Hà Nội: Phát triển đồng bộ các loại thị trường, thúc đẩy kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh, bền vững

(PLVN) - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh như vậy trong bài giảng tại lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2025-2030, diễn ra tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, sáng nay, 8/11.
Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh giảng bài tại lớp học.

Nhiều thành tựu nổi bật

Tham dự lớp học có 96 học viên là cán bộ chủ chốt các cơ quan TP đã được phê duyệt quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2025-2030.

Trình bày chuyên đề: “Tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới - Trao đổi kinh nghiệm thực tiễn” tại lớp học, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã làm rõ những kết quả nổi bật của TP về kinh tế, văn hóa, xã hội nhất là trong nhiệm kỳ 2016-2020, năm 2021 và 9 tháng năm 2022 so với giai đoạn trước; phân tích những hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân; những bài học kinh nghiệm rút ra.

Theo đó, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian qua, bối cảnh tình hình an ninh, chính trị thế giới và khu vực có nhiều biến động sâu sắc, thay đổi nhanh chóng, khó lường, có những mặt, nội dung vượt xa mọi dự báo thông thường.

Dù vậy, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, TP trong nước và bạn bè quốc tế; với tinh thần năng động, chủ động, sáng tạo, tranh thủ thuận lợi, thời cơ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức cùng những giải pháp sáng tạo, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong đó, kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng xanh, bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh tăng cao. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khá cao và cao hơn mức tăng của cả nước; 9 tháng năm 2022 đạt 9,69%, cao nhất trong những năm gần đây.

Quy mô GRDP năm 2021 đạt 1,067 triệu tỷ đồng, chiếm 65,4% quy mô GRDP vùng đồng bằng sông Hồng và 17,7% giá trị tổng sản phẩm (GDP) bình quân cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 128,2 triệu đồng, gấp 1,4 lần bình quân cả nước.

Năng suất lao động đạt 252,3 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 2,29 lần bình quân cả nước (110,4 triệu đồng/người). Tốc độ tăng năng suất trung bình giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,79%.

Cùng với đó, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn liên tục tăng và vượt dự toán, cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, bền vững, đảm bảo cân đối thu, chi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô.

Lũy kế giai đoạn 2016-2020 đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng (gấp 1,64 lần giai đoạn 2011-2015), tăng trung bình 11,1%/năm. Năm 2021, tổng thu đạt 267.232 tỷ đồng, vượt 13,5% dự toán Trung ương giao. Chín tháng năm 2022, thu ngân sách thực hiện 243.911 tỷ đồng, đạt 78,3% dự toán.

Ưu tiên nguồn lực phát triển các ngành, lĩnh vực cơ bản

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh dành nhiều thời gian phân tích, chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP thời gian tới trên cơ sở thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ rõ, TP sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, trước mắt là tập trung vào triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022 của Thành ủy, trong đó, có 96 nhiệm vụ được phân theo hướng rõ các nội dung chương trình, đề án, dự án, rõ thời gian và cơ quan chủ trì thực hiện.

Đồng thời, TP tập trung thực hiện tốt 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định

Ngoài ra, Hà Nội sẽ ưu tiên các nguồn lực thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực cơ bản.

Trong đó, về phát triển kinh tế, TP sẽ tập trung phát triển đồng bộ các loại thị trường, nhất là thị trường bất động sản, đất đai, khoa học và công nghệ; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên theo cơ chế thị trường để thúc đẩy kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững. Quản lý, kiểm soát hiệu quả giá đất và nhà ở, bảo đảm phát triển thị trường bất động sản lành mạnh. Khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đất đai, tài sản công, hạ tầng đô thị…

Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế; tăng cường xã hội hóa đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội; tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số thành phần xếp hạng PCI, bãi bỏ các rào cản, tập trung vào việc nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, vốn đầu tư...; tạo môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển theo quy định của pháp luật; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động.

TP cũng sẽ tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN cùng với phát triển mạnh các dịch vụ số; Hoàn thành số hóa toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về dân cư, đất đai, tài sản công… Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị TP.

Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý kết cấu hạ tầng; khuyến khích sử dụng vốn từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xanh, thân thiện môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng.

Nhằm phát huy giá trị văn hóa, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, TP sẽ phát triển các trục không gian văn hoá dọc bờ Bắc và bờ Nam Sông Hồng, trục kết nối không gian thành cổ Hà Nội và trục Tây Hồ Tây - Hồ Tây - Cổ Loa nhằm tổ chức các không gian lễ hội văn hóa, các sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, một động lực quan trọng phát triển Thủ đô.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 3673/UBND-KTTH về quyết liệt thực hiện các giải pháp điều hành tài chính, ngân sách địa phương những tháng cuối năm 2022. Theo đó, UBND TP yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể TP; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022; phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt dự toán thu ngân sách nhà nước được giao ở mức cao nhất.

UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong thực thi công vụ. Tăng cường công tác đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn chi thường xuyên. Khẩn trương hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước làm cơ sở xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giá dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước.

Đọc thêm