi mịn là sản phẩm bán chạy nhất những ngày qua

Nguyên nhân và cách khắc phục

Tại giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 1/10, Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội, người phát ngôn TP Vũ Đăng Định đã làm rõ một số vấn đề liên quan  đến chất lượng không khí của Thủ đô những ngày qua.

Ông Định cho biết, theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và môi trường TP, từ ngày 13/9, chất lượng không khí của Hà Nội ở nhiều thời điểm trong ngày mức kém, trong đó, chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5. 

Ông Định khuyến cáo, vào các thời điểm có chất lượng không khí kém, trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp cần hạn chế thời gian ra bên ngoài. Nếu phải ra ngoài, người dân nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cũng theo ông Định, có 12 nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí Hà Nội, bao gồm khí xả thải từ các phương tiện giao thông ô tô, xe máy; tình trạng đun bếp than tổ ong, bếp củi vẫn còn tiếp diễn dù TP đã có nhiều chương trình, khuyến cáo; bụi từ việc thi công các công trình; vận chuyển vật liệu xây dựng không đúng quy định; mùi hôi thối của hệ thống thoát nước chưa được xử lý; ô nhiễm từ các trại chăn nuôi gia súc gia cầm chưa đạt chuẩn; thu gom rác thải chưa tốt; hoạt động đốt rơm rạ các huyện ngoại thành; ô nhiễm bùn thải các ao hồ; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn TP và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

Theo ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở tài nguyên và môi trường TP Hà Nội) cho hay, hiện đang là thời gian giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt, sáng sớm gió lặng khiến việc khuếch tán các chất ô nhiễm thấp. 

Điều kiện thời tiết bất lợi cộng thêm tác động từ con người gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí. Trong số các nguyên nhân từ con người, ông Thái cho hay, trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than, phát thải 1.870 tấn khí CO2 vào không khí. 

Bên cạnh đó, TP hiện có hơn 70.000 ô tô và trên 5 triệu xe mô tô. Lượng khí thải từ các phương tiện này xả ra môi trường hàng ngày cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng không khí.

Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Vũ Đăng Định cho biết, để khắc phục tình trạng này, TP. Hà Nội đã và đang khẩn trương triển khai các biện pháp như tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới quan trắc giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường; thay đổi việc thu gom rác thải hàng ngày từ thủ công sang toàn bộ bằng xe quét, hút bụi; xử lý ô nhiễm ao, hồ nội ngoại thành…

Đặc biệt, TP xây dựng kế hoạch vận động đến ngày 31/12/2020 không còn hộ xử dụng bếp than tổ ong.

Còn ông Thái cho biết, dự báo đến 3/10 khi thời tiết có mưa nên chất lượng không khí của Hà Nội sẽ dần được cải thiện. 

Đọc thêm