Cụ thể, các buổi trực tại Trung tâm tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh sẽ mở đến 12 giờ trưa. Năm nay, Trung tâm thực hiện việc trực này bởi thực tế, có những tình huống tai nạn phát sinh cần tiêm vắc xin trong các ngày này.
Cũng liên quan đến vấn đề tiêm ngừa vắc xin, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo, trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ để phòng bệnh. Căn cứ theo Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, từ ngày 01/01/2018 các trẻ thuộc đối tượng chương trình TCMR bắt buộc phải tiêm đầy đủ 10 loại vắc xin miễn phí để phòng các bệnh truyền nhiễm, bao gồm: viêm gan vi rút B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt, bệnh viêm màng não mủ (Hib); bệnh sởi, viêm não Nhật Bản B, rubella.
Nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn:
Để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ.
Hiện nay, nhiều bệnh truyền nhiễm đã được khống chế song vẫn có nguy cơ quay trở lại nếu tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp. Nếu trẻ không được tiêm chủng thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng.
Theo đó, lịch tiêm vắc xin viêm gan B trong 24h đầu sau sinh và tiêm vắc xin phòng bệnh lao trong vòng 1 tháng sau khi sinh
Trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi tiêm vắc xin phòng 5 bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib và uống vắc xin phòng bại liệt
Trẻ 9 tháng tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi
Trẻ 18 tháng tuổi tiêm vắc xin Sởi - Rubella và tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván
Trẻ từ 1 đến 5 tuổi tiêm 3 mũi vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản.