Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, tại Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7/11/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Chính trị đã đồng ý để TP Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật. Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, việc xây dựng Đề án trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Góp ý tại Hội thảo, PGS.TS Lê Minh Thông - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội - cho rằng, xây dựng mô hình CQĐT không chỉ là mô hình tổ chức mà còn là thẩm quyền và cách thức hoạt động, thay đổi cách thức quản lý, cách thức hoạt động, cách thức bộ máy ứng xử và xử lý công việc. Vì vậy, cần chú trọng quan điểm theo cách tiếp cận “gọn bộ máy, gọn tổ chức, rõ thẩm quyền và thay đổi cách thức hành động”, tạo ra một “cú hích” tập trung vào hai vấn đề then chốt là tự chủ và tự quản. PGS,TS. Lê Minh Thông nhất trí với lộ trình Hà Nội đặt ra, 5 năm cho từng giai đoạn thí điểm, cụ thể là giai đoạn 1 từ 2021 - 2026, giai đoạn 2 từ 2026 - 2031.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương - cho rằng Đề án cần đánh giá kỹ hơn yếu tố nhân dân, cụ thể về cơ cấu, trình độ văn hóa, nhận thức chính trị, nhu cầu đời sống... để bảo đảm sự phát triển toàn diện của con người, để thực sự đề án trước hết là phục vụ người dân.
GS. TS Vũ Văn Hiền - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương – thì cho rằng Đề án cần làm rõ những đề xuất Hà Nội tự chủ như thế nào, có tự chủ mọi tình huống và giải quyết mọi vấn đề cơ bản hay không. Tại Hội thảo, một số ý kiến đề nghị Đề án phải quy định đa dạng cấp chính quyền, mạnh dạn theo phương án bỏ hết HĐND cấp xã; có ý kiến đề xuất chỉ duy trì chính quyền hoàn chỉnh ở cấp TP và cấp phường, xã, bỏ cấp trung gian là chính quyền cấp quận, huyện.
Kết luận Hội thảo, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, với quy mô dân số tăng nhanh trong khi hạ tầng đô thị không kịp phát triển để đáp lại nhu cầu của người dân, khiến vấn đề thẩm quyền, quyền tự chủ, nguồn vốn đầu tư... là những vấn đề hết sức bất cập và là thách thức lớn đối với Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, mục tiêu của Đề án là xây dựng một chính quyền Thủ đô hiệu lực, hiệu quả đáp ứng được nhu cầu của người dân Thủ đô; trong đó, sẽ tăng cường quyền tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm của thành phố, cũng như tăng cường phân cấp từ thành phố xuống quận, huyện, phát huy vai trò chủ động của các quận, huyện...
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết TP sẽ trình Bộ Chính trị dự thảo đề án vào tháng 12/2018, nhưng quan điểm là phải bảo đảm tính khả thi cao mới trình.