Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Hà Nội là địa phương đầu tiên cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ năm về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Tại Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nhất trí với Tờ trình của Bộ Chính trị về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là chủ trương có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 13/5 ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban Chỉ đạo gồm 15 thành viên, do ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố làm Trưởng ban Chỉ đạo; Ban Nội chính Thành ủy là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

5 Phó Trưởng ban Chỉ đạo gồm bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; ông Nguyễn Quang Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; ông Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; ông Hoàng Trọng Quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; và Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố.

Theo quyết định, Trưởng ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các thành viên Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo ban hành quy chế làm việc; quy định về công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác. Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu riêng để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; kinh phí hoạt động do ngân sách thành phố cấp theo quy định.

Bàn về sự cần thiết thành lập về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, thời gian gần đây, việc phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng tại các địa phương đã có bước chuyển mình, nhưng thực tế cũng vô cùng khó khăn bởi có một giai đoạn, việc phát hiện ở địa phương, cơ sở rất ít. Ở địa phương không thiếu cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát nhưng vẫn xảy ra những vụ án tham nhũng, thậm chí rất lớn như ở Bình Dương, Bình Thuận...

Vấn đề là phải chăng chúng ta chưa có sự chỉ đạo, sự phối hợp giữa các cơ quan trong cuộc chiến chống tham nhũng, giống như Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong khi ở địa phương có sự gắn kết, có mối liên hệ thâm tình nên việc phát hiện, xử lý ràng buộc lẫn nhau... Đến nay, sự chuyển biến trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương là do có chỉ đạo từ Trung ương, còn bản thân địa phương chưa có “bộ tư lệnh” chỉ đạo công tác này. Đã đến lúc phải có “bộ chỉ huy”, người đứng đầu để đề cao trách nhiệm, có sự phối hợp, nâng cao hiệu quả đấu tranh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Đọc thêm