Hà Nội: Tăng cường các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND TP Hà Nội đã ban hành các kế hoạch về việc triển khai thực hiện nội dung trợ giúp pháp lý của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025 và tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 – 2027 trên địa bàn TP.
Cán bộ tư pháp trợ giúp pháp lý cho người dân. Ảnh tư liệu - Pháp luật và xã hội.
Cán bộ tư pháp trợ giúp pháp lý cho người dân. Ảnh tư liệu - Pháp luật và xã hội.

Chú trọng trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng yếu thế

Theo đó, ngày 28/10, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn ký ban hành Kế hoạch số 284/KH-UBND về việc triển khai thực hiện nội dung trợ giúp pháp lý của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch nêu rõ, hàng năm, TP Hà Nội sẽ tổ chức 20-30 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật cho người dân, trong đó chú trọng người nghèo, đối tượng yếu thế, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Tổ chức 15-20 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật cho phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế, phụ nữ thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Mỗi năm, TP Hà Nội đặt mục tiêu tổ chức 3-5 cuộc tập huấn chuyên đề chuyên sâu về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng yếu thế để nâng cao kiến thức, kỹ năng đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý. Tổ chức 5-7 cuộc tập huấn về cơ chế phối hợp thông tin trợ giúp pháp lý cho công chức phòng tư pháp, cán bộ cấp xã (cán bộ tư pháp hộ tịch, công an xã và công chức cấp xã khác).

Mỗi năm, tổ chức 3-5 cuộc tập huấn bồi dưỡng kiến thức trợ giúp pháp lý cho cán bộ thôn, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm, cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín, các tổ chức và cá nhân có liên quan để có khả năng thông tin, giải thích về trợ giúp pháp lý cho người dân và giới thiệu người dân thuộc diện trợ giúp pháp lý đến trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi gặp vướng mắc pháp luật, làm cầu nối giữa người dân với trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Thông qua các hoạt động trên nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý cho người dân, người nghèo, người yếu thế, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý gồm người thực hiện trợ giúp pháp lý, người tiến hành tố tụng, công chức phòng tư pháp, cán bộ cấp xã (cán bộ tư pháp hộ tịch, công an xã và công chức cấp xã khác), cán bộ thôn, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm, cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động truyền thông, thông tin cho người dân về trợ giúp pháp lý và giới thiệu nhu cầu cầu trợ giúp pháp lý với trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Để làm tốt nhiệm vụ trên, UBND TP Hà Nội yêu cầu tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, nghiêm túc các nội dung trợ giúp pháp lý; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, có thể lồng ghép với các hoạt động trợ giúp pháp lý khác để tạo thuận lợi, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả.

Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 283/KH-UBND về triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính trên địa bàn TP giai đoạn 2022-2030.

Kế hoạch đề ra sáu nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm rà soát, đánh giá và đề xuất phương hướng hoàn thiện pháp luật liên quan đến chính sách trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi; nâng cao năng lực cho người làm công tác trợ giúp pháp lý; thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính; truyền thông, tăng cường khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi; trao đổi, học tập kinh nghiệm với các tỉnh, TP về nội dung trên; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính.

Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính.

Đồng thời, tăng cường truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính, bảo đảm 100% người cao tuổi thuộc diện được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật khi họ có yêu cầu.

Theo kế hoạch, TP Hà Nội đặt mục tiêu mỗi năm sẽ tổ chức từ ba đến năm cuộc tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác trợ giúp pháp lý về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính.

Về tư vấn pháp luật, TP sẽ tăng cường thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính có nhu cầu trợ giúp pháp lý tại các xã, phường, thị trấn, Hội Người Cao tuổi, các câu lạc bộ người cao tuổi, các cơ sở trợ giúp xã hội...

Mỗi năm thực hiện 50-70 cuộc tư vấn pháp luật tại cơ sở. Cùng với đó, chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính, bảo đảm 100% người cao tuổi có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi họ có yêu cầu…

Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Cũng trong ngày 28/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký ban hành Kế hoạch số 279/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1260/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2027" trên địa bàn TP.

Kế hoạch nêu rõ mục tiêu phấn đấu 90-100% cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyên truyền, PBGDPL theo bộ chương trình, giáo trình, tài liệu PBGDPL cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong đơn vị.

Nội dung tuyên truyền, PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng cơ sở; tập trung vào những vấn đề mà người học, xã hội quan tâm; kết hợp giữa công tác giáo dục pháp luật với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, trách nhiệm nghề nghiệp cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động.

Bên cạnh đó, phấn đấu 100% người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động trong các trường cao đẳng, trường trung cấp được tuyên truyền, phổ biến, thông tin đầy đủ, rộng rãi về pháp luật giáo dục nghề nghiệp, các nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến ngành, nghề đào tạo, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp nhằm giúp người học nhận thức và thực hiện tốt các quy định của pháp luật.

Bảo đảm, 100% người học trong các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp thuộc đối tượng học xong đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thông tin, phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, đời sống, công việc, vị trí việc làm sẽ đảm nhận.

TP Hà Nội cũng phấn đấu 100% trường cao đẳng, trường trung cấp triển khai công tác, tuyên truyền, PBGDPL theo chương trình giáo dục chính khóa kết hợp với hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế; tích hợp, lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm phù hợp với hoạt động giáo dục chính trị đầu khóa, trong môn học Pháp luật và một số môn học khác theo chương trình đào tạo.

70% cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó 100% trường cao đẳng, trường trung cấp phát huy hiệu quả hoạt động hiện có của thư viện điện tử, tủ sách điện tử và học liệu được số hóa.

Đọc thêm